Tỷ lệ sinh đẻ tuổi vị thành niên vẫn còn cao
Theo kết quả nghiên cứu của nhóm bác sĩ tại bệnh viện Phụ sản Trung ương, trong 2 năm 2017-2018, tỷ lệ sinh đẻ ở lứa tuổi vị thành niên tại bệnh viện này vẫn ở mức cao (chiếm 0,5% số ca đẻ tại BV), thai nghén tuổi vị thành niên cũng để lại nhiều nguy cơ cho sản phụ và thai nhi.
Kết quả nghiên cứu này được đưa ra tại hội nghị Sản phụ khoa Việt Pháp 2019, được tổ chức từ ngày 13-14/5, tại Hà Nội.
Cụ thể, trong 2 năm 2017-2018, tổng số sản phụ sinh đẻ tại bệnh viện Phụ sản Trung ương là 44.086 ca. Trong đó, tỷ lệ vị thành niên đẻ trong cả 2 năm khoảng 0,5%. Tỷ lệ này có giảm so với thời gian từ 2011 -2013 (từ 1,3-1,9%) tuy nhiên vẫn ở mức cao.
Tỷ lệ vị thành niên có thai nghén bất thường cũng ở mức cao, khoảng 16,4% (năm 2018). Các bất thường gặp nhiều nhất là bất thường não, bất thường bụng, phù thai rau, đa dị tật…
Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, có đến 2,6% trẻ sơ sinh từ mẹ vị thành niên sinh đẻ tại bệnh viện phụ sản Trung ương trong 2 năm gần đây, chỉ có trọng lượng dưới 500g, 8,5% trẻ sơ sinh có trọng lượng từ 500-1000g, 6,8% có trọng lượng từ 1000-1500g. Kết quả này cho thấy, thai nghén của mẹ ở tuổi vị thành niên có tỷ lệ sinh con non tháng và nhẹ cân rất nhiều.
Cũng trong 2 năm này, tỷ lệ trẻ sơ sinh từ mẹ tuổi vị thành niên bị tử vong chiếm tới 17,9%. Tỷ lệ này cho thấy nguy cơ của thai nghén tuổi vị thành niên đối với mẹ, đặc biệt là đối với thai nhi còn rất cao và đáng báo động trong toàn xã hội.
Theo nhóm nghiên cứu, đa số vị thành niên sinh đẻ tại bệnh viện Phụ sản Trung ương ở lứa tuổi 17-18, chiếm 82,4%; có 1,8% vị thành niên ở nhóm tuổi từ 10-13. Điều đáng quan tâm là tỷ lệ vị thành niên sinh đẻ tại bệnh viện là học sinh sinh viên chiếm gần 12% và có khoảng 83,3% làm nghề tự do; 21,6% chưa lấy chồng.
Đây là những đối tượng khi mang, sinh đẻ gặp nhiều khó khăn và áp lực, vì vậy có nhiều nguy cơ nguy hiểm cho sản phụ và thai nhi. Tỷ lệ này không nhỏ, qua đó đòi hỏi sự quan tâm giáo dục về giới tính và sức khỏe sinh sản cho lứa tuổi này ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây không chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục mà còn là trách nhiệm của ngành y tế và toàn xã hội.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()