Tuyên truyền phòng, chống ma túy: Hiệu quả qua xét xử lưu động
- Nhận thấy phiên tòa xét xử lưu động là hình thức phổ biến giáo dục pháp luật trực quan, đem lại hiệu quả cao, thời gian qua, Tòa án Nhân dân (TAND) hai cấp trong tỉnh đã chú trọng công tác xét xử lưu động, trong đó nổi bật là các phiên tòa xét xử tội phạm về ma túy.
Ông Phùng Đức Chính, Phó Chánh án TAND tỉnh cho biết: Thời gian qua, TAND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị TAND trong tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, trong đó có tệ nạn ma túy thông qua tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động. Các vụ án được lựa chọn xét xử lưu động thường là các vụ án được dư luận xã hội quan tâm, địa điểm tổ chức chủ yếu là tại địa bàn phức tạp về ma túy, nơi xảy ra vụ án, nơi cư trú của các bị cáo hoặc tại các trường học; tòa án phối hợp với nhà trường, chính quyền địa phương mời học sinh và các tầng lớp Nhân dân đến dự, theo dõi để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Quá trình xét xử, đội ngũ thẩm phán, hội thẩm Nhân dân kết hợp phổ biến các quy định của pháp luật về tội phạm ma túy để răn đe, phòng ngừa, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân. Đồng thời qua phiên tòa tuyên truyền để người dân hiểu về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm, tác hại của ma túy đối với sức khỏe con người và tình hình an ninh trật tự, góp phần đẩy lùi tệ nạn ma túy trên địa bàn.
Đơn cử, ngày 9/5/2024, tại chợ Ba Sơn, xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc, TAND huyện Cao Lộc tổ chức xét xử lưu động 2 vụ án về tội tàng trữ trái phép chất ma túy đối với 3 bị cáo, gồm: Dương Văn Đò, sinh năm 1993, trú tại thôn Nà Hán, xã Tân Liên, huyện Cao Lộc; Lộc Văn Thăng, sinh năm 1994, trú tại thôn Pò Mã và Lý Văn Khởi, sinh năm 1993, trú tại thôn Khuổi Tát, xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc. Tại phiên tòa, hội đồng xét xử đã lồng ghép tuyên truyền các quy định của pháp luật về tội phạm ma túy đến nhân dân. Khi được hội đồng xét xử hỏi “Bị cáo có lời nhắn gì đối với thanh, thiếu niên đang dự phiên tòa ở đây” thì bị cáo Lộc Văn Thăng đã nói “Bị cáo rất ân hận về hành vi của mình, mong các bạn hãy tránh xa ma túy, đừng như bị cáo”.
Đến dự phiên tòa xét xử lưu động trên, anh Dương Ngọc Pảo, thôn Bản Xâm, xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi được dự phiên tòa xét xử lưu động. Qua đây, biết được câu chuyện, hoàn cảnh gia đình, hành vi phạm tội và mức án mà các bị cáo phải chịu, chúng tôi hiểu biết hơn về tác hại của ma túy cũng như các quy định của pháp luật về đấu tranh, xử lý hành vi phạm tội liên quan. Bản thân tôi đã rút ra bài học cho bản thân, xác định mình cần có lối sống lành mạnh, tích cực, tìm công ăn việc làm ổn định, tránh xa các tệ nạn xã hội, nói không với ma túy.
Được biết, thời gian qua, TAND hai cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh tổ chức các phiên tòa lưu động xét xử án ma túy tại các địa bàn. Điểm nổi bật tại các phiên tòa này, hội đồng xét xử, kiểm sát viên đã nhấn mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về tác hại, hậu quả của ma túy đối với bản thân người sử dụng, gia đình và xã hội; cũng như các quy định của pháp luật trong đấu tranh, xử lý người phạm tội về ma túy. Theo thống kê, từ năm 2023 đến nay, TAND hai cấp trong tỉnh tổ chức 94 phiên tòa xét xử lưu động, trong đó đa phần là các vụ án về ma túy.
Bà Trương Thị Hương Giang, Chánh án TAND huyện Chi Lăng cho biết: Từ năm 2023 đến nay, TAND huyện đã tổ chức 19 phiên tòa lưu động, trong đó có 9 phiên tòa liên quan đến ma túy tại các xã, thị trấn, trường học. Điểm mới trong công tác xét xử lưu động loại án này thời gian gần đây là TAND huyện phối hợp với các đơn vị chức năng cử cán bộ phụ trách mảng, lĩnh vực liên quan tổ chức tuyên truyền đến người dân, học sinh các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy, tác hại, hiểm họa của ma túy, đặc biệt là các dạng ma túy mới để nêu cao tinh thần cảnh giác, không để kẻ xấu rủ rê, lôi kéo vào tệ nạn ma tuý.
Thông qua hình thức tuyên truyền trên đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho các tầng lớp Nhân dân, bà con tích cực tham gia đấu tranh, tố giác các hành vi liên quan, góp phần đẩy lùi tệ nạn ma túy trên địa bàn. Đến nay, trên địa bàn không còn điểm nóng về tội phạm và tệ nạn ma tuý.
Em Lâm Thu Quỳnh, lớp 12A2, Trường THPT Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Tháng 11/2023, em được tham dự phiên toà lưu động xét xử vụ án về ma tuý do TAND thành phố tổ chức tại trường. Qua đây, chúng em đã hiểu biết hơn về tác hại của ma tuý, cũng như các thủ đoạn của tội phạm để phòng tránh, phấn đấu rèn luyện, học tập tốt để trở thành công dân có ích cho xã hội.
Trước tình hình tội phạm, tệ nạn ma tuý trong cả nước nói chung và trên địa tỉnh nói riêng vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, cùng với việc đấu tranh, công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật có nội dung liên quan sẽ tiếp tục được các cấp, ngành trong tỉnh tăng cường triển khai, thông qua nhiều hình thức, trong đó có hình thức xét xử lưu động. Qua đó, góp phần để người dân nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật, chung tay đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Ý kiến ()