Tuyên truyền về sức khỏe sinh sản cho vị thành niên trong trường học
Học sinh Trường THPT Phạm Tiến Đông, huyện Chương Mỹ biểu diễn tiểu phẩm tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản. |
Trên thực tế, học sinh hiện nay rất quan tâm các vấn đề chăm sóc SKSS, các em còn mong muốn nhận biết được các thông tin mang tính chất chính xác và có tính giáo dục cao. Có mặt tại Trường trung học phổ thông (THPT) Phạm Tiến Đông, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, dự buổi sinh hoạt ngoại khóa tìm hiểu kiến thức chăm sóc SKSS vị thành niên, tôi được chứng kiến hai đội thi của học sinh lớp 12 sôi nổi thể hiện kiến thức qua phần thi: chào hỏi, khởi động, ứng xử tình huống và hùng biện. Tại đây, các em được chia sẻ, tâm sự, trao đổi những điều vốn được coi là thầm kín, khó nói như giáo dục chăm sóc SKSS, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục hay sự khác nhau giữa tình bạn và tình bạn khác giới; mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai không an toàn ở tuổi vị thành niên; thực trạng sống thử và quan hệ tình dục trước hôn nhân…
Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Tiến Đông Nguyễn Huy Khanh cho biết, hằng tháng, trường thường xuyên duy trì buổi sinh hoạt ngoại khóa về tuyên truyền chăm sóc SKSS và được học sinh đón nhận một cách hào hứng và cởi mở. Các em học sinh được giải đáp những vấn đề liên quan đến chăm sóc SKSS vị thành niên và trường cũng đã cung cấp cho các em những kỹ năng cơ bản về chăm sóc SKSS như sự thay đổi sinh lý ở tuổi dậy thì, nhằm giúp các em hiểu được quá trình thay đổi của cơ thể. Với hình thức tổ chức chặt chẽ, nội dung tuyên truyền gần gũi, dễ hiểu đã tạo nên không khí sôi nổi, thu hút các em học sinh tham gia. Với tâm trạng háo hức, nhiều học sinh mong muốn nhà trường sẽ duy trì đều đặn và có thêm nhiều buổi ngoại khóa có ý nghĩa như thế. Bởi nó không chỉ cung cấp những kiến thức cần thiết, giải đáp những thắc mắc về giới tính mà còn tạo cho các em cơ hội giao lưu, thư giãn sau những giờ học tập căng thẳng. Học sinh Lương Thị Thanh, lớp 12A2 chia sẻ, trước đây, em không có điều kiện để tìm hiểu kiến thức về giáo dục giới tính, chăm sóc SKSS, nhưng từ khi nhà trường triển khai hoạt động ngoại khóa về tuyên truyền chăm sóc SKSS, em đã hiểu biết hơn và đây cũng là cơ hội để chúng em có thể trực tiếp chia sẻ và giãi bày những thắc mắc, khó khăn về SKSS. Cô giáo Tô Thị Nhạn cho biết, thời gian đầu mỗi lần sinh hoạt ngoại khóa chủ đề liên quan đến SKSS, các em học sinh còn rất thiếu kiến thức hoặc hiểu rất lơ mơ về các vấn đề liên quan đến SKSS. Nhiều em còn e ngại nhưng dần dần các em đã cởi bỏ được tâm lý xấu hổ và sẵn sàng chia sẻ những vấn đề khó nói nhất.
Thông qua những buổi sinh hoạt như thế này, học sinh đã nắm được những kiến thức cơ bản về chăm sóc SKSS để tự bảo vệ mình và đã mạnh dạn hơn trong chia sẻ cũng như trao đổi về những vấn đề này. Ngoài ra, các nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với gia đình và xã hội thực hiện tốt công tác tuyên truyền chăm sóc SKSS vị thành niên, nhằm nâng cao nhận thức của học sinh để tránh những sai lầm đáng tiếc.
Ý kiến ()