Tuyên tuyền văn hóa ứng xử trên mạng xã hội: Giúp học sinh, sinh viên chọn lọc thông tin bổ ích
(LSO) – Trong thời đại bùng nổ thông tin, tham gia các mạng xã hội, sử dụng Internet là nhu cầu tất yếu của mọi đối tượng, trong đó có đoàn viên thanh niên, học sinh sinh viên. Tuy nhiên, việc sử dụng thế nào để mang lại hiệu quả thì cần có sự định hướng, hướng dẫn từ các ngành chức năng.
Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hầu hết học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên tham gia ít nhất 1 mạng xã hội như: Face book, Zalo, Instagram, You tube, twitter… Trên những trang mạng xã hội này, hằng ngày, hằng giờ đều đăng tải rất nhiều thông tin về các vấn đề trong xã hội, có thông tin bổ ích song cũng không thiếu thông tin giật gân, sai lệch nhằm thu hút sự chú ý của đám đông. Nếu người dùng không có chính kiến và chọn lọc thì rất dễ bị lôi kéo, sa vào những cuộc khẩu chiến không hồi kết.
Học sinh Trường THPT Hoàng Văn Thụ biểu diễn văn nghệ tuyên truyền văn hóa ứng xử trên mạng xã hội
Nhằm hướng dẫn đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh kỹ năng khai thác, sử dụng các thông tin chính thống trên Internet, mạng xã hội, báo chí phục vụ thiết thực cho việc học tập, nghiên cứu, giải trí lành mạnh Tỉnh đoàn Lạng Sơn phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai chương trình tuyên truyền, giáo dục văn hóa ứng xử trên mạng xã hội trong học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên.
Chị Lưu Thị Tình, Trưởng Ban Thanh thiếu nhi – Trường học Tỉnh đoàn Lạng Sơn cho biết: Chương trình giáo dục văn hóa ứng xử trên mạng xã hội cho học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên được triển khai từ tháng 10/2018. Trong đó, chúng tôi tổ chức điểm tại Trường THPT Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn. Sau đó, sẽ triển khai tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Chương trình giáo dục văn hóa ứng xử trên mạng xã hội gồm các nội dung như: giáo dục Luật An ninh mạng; quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện; quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; khái quát tình hình sử dụng mạng xã hội ở nước ta cũng như trên địa bàn tỉnh; thông tin, các vụ lừa đảo, kích động trên mạng xã hội trong thời gian qua… Từ thực tế đó, tuyên truyền viên hướng dẫn học sinh, sinh viên kỹ năng khai thác, sử dụng thông tin chính thống trên Internet, mạng xã hội và báo chí, hướng dẫn các em cách phát hiện và ứng xử với những thông tin chưa được kiểm chứng, nhận ra âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của thế lực thù địch, các cá nhân lợi dụng Internet, đặc biệt là mạng xã hội chống phá Đảng, Nhà nước. Trên cơ sở đó, học sinh, sinh viên được trang bị kỹ năng chọn lọc thông tin, sử dụng mạng xã hội để phục vụ nhu cầu học tập, giải trí lành mạnh…
Em Hoàng Thùy Linh, lớp 12A3, Trường THPT Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Mỗi ngày, em thường dành khoảng 2 giờ để vào Face book, Zalo, You tube nhiều khi mải theo dõi các bài viết, bình luận mà quên mất giờ học. Qua buổi tuyên truyền này, em đã biết cách chọn lọc thông tin và bố trí thời gian sử dụng mạng xã hội hợp lý.
Sau trường THPT Hoàng Văn Thụ, Trường Cao đẳng nghề Lạng Sơn cũng đã triển khai và nhận được sự quan tâm của đông đảo sinh viên. Chương trình tuyên truyền, giáo dục văn hóa ứng xử trên mạng xã hội đã được triển khai với hơn 1.000 học sinh, sinh viên được tiếp cận.
Sử dụng mạng xã hội, Internet là nhu cầu tất yếu trong xu thế toàn cầu hóa, tuy nhiên, trước những cạn bẫy thì học sinh, sinh viên cần có những kiến thức, kỹ năng cơ bản. Từ đó, chắt lọc những thông tin bổ ích phục vụ việc học tập, giải trí của bản thân, đồng thời phản bác, lên án những luận điệu sai trái. Để làm được điều đó thì công tác tuyên truyền, giáo dục văn hóa ứng xử trên mạng xã hội cần tiếp tục được đẩy mạnh, nhân rộng.
THỤC QUYÊN
Ý kiến ()