Tỷ lệ nghèo của Việt Nam giảm từ 58% xuống 20,7%
Chiều 20/9, tại Trung tâm học liệu thuộc Đại học Thái Nguyên, Ngân hàng Thế giới phối hợp với Đại học Thái Nguyên tổ chức hội nghị báo cáo “Đánh giá nghèo Việt Nam 2012.”
Chiều 20/9, tại Trung tâm học liệu thuộc Đại học Thái Nguyên, Ngân hàng Thế giới phối hợp với Đại học Thái Nguyên tổ chức hội nghị báo cáo “Đánh giá nghèo Việt Nam 2012.”
Dự hội nghị có các chuyên gia kinh tế, chuyên gia phát triển xã hội, chuyên gia phân tích… đến từ Ngân hàng Thế giới, một số trường Đại học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cùng hơn 100 cán bộ giảng viên, sinh viên đang công tác, học tập tại Đại học Thái Nguyên.
Theo báo cáo “Đánh giá nghèo Việt Nam 2012” của Ngân hàng Thế giới, dựa trên chuẩn nghèo mới (tương đương 653.000 đồng/người/tháng hoặc 2,25 USD/người/ngày) thì tỷ lệ nghèo của Việt Nam đã giảm từ 58% xuống còn 20,7% trong 20 năm qua và là nước có điều kiện sống tốt.
Tình trạng nghèo chủ yếu tập trung ở vùng cao, gồm miền núi Đông Bắc và Tây Bắc và một số khu vực ở Tây Nguyên. Các hộ khá, giàu chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ cũng như các trung tâm đô thị dọc bờ biển.
Tại khu vực đô thị, dù tỷ lệ nghèo thấp nhưng dân cư ở đây phải đối mặt với chi phí sinh hoạt tăng cao và rất nhiều cư dân đô thị làm việc ở khu vực không chính thức, không có phúc lợi an sinh xã hội hoặc việc làm.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi một số vấn đề xung quanh câu hỏi “Làm thế nào để xoá nghèo ở Việt Nam.” Nhiều nội dung, chủ đề đã được đưa ra như nghèo được đo lường như thế nào? Người nghèo ở Việt Nam: Họ là ai? Tại sao tỷ lệ nghèo lại đặc biệt cao ở các nhóm dân tộc thiểu số? Có phải bất bình đẳng đang tăng lên?…
Có đại biểu cho rằng, thành công của Việt Nam trong giảm nghèo đã tạo ra nhiều thách thức mới. Đó là vấn đề khó tiếp cận với những người nghèo còn lại, họ phải đối mặt với sự cô lập, hạn chế về tài sản, trình độ học vấn thấp, sức khỏe kém và tốc độ giảm nghèo không còn cùng nhịp với tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, nghèo trong các nhóm dân tộc thiểu số cũng là một thách thức kéo dài. Mặc dù 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam chiếm dưới 15% tổng dân số của cả nước nhưng lại chiếm tới 47% tổng số người nghèo trong năm 2010, so với 29% vào năm 1998.
Sự chuyển dịch nhanh chóng về cơ cấu và quá trình quá độ sang nền kinh tế thị trường của Việt Nam đã mang lại những mô hình phát triển mới với thách thức mới trong công tác giảm nghèo. Ngoài ra, sự chênh lệch về phát triển giữa nông thôn và thành thị vẫn đang tiếp tục mở rộng, chênh lệch bên trong khu vực nông thôn và giữa các nhóm kinh tế xã hội khác nhau ngày càng giãn rộng ./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()