Thứ 7, 23/11/2024 05:21 [(GMT +7)]
Tuyên truyền pháp luật: Hiệu quả từ công tác xét xử lưu động
Thứ 6, 28/05/2010 | 17:56:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ như in về phiên toà xét xử lưu động vụ án gồm 2 bị cáo là Đinh Văn Âu (sinh ngày 10/11/1970) và Đàm Văn Hoàn (sinh ngày 20/10/1982), hộ khẩu thường trú tại xã Kim Đồng (Tràng Định) về tội giết người, cướp tài sản diễn ra vào ngày 19/9/2006, tại sân vận động huyện Tràng Định. Phiên tòa kéo dài trong một ngày, thu hút hàng nghìn người đến xem. Mỗi người đến xem mang một tâm trạng khác nhau nhưng tựu chung lại họ đều muốn biết những kẻ giết người kia phải chịu hình phạt thế nào để giải tỏa nỗi bức xúc…
Đã gần 4 năm trôi qua kể từ ngày phiên toà diễn ra mà bác Hoàng Thị Oanh, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định – người tham dự phiên tòa xét xử lưu động hôm ấy vẫn vẹn nguyên những bức xúc: Sao lại có những con người dã man đến thế! Đã cướp của lại còn giết người ta đến… chết mới thôi. Những phiên tòa xét xử lưu động như vậy đã giúp người dân như chúng tôi được tận mắt chứng kiến cảnh những con người khi phải ra trước vành móng ngựa. Ai cũng biết “giết người phải đền mạng”, nhưng nếu những vụ án thế này chỉ được xét xử tại trụ sở tòa án thì sẽ rất ít người được xem. Chính vì vậy khiến cho phạm vi ảnh hưởng để răn đe, giáo dục không lớn. Qua buổi xét xử hôm ấy, tôi thấy không chỉ những người biết về vụ án như chúng tôi đến xem mà còn thu hút được rất nhiều người đi chợ, người qua đường dừng lại xem.
Chúng tôi đã chứng kiến nhiều phiên toà xét xử lưu động tại các địa phương, một điều dễ nhận thấy là hầu như phiên toà nào cũng thu hút hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người đến dự. Ví như phiên tòa xét xử lưu động vụ án hiếp dâm trẻ em với bị cáo Hoàng Văn Thịnh (sinh ngày 5/6/1972) của Tòa án Nhân dân tỉnh tại huyện Tràng Định ngày 18/5/2010 vừa qua đã thu hút hàng trăm người ở nhiều lứa tuổi đến xem, trong đó có rất nhiều thanh niên và học sinh các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở tại địa bàn.
Nói về hiệu quả tuyên truyền pháp luật thông qua xét xử lưu động, ông Vy Ngọc Linh, Phó Chánh tòa hình sự – Toà án Nhân dân tỉnh nhận định: Mỗi vụ án mỗi tính chất phạm tội khác nhau, do vậy tính răn đe, truyên truyền giáo dục cũng phát huy hiệu quả khác nhau. Từ thực tế công việc chúng tôi nhận thấy, công tác xét xử lưu động không chỉ góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương mà còn đáp ứng công tác tuyên truyền giải thích pháp luật cho người dân rất hiệu quả. Sở dĩ nói như vậy vì hầu hết các vụ án xét xử tại trụ sở tòa án dù rất quan tâm nhưng người dân ngán ngại đường sá xa xôi hoặc không muốn bỏ công việc làm ăn để đi dự, trong khi cũng phiên tòa tương tự vậy mà được xét xử lưu động, nhất là xét xử ở ngoài trời thì ai đi ngang qua cũng có thể xem được. Đó là chưa kể đến hệ thống phát thanh của địa phương phát đến từng ngõ ngách, con hẻm… cho mọi người dân nghe.
Tòa án Nhân dân tỉnh xét xử lưu động vụ án hiếp dâm trẻ em tại huyện Tràng Định đã thu hút đông đảo nhân dân đến xem. |
Tại phiên tòa lưu động gần đây, ở nhiều địa phương, cơ quan chức năng còn “triệu tập” thanh, thiếu niên hư hỏng ở địa bàn đến nghe xét xử để lấy đó làm bài học cho bản thân. Đây cũng là nguyên nhân mà nhiều năm trở lại đây ngành Tòa án luôn cố gắng tổ chức nhiều phiên tòa xét xử lưu động, nhất là các vụ trọng án giết người, cướp của, ma túy và mại dâm. Lãnh đạo tòa còn xem đây là chỉ tiêu thi đua giữa cơ quan tòa án các cấp với nhau.
Theo thống kê của ngành Tòa án, chỉ trong năm 2009, Tòa án Nhân dân hai cấp của Lạng Sơn đã tổ chức xét xử lưu động được 55 vụ tại các địa phương. Những tháng đầu năm 2010, riêng Tòa án Nhân dân tỉnh đã tổ chức xét xử lưu động được 9 vụ. Qua các vụ xét xử lưu động, ngày càng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong quần chúng nhân dân và góp một phần không nhỏ trong công tác đấu tranh và phòng chống tội phạm.
Ông Vy Ngọc Linh chia sẻ: Theo hướng dẫn thi đua của Tòa án Nhân dân tối cao, mỗi năm Tòa án Nhân dân cấp tỉnh tổ chức xét xử lưu động từ 12 vụ trở lên. Hướng dẫn thì như vậy nhưng thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng tăng cường các vụ xét xử lưu động. Bởi thông qua hình thức xét xử này hiệu quả giáo dục, răn đe rất lớn. Như vậy sẽ góp phần quan trọng và tích cực vào việc thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại địa phương.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()