Tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam vẫn thấp so mặt bằng chung thế giới
Bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế và khối doanh nghiệp đã dẫn đến tình trạng thiếu việc làm trong lực lượng lao động nước ta. Song theo Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, bình quân tỷ lệ thất nghiệp quý I/2023 là 2,25%, vẫn ở mức thấp so mặt bằng chung thế giới.
Cơ bản bảo đảm các chính sách an sinh xã hội
Sáng 6/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.
Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trân trọng cảm ơn Quốc hội đã cho ngành lao động, thương binh và xã hội có điều kiện báo cáo trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước về tình hình lao động, việc làm, công tác đào tạo giáo dục nghề nghiệp và công tác quản lý, phát triển bảo hiểm xã hội.
Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên chất vấn sáng 6/6. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội khẳng định đây là những vấn đề lớn, liên quan trực tiếp đến đời sống, miếng ăn, giấc ngủ hàng ngày của hàng triệu người dân, người lao động và lực lượng hưu trí cả nước.
Thời gian qua, trong bối cảnh nhiều thay đổi nhanh chóng và phức tạp, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đã đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội.
“Chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn để cơ bản bảo đảm các chính sách an sinh xã hội và đời sống nhân dân, triển khai nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả nhiều chính sách xã hội, nhằm hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động trong khắc phục khó khăn do đại dịch gây ra”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đi vào cụ thể các vấn đề chất vấn của đại biểu Quốc hội, liên quan chất vấn của đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) về tình trạng thiếu việc làm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, nước ta có quy mô lao động lớn, nên tình trạng thiếu việc làm là có.
Đại biểu Quốc hội Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Trong đó, bình quân tỷ lệ thất nghiệp quý I/2023 là 2,25%. Theo Bộ trưởng, đây vẫn là một tỷ lệ thấp so với mặt bằng chung của thế giới.
“Nếu nhìn lại thời gian qua, ở thời điểm ngày 11/1/2021, khi đó, Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp chúng ta ở nhóm tốp 5 về tỷ lệ thất nghiệp. Nhưng đến thời điểm này, tỷ lệ thất nghiệp của chúng ta chỉ là 2,25% trong quý I/2023, nếu so với thế giới thì mức này vẫn ở ngưỡng thấp”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ.
Bộ trưởng dẫn báo cáo chính thức công bố ngày 26/5 cho biết, số mất việc làm, giãn việc, thiếu việc vào khoảng 506 nghìn, trong đó có 270 nghìn người mất việc.
Bộ trưởng chỉ rõ, nguyên nhân của tình trạng này do cắt giảm đơn hàng, tái cơ cấu sản xuất, thay đổi về lực lượng lao động và thực hiện giải quyết chính sách cho lao động.
Có sự tiến bộ rõ rệt về giáo dục nghề nghiệp
Trả lời chất vấn của các đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) liên quan giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, giáo dục nghề nghiệp là một bậc trong hệ thống giáo dục quốc dân, là bậc liên thông giữa giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và đại học.
Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Thời gian qua, Chính phủ đã hoàn thiện cơ cấu, hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Quốc hội đã ban hành 3 Luật liên quan đến lĩnh vực này, gồm Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục và Luật dạy nghề.
Bộ trưởng chỉ rõ, quy mô tuyển sinh hiện nay khoảng 2 triệu sinh viên, học sinh học nghề, so với cách đây 5 năm bình quân mỗi năm chỉ khoảng 500 nghìn học sinh, sinh viên, cho thấy có sự tiến bộ rõ rệt.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắng nhìn nhận, giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng còn nhiều điều cần quan tâm, đổi mới và cải thiện về chính sách pháp luật, chế độ ưu đãi, khuyến khích cho học sinh vào trường nghề chưa nhiều.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, muốn đổi mới giáo dục nghề nghiệp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong xã hội.
