Tỷ lệ thất nghiệp của Nhật giảm trong khi sản lượng công nghiệp tăng
Bộ Nội vụ Nhật Bản vừa công bố báo cáo cho hay tỷ lệ thất nghiệp của nước này sụt giảm trong tháng Tám vừa qua, trong khi sản lượng công nghiệp đã tăng lần đầu tiên trong bốn tháng qua.
Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang có đà phục hồi dần dần.
Cụ thể, theo Bộ Nội vụ Nhật Bản, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng Tám vừa qua của nước này ở mức 2,4%, giảm nhẹ so với mức 2,5% của tháng trước đó. Con số này thấp hơn dự báo của thị trường và là sự cải thiện đầu tiên trong vòng hai tháng qua, sau khi tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản chạm mức thấp nhất 26 năm là 2,2% vào tháng Năm năm nay.
Trong lúc báo cáo của Bộ Lao động Nhật Bản cho hay tỷ lệ số việc làm và số đơn xin việc của Nhật Bản trong tháng Tám năm nay vẫn không đổi và ở mức cao nhất trong 44 năm qua, khi cứ 100 người tìm kiếm việc làm có 163 vị trí việc làm được chào mời.
Lâu nay, Nhật Bản phải “vật lộn” với thị trường lao động “thắt chặt” do tình trạng dân số già, tỷ lệ sinh thấp kéo dài và lượng lao động nhập cư rất ít.
Báo cáo cùng ngày của Bộ Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng Tám tăng 0,7% so với tháng trước đó, ghi dấu mức tăng đầu tiên trong bốn tháng qua. Tuy nhiên. mức tăng này vẫn thấp hơn mức dự báo tăng 1,4% của thị trường.
Thông tin này được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa nhất trí khởi động các vòng đàm phán về một hiệp định thương mại tựu do (FTA) song phương vào ngày 26/9 vừa qua.
Hiệp định thương mại Mỹ-Nhật Bản được kỳ vọng sẽ bảo vệ các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản khỏi các lệnh áp thuế, vốn được đánh giá là một trong những mối đe dọa lớn đối với quốc gia phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu như Nhật Bản.
Tại cuộc họp chính sách hồi tuần trước, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) giữ nguyên đánh giá rằng kinh tế Nhật Bản đang tăng trưởng vừa phải nhờ xuất khẩu và đầu tư doanh nghiệp gia tăng, cũng như chi tiêu tiêu dùng của khu vực tư nhân đang tăng dần.
Tuy nhiên, BoJ cũng đề cập đến những nguy cơ đối với triển vọng của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, trong đó có các chính sách kinh tế vĩ mô của Mỹ và tiến trình đàm phán về việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()