Thứ 5, 13/02/2025 01:15 [(GMT +7)]
Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật: Phát huy sự lan tỏa từ các nhà trường
Thứ 3, 11/10/2011 | 09:26:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Chị Tô Thị Vĩ, thôn Khòn Pịt, xã Hoàng Đồng, chồng chết do tai nạn đường sắt, một mình nuôi 2 đứa con nhỏ. Suốt ngày bận bịu với công việc kiếm sống nuôi con, nên chị không hề biết đến những chế độ chính sách dành cho hộ nghèo.
Còn ông Hoàng Văn Minh – người cùng thôn thì cho rằng chủ yếu các chế độ chính sách và những kiến thức pháp luật mà ông biết đến là do đứa con học Đại học Luật Hà Nội “cung cấp”… Là một thôn cách trung tâm thành phố chưa đầy 3km, nhưng nhiều người dân thôn này vẫn trong tình trạng “đói” pháp luật.
![]() |
Giờ học về môi trường ở Trường Mầm non xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc |
Kế hoạch số 75/KH-UBND, ngày 26/7/2011 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào các dân tộc thiểu số từ năm 2009 đến năm 2012” giai đoạn 2 xác định mục tiêu đến năm 2012 là: phấn đấu đạt từ 70% trở lên người dân nông thôn và đồng bào các dân tộc thiểu số được tuyên truyền, phổ biến các quy định về nông nghiệp& phát triển nông thôn, chính sách dân tộc, bình đẳng giới, luật hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực gia đình; từ 95% trở lên cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan liên quan đến người dân nông thôn và đồng bào các dân tộc thiểu số được biết, hiểu về những kiến thức pháp luật thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình.
Để đạt được mục tiêu này, nguồn nhân lực làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật (GDPL) có vai trò quyết định. Các nguồn lực ấy cần phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương, nhằm chuyển tải một cách đầy đủ nhất đến các “đối tượng đích” bằng con đường ngắn nhất. Với điều kiện thực tế của tỉnh ta, ngoài việc tăng cường trang thiết bị, ứng dụng các kỹ thuật hiện đại như hạ tầng cơ sở thông tin, viễn thông, đáp ứng tốt nhất các dịch vụ cho người dân; tăng cường các hình thức tuyên truyền, phổ biến thông qua các tủ sách pháp luật, ấn phẩm miễn phí, hoạt động thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước… thì công tác GDPL trong nhà trường không chỉ có tác dụng trực tiếp trong đối tượng học sinh sinh viên, mà từ đó sức lan tỏa về vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc sẽ rất lớn.
Với trên 170 ngàn học sinh sinh viên, gần 18 ngàn cán bộ giáo viên, phần lớn là con em các gia đình trong khu vực nông thôn, dân tộc, công tác phổ biến GDPL sẽ khắc phục được một “lỗ hổng” về nguồn nhân lực tuyên truyền nếu chúng ta bồi dưỡng cho họ những kiến thức pháp luật cần thiết. Mà chính họ cũng là đối tượng “đích” của công tác phổ biến GDPL. Bằng Thông tư Liên tịch số 30/2010/TTLT-BGD-BTP, ngày 16/11/2010, Bộ Tư pháp đã cùng với Bộ GD&ĐT đã thống nhất trách nhiệm về xây dựng chương trình, kế hoạch phổ biến GDPL; xây dựng, sử dụng đội ngũ CBGV, báo cáo viên về phổ biến GDPL. Theo đó, công tác giáo dục phổ biến pháp luật trong nhà trường được thực hiện theo 2 “kênh” chính là thông qua các môn học có liên quan trực tiếp đến pháp luật như đạo đức (cấp tiểu học), giáo dục công dân (cấp THCS, THPT), pháp luật đại cương (TCCN, CĐ-ĐH) và GDPL thông qua sự phối hợp giữa nhà trường với các ban ngành, đoàn thể, cơ quan chức năng.
Chương trình là như vậy, song khi thực hiện nhiều người cho rằng, do chương trình ở các trường phổ thông thường bị “quá tải” nên đội ngũ giáo viên thường có tâm lý “chạy” kiến thức cơ bản, còn vấn đề lồng ghép thường bị hạn chế với lý do là thiếu thời gian. Từ năm học 2010-2011, công tác GDPL trong nhà trường sẽ tiếp tục được đổi mới. Theo đó, công tác giảng dạy môn đạo đức, giáo dục công dân phù hợp hơn với lứa tuổi và nhận thức của học sinh từng vùng miền với điều kiện của nhà trường; coi trọng việc vận dụng; tổ chức hình thức dạy học linh hoạt theo hướng tích hợp. Ngoài ra, bằng các hình thức sinh động như kể chuyện pháp luật, xây dựng tiểu phẩm, sân khấu hóa, phim tư liệu… vừa gây hứng thú cho người học, vừa tác động tích cực đến nhận thức của học sinh một cách sâu hơn.
Có những kiến thức cơ bản về pháp luật, chính đối tượng giáo viên và học sinh là những người gương mẫu tuân thủ pháp luật, đồng thời, bằng lời nói và việc làm của mình, họ chính là những tuyên truyền viên phổ biến GDPL trong các gia đình và các tầng lớp dân cư một cách có hiệu quả. Như vậy, nếu thực hiện tốt công tác GDPL trong nhà trường, chúng ta sẽ đạt được 2 “đích” như Kế hoạch số 75 của UBND tỉnh đã đề ra.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Poll
Ý kiến ()