Tuyên truyền pháp luật ở Văn Lãng: Chủ động, đa dạng
(LSO) – Xác định tầm quan trọng của công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), thời gian qua, chính quyền, đoàn thể huyện Văn Lãng đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, nhằm đưa pháp luật về cơ sở, đi vào đời sống của nhân dân.
Là huyện biên giới, sau sáp nhập Văn Lãng còn 17 xã, thị trấn, trong đó có 5 xã biên giới (Trùng Khánh, Thụy Hùng, Tân Thanh, Thanh Long, Tân Mỹ) và 1 thị trấn Na Sầm. Đây là địa bàn được xác định tiềm ẩn nhiều nguy cơ về vi phạm pháp luật vì vậy công tác PBGDPL luôn được chú trọng, đẩy mạnh, nhất là tuyên truyền miệng. Theo đó, từ năm 2019 đến nay, các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tổ chức tuyên truyền pháp luật lồng ghép qua sinh hoạt, hội nghị được hơn 950 cuộc, cho trên 43 nghìn lượt người nghe. Trong đó tập trung vào các quy định pháp luật mới, hoặc có liên quan mật thiết tới đời sống nhân dân như: Luật Đất đai; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Phòng, chống ma túy; Luật Khiếu nại; Luật Giao thông đường bộ…
Công chức tư pháp hộ – tịch thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng (bên phải) tuyên truyền pháp luật cho người dân
Ông Tô Đức Lộc, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Văn Lãng cho biết: Để nâng cao hiệu quả PBGDPL, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Tính đến nay, huyện có 23 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 234 tuyên truyền viên pháp luật. Đội ngũ này đều đạt tiêu chuẩn theo quy định, có khả năng triển khai tuyên truyền các văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Đồng thời, phòng chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động lựa chọn hình thức phù hợp như: tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, phát thanh, tờ rơi, hội thi tìm hiểu pháp luật, hoạt động hòa giải ở cơ sở… nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân cũng như nhiệm vụ của công tác PBGDPL.
Nhận thấy hiệu quả tuyên truyền pháp luật từ các phiên tòa xét xử lưu động, trong năm 2019, Tòa án Nhân dân huyện Văn Lãng đã xét xử lưu động được 10 vụ với 11 bị cáo về tội tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy; mua bán, vận chuyển hàng cấm (pháo nổ) thu hút trên 1 nghìn lượt người dân đến xem. Anh Hoàng Văn Hưng, xã Hồng Thái chia sẻ: Được xem phiên tòa xét xử người địa phương về tội tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy, tôi rút ra bài học cho bản thân, cần chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động phong trào tại thôn, bản, tránh xa tệ nạn ma túy để tự bảo vệ bản thân và gia đình.
Thực hiện PBGDPL, các cơ sở đã có sự linh hoạt trong công tác tuyên truyền. Anh Nguyễn Văn Luyến, công chức tư pháp hộ tịch thị trấn Na Sầm cho hay: Là địa bàn đông dân cư, phát sinh nhiều vấn đề, hằng ngày, khi người dân đến làm các thủ tục hành chính, chúng tôi đã phát tờ rơi, đồng thời lồng ghép tuyên truyền, giải thích pháp luật cho người dân về vấn đề mà họ đang quan tâm. Từ đó công dân hiểu nhanh, nhớ lâu các quy định của pháp luật.
Ngoài thị trấn Na Sầm, trong năm 2019, xã Tân Thanh còn chủ động đổi mới hình thức tuyên truyền pháp luật bằng việc tổ chức 2 hội thi tìm hiểu pháp luật thu hút 180 người tham dự. Các hội thi được thể hiện bằng hình thức sân khấu hóa, qua đó nhiều nội dung pháp luật được chuyển tải sâu rộng tới người dân, đem lại hiệu quả tuyên truyền cao.
Bằng các biện pháp thiết thực, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền pháp luật, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện được giữ vững, không xảy ra các điểm nóng, hạn chế tình trạng vi pháp pháp luật của người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Cuối năm 2019, toàn huyện có 9.650 gia đình văn hóa (đạt 81%, tăng 13,9% so với năm 2018).
Ý kiến ()