Tỷ giá đồng nhân dân tệ và nguy cơ gia tăng nhập siêu
Những ngày gần đây, dư luận rất quan tâm đến việc 3 ngày qua, Trung Quốc liên tiếp điều chỉnh giảm giá đồng nhân dân tệ. Với kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc được cho là lớn nhất, nhiều chuyên gia kinh tế đã tỏ ra quan ngại về hoạt động ngoại thương giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như khả năng cạnh tranh về giá của các doanh nghiệp trong nước.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2014, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 43,7 tỷ USD, tăng 18,2% so với năm 2013. Nhập siêu cả năm 2014 từ Trung Quốc ước tính đạt 28,9 tỷ USD, tăng 21,8% so với năm trước. Bước sang năm 2015, trong 7 tháng, Trung Quốc cũng vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 28,8 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc ước đạt Trung Quốc đạt 9,3 tỷ USD, chỉ tăng 8,3%. Như vậy, trong 7 tháng của năm 2015, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc khoảng 19,5 tỷ USD. Hàng hoá Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, điện thoại các loại và linh kiện, vải các loại, phân bón… Hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là dầu thô, than đá, gạo, cao su, thuỷ hải sản.
Có thể thấy, trước việc đồng nhân dân tệ giảm giá, hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc sẽ được đẩy mạnh, gây quan ngại cho hoạt động ngoại thương của Việt Nam đối với nước này, cũng như khả năng cạnh tranh về giá đối với các doanh nghiệp Việt Nam, mà dường như nó còn gây hiệu ứng lan toả đối với những thị trường khác. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam. Do vậy, trước tình hình này, trong thời gian tới có thể nhiều mặt hàng của Việt Nam như gạo, cà phê, cao su,… xuất khẩu sang Trung Quốc có thể sẽ giảm mạnh. Đồng thời, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam trở nên kém cạnh tranh hơn về giá so với một số nước khác như Thái Lan, Indonesia. Mặt khác, đồng nhân dân tệ giảm giá, đồng đô la Mỹtăng giá tại nhiều thị trường nhập khẩu thuỷ sản của Việt Nam như EU, Nhật Bản sẽ có thể làm cho tình hình xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Việt Nam đang nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc, khoảng 19,5 tỷ USD trong trong 7 tháng của năm 2015. Do vậy, việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ sẽ làm cho giá hàng hoá xuất khẩu sang Việt Nam rẻ hơn. Tuy doanh nghiệp của Việt Nam nhập khẩu hàng Trung Quốc sẽ có lợi hơn vì hàng của nước này vốn đã có ưu thế rẻ, với việc đồng nhân dân tệ giảm giá, hàng hoá của họ càng rẻ hơn. Như vậy, nguy cơ hàng của Trung Quốc sẽ được nhập khẩu vào Việt Nam càng nhiều hơn, khi đó, có thể khiến nhập siêu càng lớn, cán cân thương mại càng bị chênh lệch.
Trước diễn biến này, để tạo sự chủ động, linh hoạt cho tỷ giá trước các tác động bất lợi trên thị trường quốc tế nêu trên, cũng như để đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, ngày 11/8/2015, đồng Việt Nam cũng đã có sự điều chỉnh với biên độ tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ được điều chỉnh tăng 2%. Theo Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian tới, cơ quan này sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách để tiếp tục ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong biên độ quy định. Theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, các dự báo kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành chính sách một cách phù hợp.
Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam cần có những chiến lược kinh doanh để có thể chủ động ứng phó với những diễn biến mới. Theo cam kết FTA ASEAN và Trung Quốc, tác động do thuế quan giảm xuống, khả năng hàng hoá của Trung Quốc sẽ xuất khẩu sang Việt Nam nhiều hơn, có thể gây ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh về giá đối với doanh nghiệp Việt Nam. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng lại chiến lược kinh doanh, tìm hiểu thông tin, tìm ra được những lợi thế để nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm lợi nhuận…
Theo Dangcongsan.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()