Tuyên truyền pháp luật cho phụ nữ ở Đình Lập: Lựa chọn nội dung, đổi mới hình thức
– “Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đình Lập là đơn vị tiêu biểu có cách làm thiết thực, đổi mới trong tuyên truyền pháp luật cho hội viên. Qua đó, nâng cao nhận thức pháp luật, thu hút hội viên tham gia sinh hoạt, xây dựng tổ chức hội vững mạnh” – Bà Trương Thị Hảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh đánh giá.
Ngày 9/6/2023, Hội LHPN huyện Đình Lập tổ chức hội thi tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống xâm hại trẻ em và phòng, chống mua bán người tại xã Thái Bình. Chị Đặng Thị Yên, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Khe Đa 1, xã Thái Bình cho biết: Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia cuộc thi như thế này. Tôi thấy cuộc thi rất ý nghĩa. Chúng tôi đã trải qua 3 phần thi: chào hỏi; kiến thức và vẽ tranh tuyên truyền. Qua đó, chúng tôi đã hiểu biết thêm các chính sách pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ, trẻ em. Đồng thời, được giao lưu, học hỏi các kinh nghiệm, cách làm hay trong công tác tuyên truyền pháp luật.
Đội thi thôn Khe Đa 1, xã Thái Bình tham gia hội thi tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống xâm hại trẻ em và phòng, chống mua bán người
Được biết, trong tháng 6/2023, Hội LHPN huyện đã tổ chức 6 hội thi với hình thức tương tự tại các xã; cụm xã, thị trấn với 150 thí sinh thuộc các thôn đặc biệt khó khăn của 11/12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia. Bà Sái Thị Vi, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đình Lập cho biết: Để tuyên truyền pháp luật hiệu quả, chúng tôi đã chỉ đạo cơ sở hội khảo sát nhu cầu, xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung, hình thức phù hợp. Điển hình trong năm 2023, chúng tôi đã đổi mới hình thức tuyên truyền qua các hội thi. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Không chỉ tổ chức hội thi, hình thức tuyên truyền pháp luật trên địa bàn huyện còn được đổi mới. Cụ thể, cùng với tuyên truyền miệng truyền thống, các cấp hội còn tuyên truyền qua mạng xã hội zalo, facebook, hệ thống loa truyền thanh cấp xã; sinh hoạt chi hội, câu lạc bộ… Từ năm 2022 đến nay, các cấp hội tổ chức được trên 200 cuộc phổ biến giáo dục pháp luật cho hơn 5.000 lượt hội viên tham dự.
Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, Hội LHPN huyện Đình Lập đã thành lập được 46 tổ truyền thông cộng đồng với hơn 300 thành viên tại 11 xã, thị trấn có thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện. Các tổ truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến hội viên phụ nữ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phong trào thi đua, các cuộc vận động gắn với các nhiệm vụ công tác hội.
Cùng đó, nội dung tuyên truyền pháp luật được các cấp hội lựa chọn kỹ lưỡng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, nhu cầu của hội viên. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống, quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ như: Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…
Bà Hoàng Thị Hiền, Chủ tịch Hội LHPN xã Đình Lập cho biết: Nắm được tâm tư, nguyện vọng của hội viên nên chúng tôi tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật hoặc lồng ghép trong sinh hoạt chi hội, qua mạng xã hội với các nội dung phù hợp, ngắn gọn, dễ hiểu. Trong tuyên truyền, chúng tôi khuyến khích hội viên nêu ý kiến về các vấn đề của phụ nữ, trẻ em. Đồng thời tư vấn, hướng dẫn giải quyết các trường hợp cụ thể trong thực tế. Xã cũng đang duy trì 2 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, phòng, chống bạo lực gia đình và 16 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng để hỗ trợ phụ nữ khi cần thiết. Qua tuyên truyền, nhận thức của hội viên và Nhân dân được nâng cao, 3 năm trở lại đây, trên địa bàn xã không xảy ra bạo lực gia đình, mua bán người, hằng năm trên 90% hộ hội viên đạt gia đình văn hóa.
Nhờ chú trọng lựa chọn nội dung thiết thực, đổi mới hình thức, công tác tuyên truyền pháp luật cho phụ nữ Đình Lập ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả. Qua đó, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện. Đơn cử năm 2022, các cấp hội giúp đỡ được thêm 60 hộ hội viên đạt “Gia đình 5 không, 3 sạch” (trong đó có tiêu chí “gia đình không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”), nâng tổng số hộ đạt trong toàn huyện lên gần 3.000 hộ hội viên; toàn huyện có 6.587/7.467 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 88,21% (tăng 3,08% so với 2021).
Ý kiến ()