Tuyên truyền pháp luật cho công nhân, viên chức, lao động
(LSO) – Những năm qua, các cấp công đoàn đã quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL), giúp đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) nâng cao nhận thức, tăng cường khả năng tự bảo vệ quyền lợi bản thân trong quá trình làm việc.
Ngay từ đầu năm, Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức triển khai TTPBGDPL đến toàn thể CNVCLĐ. Trên cơ sở đó, LĐLĐ huyện, thành phố, công đoàn ngành đã bám sát nhiệm vụ chính trị của tổ chức công đoàn, của địa phương chỉ đạo công đoàn cơ sở (CĐCS) các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch triển khai công tác TTPBGDPL đến CNVCLĐ, nhất là lao động trẻ trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
Nội dung tuyên truyền tập trung vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND về nhiệm vụ năm 2018 và các văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến người lao động như: Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội…
Cán bộ LĐLĐ tỉnh phát tài liệu tuyên truyền cho đoàn viên, công nhân, viên chức lao động thành phố Lạng Sơn
Từ đầu năm 2018 đến nay, 1.331/1.414 CĐCS đã tổ chức được 5.820 buổi tuyên truyền cho 179.000 lượt đoàn viên, CNVCLĐ.
Cô Hoàng Thị Chầm, Chủ tịch CĐCS Trường Tiểu học Hoàng Đồng (thành phố Lạng Sơn) chia sẻ: Chúng tôi thường tuyên truyền lồng ghép trong các buổi họp giao ban, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt của các đoàn thể trong nhà trường. Với tỷ lệ giáo viên nữ cao (trên 70%), chúng tôi lựa chọn, tuyên truyền nhiều về các chế độ, chính sách, pháp luật có liên quan đến lao động nữ.
Không chỉ tuyên truyền trực tiếp tại hội nghị, LĐLĐ tỉnh đã biên soạn, in ấn và cấp phát tờ rơi để phát cho CNVCLĐ tại nơi làm việc. Từ đầu năm 2018 đến nay, các cấp công đoàn đã cấp phát 640 quyển tài liệu, 29.500 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế… tới đông đảo đoàn viên, CNVCLĐ.
Với nỗ lực của các cấp công đoàn, CNVCLĐ từng bước được nâng cao hiểu biết pháp luật, tăng cường khả năng tự bảo vệ mình, biết “lên tiếng” đúng cách khi có hiện tượng vi phạm pháp luật. Từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh có 158 lượt CNVCLĐ tìm đến cán bộ LĐLĐ các huyện, thành phố, công đoàn ngành và Tổ tư vấn pháp luật – LĐLĐ tỉnh để hỏi và được tư vấn, trợ giúp pháp lý về chế độ trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp, tai nạn lao động, an toàn vệ sinh lao động…
Chị Nông Thị Thu, đoàn viên CĐCS Công ty Cổ phần Quản lý và xây dựng giao thông Lạng Sơn cho biết: Trong quá trình làm việc, công nhân chúng tôi được thông tin về các văn bản pháp luật có liên quan đến quyền lợi người lao động trong các buổi sinh hoạt, họp công đoàn, họp công ty; được phát tờ rơi về Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội… Vì thế, chúng tôi nhận thức rõ về quyền lợi hợp pháp của bản thân trong quá trình làm việc và chủ động có ý kiến với cán bộ công đoàn khi chưa rõ hoặc thắc mắc về một chế độ nào đó.
Ông Lương Chí Công, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các cấp công đoàn tăng cường công tác TTPBGDPL cho công nhân, viên chức, người lao động. Qua đó nâng cao nhận thức, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho đoàn viên, CNVCLĐ, góp phần vào đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Ý kiến ()