Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm: Đừng là những con số “ảo”
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công khai nội dung dự thảo thông tư quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh các trình độ của giáo dục đại học và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non để xin ý kiến đóng góp của các cơ quan, chuyên gia, người dân... Tại khoản 3 Điều 4 của dự thảo nêu rõ, một ngành, nhóm ngành trình độ đại học sẽ không được tăng chỉ tiêu tuyển sinh so với năm trước liền kề nếu tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm thấp hơn 70%.
Theo quy định hiện hành, Bộ GD&ĐT không cho phép các trường tăng chỉ tiêu tuyển sinh nếu tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt dưới 80%. Như vậy, điều kiện để được tăng chỉ tiêu tuyển sinh đã được nới lỏng. Tuy nhiên, trên thực tế, những con số này hầu như không có ý nghĩa bởi những năm qua, phần lớn các trường đại học đều tự thống kê, công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm sau một năm đều ở mức cao, từ 85% đến 100%, cao hơn giới hạn mà Bộ GD&ĐT quy định.
Thế nhưng, dư luận đặt câu hỏi, liệu những con số thống kê này có chính xác hay không?
Bạn V.G.B, quê ở TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, sinh viên năm thứ nhất một trường đại học tại Hà Nội chia sẻ với chúng tôi: “Trước khi đăng ký thi tuyển sinh vào trường, em đã tìm hiểu và được biết tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm do trường công bố trong 3 năm gần nhất đều hơn 90%. Tuy nhiên, vào học em mới được các anh chị sinh viên khóa trước cho biết, tỷ lệ này có phần là “ảo” bởi việc thống kê chưa thực sự chính xác, khoa học, nhiều anh chị đi làm trái ngành, công việc thời vụ không ổn định cũng được trường thống kê là có việc làm. Em rất băn khoăn, không biết nhu cầu thực sự của xã hội về ngành mình đang học đến đâu…”.
Từ chia sẻ của bạn V.G.B, chúng tôi tìm hiểu và nhận thấy những điều bạn sinh viên này lo lắng là có cơ sở.
Đề án tuyển sinh đại học năm 2024 cũng như một vài năm trước của rất nhiều trường đại học công bố tỷ lệ sinh viên các ngành có việc làm sau một năm ra trường cao nhất lên đến 100%, thông thường từ 85% đến 95%. Tuy nhiên, hầu hết các trường mới chỉ tính tỷ lệ sinh viên có việc làm so với tổng số sinh viên phản hồi khi nhận được phiếu hỏi. Trong khi đó, tỷ lệ sinh viên có phản hồi chỉ chiếm trung bình khoảng 50-70% tổng số sinh viên tốt nghiệp, nên chưa thể phản ánh chính xác bức tranh tổng thể về việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Các thống kê cũng chỉ nêu chung chung “việc làm đúng ngành đào tạo”, “gần đúng ngành đào tạo”, “không liên quan ngành đào tạo”, ở “khu vực nhà nước”, “khu vực tư nhân”…, mà không có phụ lục chi tiết việc làm cụ thể kèm theo nên thiếu tin cậy và chưa thuyết phục. Trên thực tế, không ít sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm đúng chuyên môn đào tạo, phải đi làm công việc thời vụ, bấp bênh, không ổn định hoặc không muốn “ngồi chơi xơi nước” nên đi học thạc sĩ, văn bằng 2… nhưng vẫn được thống kê “có việc làm”…
Việc thống kê số liệu sinh viên tốt nghiệp có việc làm chưa khoa học, chính xác, dẫn đến các con số “ảo” như nói trên đã để lại hệ lụy tiêu cực. Trước hết, vì đây là một trong những căn cứ quan trọng để thí sinh, phụ huynh lựa chọn ngành học, định hướng nghề nghiệp nên đã khiến nhiều thí sinh lựa chọn sai, mất đi cơ hội tìm việc làm phù hợp trong tương lai, làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân đối giữa cung-cầu lao động.
Đồng thời, số liệu thống kê chưa chính xác còn ảnh hưởng tới công tác quản lý nhà nước, khiến các quyết định, chủ trương, chính sách đưa ra không phù hợp, không đúng với thực tế.
Quay trở lại dự thảo thông tư nói trên, nếu tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm bị các trường đại học tô hồng thành những con số “ảo” cao chót vót thì đồng nghĩa với việc quy định của thông tư bị vô hiệu hóa, các trường tiếp tục được tăng chỉ tiêu tuyển sinh, bất chất thực tế sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều. Ngược lại, với các trường thống kê chính xác, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm không phải là những con số được “làm đẹp” thì sẽ thiệt thòi vì có thể không được tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Dù trong trường hợp nào, hiệu quả quản lý nhà nước cũng bị ảnh hưởng.
Vì vậy, hãy đừng để tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm là những con số “ảo”. Muốn thế, Bộ GD&ĐT cần quy định cụ thể cách thức, quy trình khảo sát, thống kê một cách khoa học, chính xác; có thể nghiên cứu để giao cho một cơ quan, đơn vị độc lập thực hiện, đánh giá. Mặt khác, điều này cũng cần sự phối hợp tích cực của các sinh viên và quan trọng nhất, trường đại học phải đề cao trách nhiệm xã hội, đừng tự “đánh bóng” bản thân, vì lợi ích cục bộ mà ảnh hưởng đến lợi ích chung của cộng đồng.
Ý kiến ()