Tỷ lệ bệnh nhân ung thư vú được phát hiện giai đoạn sớm tăng 75%
Trước đây, chỉ 30% người bệnh ung thư vú được chẩn đoán ở giai đoạn sớm thì đến nay, khi nhận thức của cộng đồng về bệnh ung thư vú tốt hơn, tỷ lệ người bệnh ung thư vú được chẩn đoán ở giai đoạn sớm đã tăng lên hơn 75%.
Thông tin này được đưa ra tại buổi họp sơ kết 3 năm đề án "Tăng cường tiếp cận các liệu pháp điều trị tiên tiến trong điều trị ung thư vú nguy cơ cao giai đoạn 2020-2025" do Tổng Hội Y học Việt Nam tổ chức ngày 5/3.
Trong bối cảnh mỗi năm Việt Nam ghi nhận 24.563 ca mắc mới ung thư vú, với hơn 10 nghìn ca tử vong, trong đó hầu hết là phụ nữ, Đề án này lần đầu tiên đã được triển khai tại 5 bệnh viện lớn trên cả nước, gồm: Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, với mục tiêu giúp bệnh nhân ung thư vú có cơ hội được tiếp cận với các liệu pháp điều trị tiên tiến thông qua mô hình tiếp cận toàn diện.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, đề án này được xây dựng với 4 cấu phần với sự tham gia của nhiều đối tác liên quan. Sau 3 năm triển khai, Đề án đã đạt được một số kết quả tích cực trong cải thiện công tác chẩn đoán, điều trị và quản lý ung thư vú tại Việt Nam.
Cụ thể, những năm trước đây, khi nhận thức của cộng đồng về bệnh ung thư vú còn hạn chế, chỉ 30% người bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn sớm. Trong đề án này, một trong bốn mục tiêu quan trọng được đặt ra là nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm cải thiện tỉ lệ tầm soát sớm cho người có nguy cơ cao mắc ung thư vú. Đến năm 2023, chỉ tính riêng số liệu của bệnh viện K cho thấy, tỷ lệ người bệnh ung thư vú được chẩn đoán ở giai đoạn sớm đã tăng lên hơn 75%.
Đề án cũng đã tăng cường năng lực chẩn đoán và điều trị tại 5 bệnh viện thuộc Đề án; tối ưu hóa dữ liệu sẵn có của BHXH Việt Nam và Viện Ung thư Quốc gia nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu chẩn đoán và điều trị ung thư vú; tăng tỷ lệ tiếp cận của bệnh nhân ung thư vú có HER 2 dương tính với các liệu pháp điều trị tiên tiến; hàng trăm y bác sĩ cũng đã được tham gia các chương trình đào tạo, nâng cao chuyên môn cho điều trị đa mô thức đối với bệnh lý ung thư vú và tăng cường năng lực nghiên cứu lâm sàng tại bệnh viện…
Bên cạnh đó, nhằm tạo hiệu quả bền vững, một trong những mục tiêu quan trọng của đề án là xây dựng cơ sở dữ liệu chẩn đoán và điều trị ung thư vú. Hai nghiên cứu "Bản đồ dịch tễ các bệnh ung thư và đánh giá chi phí của các giải pháp điều trị ung thư giai đoạn 2018 – 2020" và "Đặc điểm dịch tễ học và chi phí điều trị của bệnh ung thư vú tại Việt Nam" cũng đã được hoàn thành. Viện Ung thư Quốc gia đã xây dựng được bộ tiêu chí ghi nhận ung thư vú.
Khi các chỉ tiêu trong bộ tiêu chí được sử dụng để ghi nhận trực tiếp trên hệ thống thông tin của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội, dữ liệu có thể được trích xuất nhanh chóng, đầy đủ và giảm việc phải tổng hợp thủ công, góp phần quan trọng vào công tác quản lý và dự báo ung thư tại Việt Nam.
Theo PGS.TS Huỳnh Quang Khánh, Trưởng Đơn vị tuyến vú, Trung tâm Ung Bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy, thông qua đề án, Bệnh viện đã xây dựng quy trình chuẩn về đánh giá đáp ứng mô học hoàn toàn sau điều trị tân bổ trợ trong điều trị ung thư vú; quy trình đặt clip đánh dấu khối u, hạch sau sinh thiết vú dưới hướng dẫn siêu âm; quy trình phẫu thuật nội soi cắt u vú trong điều trị ung thư vú.
Cũng trong khuôn khổ của nội dung đề án này, công ty Roche Pharma Việt Nam đã thực hiện chương trình hỗ trợ bệnh nhân ung thư vú sử dụng thuốc miễn phí. Chương trình được Bộ Y tế phê duyệt thực hiện tại 18 bệnh viện trên cả nước. Từ tháng 7/2022 đến hết tháng 12/2023, đã có 431 bệnh nhân được hỗ trợ thuốc miễn phí với tổng số tiền hỗ trợ là hơn 67 tỷ đồng.
Được biết, hiện Tổng hội y học Việt nam và Quỹ Ngày mai tươi sáng đã đề xuất Bộ Y tế nghiên cứu phương án chi trả bảo hiểm y tế cho sàng lọc ung thư vú đối với những người có nguy cơ cao, cũng như chi trả bảo hiểm y tế cho một số thuốc điều trị ung thư vú, nhằm giảm gánh nặng tài chính cho người bệnh.
Ý kiến ()