Thứ 6, 22/11/2024 15:20 [(GMT +7)]
Tuyên truyền pháp luật về hôn nhân – gia đình: Góp phần đảm bảo bình đẳng giới
Thứ 5, 22/09/2011 | 11:07:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Bình đẳng giới là vấn đề quan tâm của hầu hết các quốc gia và được xác định là 1 trong 8 mục tiêu thiên niên kỷ của toàn cầu. Mục tiêu bình đẳng giới là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế – xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu của bình đẳng giới, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh ta, các hoạt động tuyên truyền liên quan đến vấn đề này đã được quan tâm thường xuyên, trong đó có đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Phụ nữ thị trấn Đồng Đăng phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật tới người dân trên địa bàn |
Pháp luật về hôn nhân gia đình nói chung và Luật Hôn nhân – Gia đình nói riêng là công cụ pháp lý quan trọng để thực hiện nhiệm vụ xóa bỏ chế độ hôn nhân, gia đình phong kiến, lạc hậu; xây dựng chế độ hôn nhân và gia đình mới xã hội chủ nghĩa, nâng cao trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng và củng cố chế độ hôn nhân gia đình Việt Nam. Từ đó, góp phần đảm bảo bình đẳng giới trong gia đình. Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, đề cao vai trò của từng cá nhân, từng thành viên trong gia đình, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân – Gia đình và các văn bản pháp luật khác về hôn nhân và gia đình được các cơ quan hữu quan quan tâm thực hiện có hiệu quả.
Ngay sau khi Luật Hôn nhân Gia đình năm 2000 được ban hành, Sở Tư Pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện. Theo đó, hàng năm UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, thành phố triển khai tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn bằng nhiều hình thức, biện pháp phù hợp với từng vùng, từng đối tượng cụ thể. Sở Tư pháp đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo và tăng cường công tác trợ giúp pháp lý cho nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là đối với lĩnh vực hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, với các đối tượng ưu tiên là trẻ em, phụ nữ là nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình, các đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số…
Trong 5 năm qua, công tác trợ giúp pháp lý đã được triển khai đến 393 lượt xã, tư vấn miễn phí trực tiếp cho 2.285 đối tượng, kết hợp phổ biến giáo dục pháp luật cho 15.670 lượt người ngay tại cơ sở… Thông qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức, giúp người dân có trách nhiệm với gia đình, đảm bảo không tồn tại sự phân biệt đối xử trực tiếp hoặc gián tiếp nào đối với nam hoặc nữ tạo nên sự không công bằng và làm hạn chế sự phát triển của mỗi người.
Thực hiện Chỉ thị số 03/2005/CT-TTg ngày 25/2/2005 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý nhà nước đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, tỉnh ta đã chỉ đạo tăng cường các hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; tuyên truyền sâu rộng về công tác hộ tịch đối với người dân; kiểm soát khu vực biên giới. Đẩy mạnh công tác quản lý dân cư, ngăn ngừa tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em tại khu vực biên giới, từng bước hạn chế và chấm dứt tình trạng công dân Lạng Sơn qua biên giới để chung sống như vợ chồng với công dân Trung Quốc.
Cùng với đó, công tác đăng ký quản lý hộ tịch ở cấp tỉnh, huyện và xã được tăng cường kiểm tra, từ đó dần đưa việc quản lý hộ tịch đi vào nền nếp. Qua hoạt động quản lý hộ tịch và giải quyết hồ sơ đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài, trên địa bàn tỉnh không phát hiện hiện tượng lợi dụng việc đăng ký hộ tịch để thực hiện hành vi mua bán phụ nữ, trẻ em, không có hoạt động môi giới kết hôn bất hợp pháp, vi phạm nguyên tắc hôn nhân tự nguyện tiến bộ…
Ngoài việc tăng cường công tác quản lý hộ tịch, Sở Tư Pháp đã chỉ đạo các Phòng Tư pháp huyện, thành phố đưa nội dung của Luật Hôn nhân – Gia đình để tập huấn cho các tổ hòa giải ở cơ sở. Thông qua công tác hòa giải đã vận động, khuyến khích và hướng dẫn các thành viên trong gia đình quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau, cha mẹ có trách niệm nuôi dạy con thành công dân có ích cho xã hôi, con cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ, ông bà; anh chị em có nghĩa vụ yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau…
Hiện nay toàn tỉnh có 2.324 tổ hòa giải với 12.224 tổ viên, trong 10 năm qua đã hòa giải thành công 17.145/ 23.582 việc, đạt tỷ lệ 72,7%, trong đó lĩnh vực hôn nhân và gia đình là 1.759/2.598 vụ việc. Việc hòa giải thành công các vụ việc trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình đã góp phần làm ổn định trật tự an toàn xã hội, đảm bảo bình đẳng giới trong các gia đình.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()