Tuyên truyền sâu, quyết liệt trong thanh kiểm tra
LSO-Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân là thời điểm nhu cầu về thực phẩm tăng cao, chủng loại phong phú. Đây cũng là dịp các loại thực phẩm giả, thực phẩm không an toàn trà trộn vào thị trường để đến tay người tiêu dùng. Vì vậy, công tác tuyên truyền và thanh tra, kiểm tra có tầm quan trọng đặc biệt.
Đoàn kiểm tra ngành y tế kiểm tra khu vực buôn bán gia cầm tại chợ Giếng Vuông, thành phố Lạng Sơn |
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG
Công tác truyền thông đến các đối tượng, nhằm cung cấp thông tin, nâng cao trách nhiệm công dân, giáo dục ý thức cho mọi người, từ người sản xuất, chế biến đến người tiêu dùng là một giải pháp mang tính “dự phòng” hiệu quả. Công tác truyền thông về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) được thực hiện bằng nhiều “kênh”, song song với các kênh thông tin đại chúng, còn có những “kênh” cụ thể hơn như lồng ghép trong các buổi hội thảo, hội nghị, trong các đợt tập huấn và tại các cơ sở được thanh tra, kiểm tra. Năm 2014, ngoài tuyên truyền trên hệ thống loa đài, băng đĩa, báo viết… các cơ quan quản lý về vệ sinh ATTP và các ngành có liên quan đã tổ chức truyền thông trực tiếp 3.137 lần với gần 29.000 lượt người nghe. In 564 băng rôn, 74 áp phích treo tại các khu phố, nơi đông người, tuyên truyền di động trên 40 lượt, phát trên 8000 tờ rơi tuyên truyền. Những hình thức đó đã có tác động đáng kể đến công tác vệ sinh ATTP. Theo thống kê, đã có 77,5% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, 85% người quản lý và 75% người tiêu dùng có kiến thức đúng về ATTP.
KIỂM TRA TỪ TỈNH ĐẾN CƠ SỞ
Tuy vậy, vì mục đích lợi nhuận, người sản xuất, chế biến, kinh doanh có kiến thức đúng, nhưng chưa chắc đã thực hành đúng. Vì vậy, Ban chỉ đạo Liên ngành về vệ sinh ATTP của tỉnh đã chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra với sự phối hợp tốt hơn, đồng bộ hơn giữa các ngành thành viên Ban chỉ đạo. Năm 2014, toàn tỉnh đã tổ chức 586 đoàn, đội kiểm tra từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường, thị trấn. Trong đó có 4 đoàn cấp tỉnh, 45 đội cấp huyện và 537 đội cấp xã. Đã thanh kiểm tra được 6.060 cơ sở, chiếm tỷ lệ 87,69% tổng số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh; trong đó có 695 cơ sở sản xuất, chế biến, 2.977 cơ sở kinh doanh và 2.388 cơ sở dịch vụ ăn uống. Phát hiện 560 cơ sở vi phạm, chiếm tỷ lệ 9,23% cơ sở được thanh, kiểm tra, trong đó phạt tiền 266 cơ sở với tổng số tiền 204 triệu đồng. Điều đáng chú ý là năm 2014, đã có 537 đội kiểm tra tuyến xã, phường thị trấn; thanh kiểm tra trên 4.000 cơ sở chế biến, kinh doanh tại địa bàn các xã, thị trấn. Đây là con số có ý nghĩa, bởi vì, thực phẩm giả và thực phẩm không an toàn thường được đưa đến các chợ nông thôn, chợ xã; nhất là các thực phẩm đóng gói sẵn như bánh mứt kẹo, thực phẩm đóng chai (nước mắm, nước ngọt có ga, bia rượu…) hoặc phụ gia thực phẩm.
Ông Triệu Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục vệ sinh ATTP tỉnh cho biết: năm 2014, đoàn kiểm tra Liên ngành vệ sinh ATTP của tỉnh đã làm việc với các Ban chỉ đạo các huyện như Hữu Lũng, Lộc Bình, Đình Lập, Tràng Định, Bình Gia, Bắc Sơn… và thấy rằng 100% các huyện đã xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra tới các xã, phường có sự tham gia phối hợp của các ngành địa phương. Vai trò của xã đã rõ hơn, tích cực hơn trong thanh kiểm tra. Trao đổi với chúng tôi, Y sĩ Dương Văn Hiền, Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã Vũ Lăng (Bắc Sơn) cho biết: trạm ít người, nhiều việc, song không thể không quan tâm đến công tác tuyên truyền và kiểm tra vệ sinh ATTP ở khu vực, đặc biệt trong các phiên chợ xã. Vì vậy, trạm luôn tham mưu cho UBND thành lập đội kiểm tra vệ sinh ATTP, nhằm mang lại sự an toàn cho người dân.
Tết Ất Mùi và lễ hội mùa xuân đang đến thật gần. Cùng với niềm vui đón tết vui xuân là nỗi lo về vệ sinh ATTP. Những thông tin về thực phẩm giả, thực phẩm không rõ nguồn gốc liên tục được cập nhật, gây bất an trong nhân dân. Ban chỉ đạo Liên ngành vệ sinh ATTP tỉnh đã chỉ đạo và thành lập đội Liên ngành để kiểm tra liên tục từ nay đến giữa tháng 3/2015, nhằm mang lại sự an toàn cao cho người dân.
MINH HỒNG
Ý kiến ()