Tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá còn hạn chế
TS Đặng Quyết Thắng, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, hoạt động tác phòng, chống tác hại của thuốc lá cần tới từng gia đình. Thực tế đã cho thấy, công tác này còn nhiều hạn chế.
Đây là ý kiến của ông Thắng từ hội thảo chuyên đề về “Điều 5.3 Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới” do Tổ chức Nhịp cầu sức khỏe Canada (HealthBridge Canada) tổ chức tại Hà Nội.
Theo vị đại diện của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, thuốc lá là mặt hàng có hại cho sức khỏe nên hầu hết các nước trên thế giới đều có chính sách hạn chế sử dụng. Một trong những chính sách đó là đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cao, tăng giá bán sản phẩm để hạn chế tiêu dùng. Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá có hiệu lực thi hành từ ngày 1- 5- 2013 và đã triển khai đi vào thực tiễn.
Đại diện của Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã nhận thấy rõ tác hại của thuốc lá nên sẽ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và đề nghị tăng thêm 10% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá với mục đích vì sức khoẻ của cộng đồng.
Năm 2012, số tiều người tiêu dùng mua thuốc lá là khoảng 22 nghìn tỷ đồng, ngân sách đóng góp từ ngành thuốc lá là khoảng 17 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, ước tính người hút thuốc lá phải bỏ khoảng 23 nghìn tỷ đồng để chi trả cho chi phí điều trị năm bệnh liên quan tới thuốc lá hằng năm.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng15 triệu người hút thuốc lá, 33 triệu người bị phơi nhiễm khói thuốc lá. Tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá là hơn 47%. Mức tiêu dùng thuốc lá đầu người luôn ở mức cao, thống kê mới nhất là khoảng 1.000 điếu/người.
TS Đặng Quyết Thắng cũng đề nghị kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu thuốc lá và chống buôn lậu thuốc lá vì đây là sản phẩm có hại cho sức khỏe cần được kiểm soát chặt chẽ về tiêu chuẩn, đề phòng trường hợp thuốc giả nhập lậu, chất lượng kém, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
* Điều 5 khoản 3 của Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới (FCTC) còn quy định “khi xây dựng và áp dụng các chính sách y tế công cộng liên quan đến kiểm soát thuốc lá, các bên tham gia Công ước sẽ hành động để bảo vệ những chính sách đó khỏi những sự tác động tiêu cực đối do tác động từ lợi ích thương mại và lợi ích riêng của ngành công nghiệp thuốc lá, và tuân theo quy định của luật pháp quốc gia”.
Theo đó, những hoạt động quan trọng sau đây được đề xuất thực hiện để giải quyết sự can thiệp vào các chính sách y tế công cộng của ngành công nghiệp thuốc lá
1. Nâng cao nhận thức về bản chất gây nghiện và độc hại của các sản phẩm thuốc lá và về sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá vào chính sách kiểm soát thuốc lá của các quốc gia tham gia Công ước.
2. Xây dựng các biện pháp hạn chế tương tác với ngành công nghiệp thuốc lá và bảo đảm sự minh bạch của những tương tác xảy ra.
3. Không chấp nhận quan hệ đối tác và những thoả thuận kiểu tự nguyện không bắt buộc thi hành với ngành công nghiệp thuốc lá.
4. Tránh các xung đột về quyền lợi cho quan chức và các nhân viên Chính phủ.
5. Yêu cầu những thông tin do ngành công nghiệp thuốc lá cung cấp phải minh bạch, chính xác.
6. Phi bình thường hoá, và trong chừng mực có thể, quy định những hoạt động mà ngành công nghiệp thuốc lá mô tả là có “trách nhiệm xã hội”, bao gồm nhưng không chỉ giới hạn với những hoạt động được mô tả là “Hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”.
7. Không đối xử ưu đãi với ngành công nghiệp thuốc lá.
8. Đối xử với ngành công nghiệp thuốc lá do nhà nước sở hữu như đối với các ngành công nghiệp thuốc lá khác.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()