UAE ủng hộ nỗ lực của Saudi Arabia giải quyết khủng hoảng Vùng Vịnh
Đây là phản ứng đầu tiên của UAE đối với các tuyên bố gần đây của Saudi Arabia rằng sự chia rẽ giữa 4 quốc gia Vùng Vịnh với Qatar sẽ sớm được hóa giải.
Ngày 8/12, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) khẳng định ủng hộ các nỗ lực của Saudi Arabia nhằm chấm dứt những tranh cãi tại Vùng Vịnh kéo dài 3 năm qua.
Đây là phản ứng đầu tiên của UAE đối với các tuyên bố gần đây của Saudi Arabia rằng sự chia rẽ giữa 4 quốc gia Vùng Vịnh với Qatar sẽ sớm được hóa giải.
Tuần trước, Ngoại trưởng Saudi Arabia, ông Faisal bin Farhan, cho biết vương quốc này và các đồng minh UAE, Bahrain và Ai Cập “đang cùng nhau” giải quyết khủng hoảng ngoại giao giữa họ với Qatar.
Trong một bình luận trên tài khoản Twitter, Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash cho biết nước này “ủng hộ các nỗ lực thiện chí của Saudi Arabia đại diện cho 4 quốc gia, và hy vọng một hội nghị thượng đỉnh các nước Vùng Vịnh sẽ thành công tốt đẹp.”
Ông Gargash cũng đánh giá cao các nỗ lực của Kuwait và Mỹ, những nước đã đóng vai trò trung gian hòa giải khủng hoảng vùng Vịnh.
Hội nghị Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) gồm 6 nước thành viên là UAE, Saudi Arabia, Bahrain, Oman, Kuwait và Qatar dự kiến sẽ tổ chức họp thượng đỉnh vào cuối tháng này.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ai Cập ra tuyên bố đánh giá cao nỗ lực của Kuwait, bày tỏ “hy vọng các nỗ lực này sẽ mang lại một giải pháp toàn diện, giải quyết mọi nguyên nhân gây ra khủng hoảng và đảm bảo cam kết nghiêm ngặt với những gì sẽ được nhất trí.”
Trước đó, ngày 4/12, Ngoại trưởng Qatar thông báo có tiến triển trong việc giải quyết tranh cãi ngoại giao giữa các nước Vùng Vịnh. Tuy nhiên, ông từ chối dự đoán về triển vọng đạt đột phá hay một giải pháp toàn diện cho vấn đề này trong thời gian tới.
Căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh bùng phát tháng 6/2017 khi “Bộ Tứ” do Saudi Arabia đứng đầu cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc chính quyền Doha ủng hộ các nhóm cực đoan và can thiệp nội bộ các nước trong khu vực.
Các nước này đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt, trong đó có việc đóng cửa khẩu biên giới trên bộ, đường biển và không phận đối với máy bay của Qatar, trục xuất công dân nước này.
Qatar nhiều lần phủ nhận cáo buộc trên, đồng thời cho rằng các biện pháp này là không chính đáng và dựa trên các cáo buộc không có cơ sở. Sau đó, 4 nước trên đã đưa ra yêu sách 13 điểm tới Qatar để đổi lấy sự dỡ bỏ bao vây cấm vận quốc gia, trong đó có việc đóng cửa mạng lưới truyền thông Al Jazeera, đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và giảm quan hệ với Iran./.
Ý kiến ()