Tuyên truyền pháp luật: Ban Dân tộc chú trọng hướng đến đồng bào vùng sâu, vùng xa
(LSO) – Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh luôn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) cho đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa. Với phương châm “đối tượng nào, cách làm đó”, ban đã có nhiều cách thức đưa pháp luật đến người dân và đi vào cuộc sống của họ.
Ông Hứa Văn Duyên, Phó trưởng Phòng Chính sách – Tuyên truyền, Ban Dân tộc tỉnh cho biết: So với nhân dân các dân tộc vùng trung tâm, điều kiện tiếp cận và nhận thức pháp luật của bà con vùng sâu, vùng xa có nhiều khó khăn, hạn chế hơn, nên rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo vào các hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, hằng năm, cùng với việc tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện tốt công tác dân tộc và chính sách dân tộc, một trong những nhiệm vụ được Ban Dân tộc tỉnh coi trọng, đó là công tác TTPBGDPL đến đồng bào các dân tộc ở khu vực này.
Để hiệu quả, trước khi tổ chức tuyên truyền, ban tiến hành khảo sát tình hình thực tế tại cơ sở, tập trung vào các vấn đề mà địa phương quan tâm hoặc đang nổi cộm để xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai phù hợp. Bên cạnh đó, coi trọng việc đổi mới phương pháp tuyên truyền, với đối tượng nào có cách làm đó để người dân dễ hiểu, dễ nhớ và tiếp nhận.
Nhân dân xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc dự buổi tuyên truyền pháp luật do Ban Dân tộc tỉnh tổ chức
Chẳng hạn, hồi tháng 9/2019, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức tuyên truyền pháp luật về phòng chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại xã Nhượng Bạn, huyện Lộc Bình. Đây là địa phương được xác định là xảy ra nhiều trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Với cách thức truyền đạt ngắn gọn, dễ hiểu, cùng những ví dụ sinh động liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân, bà con hình dung rõ hơn về hậu quả, tác hại mà nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống gây ra. Từ đó, từng bước kéo giảm tình trạng này trên địa bàn.
Từ đầu năm 2019 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì, phối hợp tổ chức được trên 40 cuộc TTPBGDPL, thu hút gần 5.000 lượt người dân ở vùng sâu, vùng xa tham dự. Về nội dung tuyên truyền, có 24 chuyên đề khác nhau, xoay quanh các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em; phòng chống mua bán người; quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Mỗi cơ sở, mỗi nhóm đối tượng ban sẽ lựa chọn vấn đề, cách thức truyền đạt phù hợp, nhằm đem lại hiệu quả cao nhất.
Chị Hoàng Thị Hành, thôn Làng Đấy, xã Nhất Tiến (Bắc Sơn) bộc bạch: Trước đây, tôi ít quan tâm đến pháp luật vì nghĩ đây là vấn đề rộng lớn, khó hiểu. Tuy nhiên, từ khi được tham dự các buổi TTPBGDPL của tỉnh, huyện, xã tổ chức, được các cán bộ, báo cáo viên pháp luật tận tình phổ biến, giải thích nên tôi đã hiểu rõ hơn về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tôi sẽ vận động mọi người trong gia đình thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đoàn kết cùng bà con hàng xóm xây dựng thôn bản ngày càng văn minh, phát triển.
Đi đôi với tuyên truyền, từ đầu năm đến nay, Ban Dân tộc tỉnh cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức trợ giúp pháp lý cho hơn 200 trường hợp người dân ở vùng sâu, vùng xa; đồng thời, phát hàng nghìn tờ rơi, tờ gấp, giúp bà con tăng khả năng tiếp cận và tự giác chấp hành pháp luật, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Ông Triệu Văn Lạng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh chia sẻ: Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục đổi mới nội dụng, phương thức TTPBGDPL cho nhân dân, với phương châm hướng mạnh về cơ sở, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật và tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, nhất là bà con ở vùng sâu, vùng xa.
Ý kiến ()