Tỷ lệ người tiêu dùng ưu tiên hàng Việt Nam đang gia tăng
Ngày 3/7, Bộ Công Thương đã chính thức công bố triển khai chương trình “Tuần nhận diện hàng Việt 2015-Tự hào hàng Việt Nam” theo quyết định số 5903/QĐ-BCT về việc chỉ định Trung tâm thông tin Công nghiệp và thương mại (VITIC) thực hiện chương trình “Tuần nhận diện hàng Việt Nam thường niên trên quy mô toàn quốc với tên Tự hào hàng Việt Nam.”
Theo kết quả điều tra của Viện nghiên cứu dư luận xã hội năm 2014, có 92% người tiêu dùng được hỏi rất quan tâm đến cuộc vận động, 63% người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt Nam (tăng 4% so với năm 2010), 54% người tiêu dùng khuyên người thân nên dùng hàng Việt.
Theo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, chương trình nhận diện thương hiệu hàng Việt diễn ra trong một tuần nhưng thực sự diễn ra từ tháng 7-10/2015 với rất nhiều hoạt động xuyên suốt.
Chương trình này nhằm giúp cho người tiêu dùng nhận diện hiểu rõ hơn các hàng hóa Việt Nam, giúp người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận với hàng hóa Việt Nam sản xuất, giúp các nhà sản xuất nắm được các yêu cầu của người tiêu dùng Việt.
Các hoạt động được triển khai trong khuôn khổ chương trình “Tuần nhận diện hàng Việt Nam” được thực hiện đồng thời trên ba thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm:
Từ ngày 6/7-31/8 sẽ diễn ra các hoạt động tìm kiếm đại sứ đồng hành cùng chương trình; Từ ngày 10-22/9 sẽ họp báo công bố kết quả tìm kiếm đại sứ và các doanh nghiệp đồng hành cùng chương trình, công bố địa điểm thời gian địa điểm, nội dung chi tiếu từng hoạt động trong chương trình; Từ ngày 23-29/9 tổ chức hoạt động diễn ra tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ ngày 27/9 sẽ diễn ra hoạt động diễu hành đồng hành cùng hàng Việt. Đến ngày 3/10 sẽ có nhiều hoạt động để bổ trợ cho chương trình Tuần nhận diện hàng Việt Nam.
Chương trình Tuần nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” là một giải pháp hỗ trợ thực hiện thành công mục tiêu của Đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2014-2020”.
Mục tiêu của chương trình nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, phổ biến sâu rộng đến mọi đối tượng để người tiêu dùng nhận thức đúng chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam, xây dựng thương hiệu và nhận diện hàng Việt, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về thương mại trên địa bàn toàn quốc.
Theo chương trình, đến năm 2015, sẽ có 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam biết đến Cuộc Vận động, đến năm 2020, trên 70% biết đến nhóm các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam;” tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa lên trên 70%.
Đến năm 2020, tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều tổ chức được dịch vụ hỗ trợ kết nối cung cầu cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh Việt Nam; cơ bản hoàn thành việc xây dựng giữ liệu và cập nhật mạng lưới phân phối hàng Việt của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để cung cấp, tập huấn sử dụng cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam và phục vụ cho công tác quản lý của Nhà nước./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()