Tuyên truyền pháp luật trong hệ thống ngân hàng: Tạo môi trường an toàn cho hoạt động kinh doanh
LSO- Thời gian qua, hệ thống các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) nhằm giữ gìn an ninh trật tự, tạo môi trường an toàn, ổn định để hoạt động kinh doanh hiệu quả.
Hiện toàn tỉnh có 15 ngân hàng gồm: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Ngân hành Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh, Ngân hàng Phát triển và 12 ngân hàng thương mại với hơn 1.200 công chức, viên chức, người lao động. Bà Trương Thu Hòa, Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh cho biết: Để làm tốt công tác PBGDPL, hằng năm, chi nhánh đã tổ chức quán triệt, chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống triển khai nội dung PBGDPL phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến cho công chức, viên chức, người lao động nắm vững các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; các văn bản quy phạm pháp luật của trung ương, của tỉnh, của ngành như: Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Ngân hàng Nhà nước: Luật Phòng, chống rửa tiền…
Kết quả, 6 tháng đầu năm 2018, các ngân hàng trong tỉnh đã lồng ghép tổ chức được 30 hội nghị tuyên truyền, PBGDPL, thu hút 3.000 lượt người tham dự. Ngoài tuyên truyền qua hội nghị, các đơn vị còn thường xuyên cập nhật và tổ chức phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành; cung cấp địa chỉ website của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Sở Tư pháp để tiện tra cứu, khai thác thông tin, qua đó, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức pháp luật cho cán bộ, công chức.
Ngân hàng Agribank chi nhánh Lạng Sơn và Công an tỉnh tọa đàm đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”
Mặt khác, trước tình hình tội phạm về tiền giả, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua ngân hàng diễn biến phức tạp, các đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân và khách hàng đề cao cảnh giác như: phổ biến đặc điểm, cách phân biệt tiền giả, tiền thật; cung cấp catalog mẫu tiền để nhân dân, nhất là bà con ở vùng sâu, vùng xa, biên giới nhận biết. Đồng thời, thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với công an, bộ đội biên phòng tỉnh để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này; phối hợp thông tin tình hình hoạt động, thủ đoạn của các loại tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng để phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời.
Từ năm 2016 đến nay, các ngân hàng đã cung cấp trên 100 thông tin giúp lực lượng chức năng điều tra, khám phá án. Qua đó, Công an tỉnh đã bắt 66 vụ mua bán, vận chuyển tiền giả, thu giữ trên 36.600 tờ tiền Việt Nam giả và hơn 3.000 tờ tiền nước ngoài giả; đấu tranh, bắt giữ 28 đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân thông qua các tài khoản ngân hàng.
Bên cạnh đó, các đơn vị còn kết hợp tuyên truyền, PBGDPL thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội bộ. Từ năm 2016 đến nay, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đã tổ chức 28 cuộc thanh tra, 29 cuộc kiểm tra an toàn kho quỹ và 5 cuộc kiểm tra dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đối với các chi nhánh tổ chức tín dụng. Qua thanh, kiểm tra đã kịp thời nhắc nhở, định hướng chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót nhằm đảm bảo an toàn tài sản của người dân, Nhà nước.
Kết quả, 2 năm trở lại đây, các ngân hàng không có cán bộ, công chức và người lao động vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội; các đơn vị đều đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự”. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn đạt gần 24.700 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2017; tổng dư nợ đạt trên 25.400 tỷ đồng, tăng 20,1%.
Ý kiến ()