UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 12: Xem xét, thông qua một số nội dung quan trọng
Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp
– Sáng 22/12, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 12/2022 để xem xét một số nội dung quan trọng.
Đầu phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận và cho ý kiến vào dự thảo Tờ trình của UBND tỉnh và Nghị quyết của HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng theo hình thức BOT.
Theo dự thảo tờ trình, dự án được thực hiện trải dài trên 3 huyện (Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng) và thành phố Lạng Sơn. Tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng có chiều dài khoảng 43 km được thiết kế với quy mô 6 làn xe cơ giới, nền đường rộng 32,25 m. Dự án được phân kỳ theo 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 sẽ thực hiện từ năm 2022 – 2025, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác một phần dự án vào năm 2026. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 là 10.620 tỷ đồng.
Về nội dung này, các đại biểu đã tập trung thảo luận về một số vấn đề cụ thể như: Sự phù hợp của dự án với quy hoạch chung của tỉnh; phương án giải phóng mặt bằng; công tác huy động vốn đầu tư; phương án tài chính…
Qua nghe báo cáo dự thảo của đơn vị trình và ý kiến thảo luận của các ngành, của nhà đầu tư (Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả), đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: mục tiêu của dự án là từng bước xây dựng tuyến đường giao thông có năng lực thông hành lớn, an toàn giao thông tốc độ cao, hoàn thiện tuyến cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn phù hợp với Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, kết nối giữa đoạn tuyến cao tốc Bắc Giang – Chi Lăng, Lạng Sơn (đang khai thác) đến cửa khẩu Hữu Nghị và cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh đang chuẩn bị đầu tư tạo nên mạng lưới giao thông đồng bộ theo quy hoạch, góp phần phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Trung du miền núi phía Bắc. Do vậy, việc tiếp tục đầu tư thực hiện dự án là rất cần thiết.
Để các bước triển khai đầu tư thực hiện dự án đảm bảo lộ trình đề ra, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: các sở, ngành và đơn vị liên quan của tỉnh cập nhật quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh để điều chỉnh dự án cho phù hợp; giao Sở Giao thông Vận tải (GTVT) bám sát chỉ đạo của Bộ GTVT để lấy ý kiến của Bộ về phân kỳ đầu tư; giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cập nhật diện tích rừng thay đổi để trình Bộ NN&PTNT nắm rõ; trong dự án, phần vốn từ ngân sách của tỉnh tham gia vào khoảng 2.500 tỷ đồng, do đó các sở, ngành liên quan cần khẩn trương tính toán, cân đối từ các nguồn để đảm bảo đủ nguồn vốn đầu tư; phương án giải phóng mặt bằng cũng cần được tính toán ngay;…. Đồng chí Chủ tịch UBND thông qua nội dung này, giao đơn vị trình dự thảo (Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT)) khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy và trình HĐND tỉnh xem xét trước kỳ họp tới.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT trao đổi về một số nội dung liên quan
Phiên họp cũng tập trung thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Dự thảo nội dung này đã đề ra một số mục tiêu cụ thể như: tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông nghiệp phấn đấu đạt bình quân khoảng 3%/năm; tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp chiếm 12-13% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến hết năm 2030 là trên 80%, trong đó phấn đấu 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có ít nhất 2 huyện/thành phố đạt chuẩn nông thôn mới; có trên 140 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; đến năm 2045, nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao; xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với quá trình đô thị hóa…
Kết luận nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: trên cơ sở thực tiễn về tình hình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian qua, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh nhận thấy cần thiết phải đề xuất xây dựng và ban hành Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp và Nhân dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống cho người nông dân trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất thông qua nội dung này, đồng thời đề nghị đơn vị trình dự thảo (Sở NN&PTNT) cập nhật các văn bản quy định, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn để việc xây dựng dự thảo đảm bảo đồng bộ, thống nhất và phù hợp với thực tiễn của tỉnh.
Ngoài các nội dung trên, tại phiên họp kỳ này cũng xem xét, thảo luận một số nội dung dự thảo: Quyết định của UBND tỉnh ban hành Bộ tiêu chí khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2023 – 2025; Tờ trình và Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh quy định chế độ hỗ trợ đối với cán bộ công chức viên chức thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2023 – 2025; Quyết định của UBND tỉnh ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Lạng Sơn; Tờ trình của UBND tỉnh và Nghị quyết của HĐND tỉnh thông qua Quy hoạch phân khu Khu Công nghiệp Đồng Bành, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, tỷ lệ 1/2000.
Ý kiến ()