Tuyên truyền tạo bước thành công
LSO-Những năm trước đây, việc mất cắp thiết bị của ngành đường sắt trên tuyến Hà- Lạng địa phận Lạng Sơn liên tiếp xảy ra. Đã có vụ việc phải dừng tàu vì không đảm bảo an toàn. Thế nhưng từ đầu năm đến nay, toàn tuyến không xảy ra mất cắp thiết bị đường sắt. Điều đó không chỉ đảm bảo an toàn đường sắt mà còn minh chứng tuyên truyền giáo dục đã ngấm đến người dân.
Công nhân Ga liên vận Quốc tế Đồng Đăng bảo dưỡng thiết bị đường sắt |
Làm việc với chúng tôi, kỹ sư Vũ Kim Ngân, Trưởng Ga liên vận Quốc tế Đồng Đăng hồ hởi cho biết: những năm gần đây, các vụ việc mất cắp thiết bị đường sắt đã giảm mạnh, đặc biệt từ đầu năm 2014 đến nay, trên toàn tuyến đường sắt đoạn địa phận Lạng Sơn không xảy ra mất cắp thiết bị đường sắt. Điều này khác hẳn những năm trước khi mà các vụ mất cắp thiết bị đường sắt xảy ra khá phổ biến. Nhiều nhất là vào những năm 2009- 2010. Khi ấy có năm toàn tỉnh xảy ra 21 vụ mất cắp thiết bị tại nhà ga và trên nhiều tuyến đường. Có những vụ mất cắp xảy ra trên tuyến Mai Pha- Na Dương đã phải dừng tàu hàng tiếng đồng hồ. Với ngành đường sắt, các thiết bị chủ yếu nằm ngoài trời. Với kẻ trộm các thiết bị lấy được chủ yếu để bán phế liệu. Thế nhưng có khi thiết bị ấy phải nhập khẩu với giá trị lớn. Các thiết bị thường xuyên bị mất gồm: guốc hãm, cúp lơ, đinh giữ tà vẹt, thanh giằng và các hộp cáp thông tin tín hiệu… Những thiết bị ấy khi mất phải khắc phục rất lâu và gây nguy hiểm cho đoàn tàu. Xác định để mất cắp thiết bị đường sắt sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng nên bộ phận an toàn giao thông nhà ga đã tăng cường công tác tuyên truyền.
Theo kỹ sư Vũ Kim Ngân, để chống mất cắp thiết bị thì công tác tuyên truyền phải đi trước. Với phương châm như vậy, ngành đường sắt, đặc biệt là đầu mối Ga Quốc tế Đồng Đăng đã phối hợp với các cấp chính quyền làm tốt công tác tuyên truyền. Ngành đã cử cán bộ xuống các xã có đường sắt chạy qua để phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân; Phối hợp với lực lượng công an xã tăng cường tuần đường ở các vị trí xung yếu, các vị trí đường sắt có nhiều thiết bị dễ mất cắp như cáp thông tin tín hiệu, tà vẹt, bu lông… Ngành đã phối hợp cùng công an 8 xã tuần đường, tuyên truyền được 29 lần. Vận động nhân dân các thôn có đường sắt đi qua cùng bảo vệ thiết bị đường sắt; phối hợp với chính quyền, các trường học tổ chức phong trào bảo vệ đường sắt như: “Em yêu đường sắt quê em”, “Thanh niên tình nguyện cảnh giới đường ngang”, “Cung trưởng giỏi” lồng ghép trong đó là các kiến thức pháp luật về đường sắt. Qua các phong trào cũng như các chương trình tuyên truyền, các em học sinh đã nâng cao ý thức bảo vệ đường sắt, bảo vệ các thiết bị đường sắt, kịp thời báo tin về thiết bị đường sắt bị rơi, ốc lỏng, hỏng hóc để ngành sửa chữa. Anh Hoàng Văn Xỉ, Chủ tịch UBND xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng -địa bàn có đường sắt chạy qua cho biết: trước đây, người dân chưa ý thức tốt về mất cắp thiết bị đường sắt nên khá thờ ơ. Còn giờ đây, họ đã ý thức được mối nguy khi mất thiết bị đường sắt nên đã dốc tâm bảo vệ, phát hiện sai hỏng để báo chính quyền kịp thời. Riêng trong xã Vân Thủy, tính từ năm 2013 người dân đã báo cho ngành đường sắt 5 sự cố để kịp thời khắc phục.
Bên cạnh đó, ngành liên tục đưa những vụ trộm cắp thiết bị cảnh báo đến nhân dân, học sinh, cung cấp thông tin về quyết định xử lý của các cơ quan chức năng nên đã có tác dụng giáo dục rất cao. Tính từ đầu năm 2014 đến nay, các ga trên dọc tuyến đã phối hợp với thanh niên trên địa bàn dọn dẹp, phát quang đường sắt được trên 500 công; mở rộng tầm nhìn ở trên 30 điểm/ tổng số 104 điểm đường ngang trên tuyến. Qua đó đã có tác dụng thiết thực trong bảo vệ hành lang đường sắt, bảo vệ các thiết bị trên đường. Vì vậy từ đầu năm 2014 đến nay, toàn tỉnh không xảy ra vụ việc mất cắp thiết bị đường sắt. Từ đó đã đảm bảo an toàn chạy tàu, tránh thiệt hại không đáng có cho ngành đường sắt.
ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()