Về các giải pháp thu hút học sinh học nghề, Bộ trưởng cho rằng cần phải có nhiều giải pháp kết nối với các doanh nghiệp để kết nối việc làm cho người học.
Bên cạnh đó, điều quan trọng là có sự ủng hộ của các bậc cha mẹ, bản thân người học để thu hút các em vào trường nghề, ra trường có việc làm, thu nhập ổn định, có cuộc sống tương đối tốt, sau khi ra trường có nhu cầu học lên cao sẽ được học liên thông.
Từ định hướng này, Bộ trưởng cho biết Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ thiết kế chính sách cho sinh viên, học sinh học nghề theo hướng này.
Quy mô lao động đạt 55 triệu người
Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) về thị trường lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, quy mô thị trường lao động của nước ta độ tuổi từ 15 trở lên khoảng 55 triệu người. Đến quý I/2023, số người tham gia thị trường lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 51,4 triệu người.
Theo Bộ trưởng, thị trường lao động Việt Nam còn non trẻ nhưng thời gian qua đã có bước hình thành và phát triển tương đối nhanh chóng cả về cơ cấu, quy mô, và sự phát triển trong tương lai.
Tuy nhiên, lao động có kỹ năng còn thấp, số lao động qua đào tạo bằng các hình thức khác nhau đạt trên 70% nhưng số có bằng cấp, chứng chỉ hiện nay là 26,4% (tính đến quý I/2023). Theo Bộ trưởng, đây là tỷ lệ không quá thấp nhưng thấp so với các nước phát triển.
Ngoài ra, cơ cấu lực lượng lao động của nước ta cũng không cân đối, đặc biệt lao động trình độ cao đẳng, trung cấp và có kỹ năng còn thấp, cần điều chỉnh.
“Trong thực tiễn, nhà đầu tư khi đến Việt Nam thường tập trung đặt vấn đề về nhân lực chất lượng cao có đáp ứng được hay không, nhất là ngành nghề cần tay nghề cao”, Bộ trưởng nêu rõ.
Về giải pháp, theo Bộ trưởng, thời gian qua sau khi có Nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết 19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 06 về phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hiện đại, đồng bộ, hiệu quả và bền vững, tiến tới đưa thị trường lao động Việt Nam có thể hội nhập xu thế chung. Bộ trưởng nêu rõ, trong Nghị quyết này đã nêu 9 nhóm giải pháp căn bản từ việc tuyên truyền, nhận thức, xây dựng chính sách đến việc triển khai tổ chức thực hiện…
Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội sáng 6/6. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Trả lời chất vấn của đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) về đánh giá chất lượng đào tạo nghề khi tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 70% song số có chứng chỉ nghề chỉ trên 26%, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, trên thực tiễn, việc đào tạo có chứng chỉ mới là một nội dung, quan trọng nhất là nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, khả năng tinh thông nghề nghiệp và hiệu quả công việc của người lao động.
Bộ trưởng nêu rõ, trong thực tiễn có nhiều thợ lành nghề không có bằng cấp nhưng nếu thi tay nghề chắc chắn đạt kết quả cao. Do đó, Bộ trưởng bày tỏ tán thành với quan điểm của đại biểu Tô Văn Tám và cho rằng cần có một cách nhìn toàn diện, đầy đủ hơn về vấn đề này.
Đặt vấn đề có trường hợp thợ lành nghề có chuyên môn nhưng lại không được công nhận bằng chứng chỉ, Bộ trưởng cho biết sẽ giao việc này cho Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề xuất phương án giải quyết, trên quan điểm cần có công cụ, tiêu chí đánh giá để xác định về chất lượng lao động cũng như tiêu chuẩn công nhận chứng chỉ, bằng cấp trong gian tới.
Nguồn:https://nhandan.vn/ty-le-that-nghiep-cua-viet-nam-van-thap-so-mat-bang-chung-the-gioi-post756362.html
Ý kiến ()