Tuyên truyền người Việt dùng hàng Việt: Tín hiệu mừng nơi huyện khó vùng biên
(LSO) – Hiệu quả tích cực từ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thay đổi tâm lý tiêu dùng của người dân huyện Đình Lập. Theo nhận định của Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện, hiện nay, hơn 90% người dân trên địa bàn tin dùng hàng nội địa.
Là huyện nghèo biên giới, Đình Lập có duy nhất chợ trung tâm thị trấn Đình Lập, hàng hóa bán buôn, bán lẻ chủ yếu tập trung tại đây. Những năm trước đây, lượng hàng Việt phân phối trên thị trường rất hạn chế, chỉ chiếm khoảng 40%. Từ năm 2011, khi cả nước thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, huyện Đình Lập thường xuyên tổ chức Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn để tuyên truyền về hàng Việt, tác động thay đổi tâm lý tiêu dùng của người dân.
Người tiêu dùng tham quan, mua sắm tại Phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi huyện Đình Lập năm 2019
Gần đây nhất là ngày 25/10/2019, UBND huyện Đình Lập đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương tổ chức thành công Phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi và Tuần lễ mua sắm năm 2019 với quy mô gần 100 gian hàng. Ông Trần Anh Thuần, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại cho biết: Năm 2019, trung tâm phối hợp với UBND các huyện tổ chức được 4 phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, nhưng phiên chợ tại huyện Đình Lập nhận được sự quan tâm của người dân hơn cả. Phiên chợ đã thu hút hơn 1.000 lượt người tham quan mua sắm mỗi ngày, cho doanh số bán hàng trong một tuần lễ hơn 2 tỷ đồng. Điều này cho thấy hàng Việt đã chiếm được lòng tin của người dân Đình Lập.
Bà Vũ Thị Nụ, thị trấn Nông trường Thái Bình, huyện Đình Lập cho biết: “Từ hơn 5 năm nay, gia đình tôi chủ yếu mua sắm hàng sản xuất trong nước, bởi giả cả hợp lý và chúng tôi thấy yên tâm hơn cho sức khỏe khi tiêu dùng, nhất là các mặt hàng thực phẩm. Hơn nữa, tôi thấy các cửa hàng bách hóa hiện nay hầu hết đều bán hàng nội địa”.
Song song với việc thực hiện cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, huyện Đình Lập đã tạo điều kiện để các hộ trên địa bàn mở cửa hàng, quầy hàng kinh doanh, phát triển dịch vụ, thương mại. Cùng với đó, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan trên địa bàn như: Phòng Kinh tế – Hạ tầng, Chi cục Thuế, Đội Quản lý thị trường trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tổ chức tuyên truyền lồng ghép lợi ích từ việc buôn bán và tiêu dùng hàng Việt cho người dân.
Ông Hoàng Kim Tùng, Đội trưởng Đội quản lý địa bàn huyện Đình Lập, thuộc Đội Quản lý thị trường số 3 cho biết: Hiện nay, các đại lý, cửa hàng tạp hóa từ khu vực thị trấn Đình Lập đến các xã vùng sâu, vùng xa chủ yếu bán các mặt hàng được sản xuất trong nước, từ hàng thiết yếu thông thường phục vụ đời sống hàng ngày như: mì chính, nước mắm, mì tôm… đến các mặt hàng vật tư nông nghiệp. Qua kiểm tra địa bàn, đội nhận thấy, giờ đây người dân đa số có tâm lý tin dùng hàng Việt về sự an toàn, chất lượng và giá cả.
Cũng theo đánh giá của Đội Quản lý thị trường số 3, thời gian qua, tình hình lưu thông hàng hóa trên địa bàn huyện Đình Lập duy trì ổn định, hàng lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ ngày càng ít “đất sống”. Các mặt hàng bán lẻ trên địa bàn chủ yếu được phân phối từ các doanh nghiệp chuyên hàng Việt trên địa bàn tỉnh như: Công ty Cổ phần Thành Đô, Công ty Cổ phần Thương mại Hoàng Nguyên, Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Lạng Sơn… các mặt hàng đều đạt tiêu chuẩn, không vi phạm về chất lượng. Tuy nhiên, vẫn còn một hạn chế là địa bàn huyện đường sá đi lại khó khăn, khi hàng hóa được đưa đến các xã vùng sâu, vùng xa thì giá cả cao hơn bình thường, làm ảnh hưởng đến việc mua sắm của người dân.
Còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, mong rằng sẽ tiếp tục có các chương trình đưa hàng Việt bình ổn giá về nông thôn, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa để người dân những nơi còn nhiều khó khăn như huyện Đình Lập có cơ hội được mua sắm, tiêu dùng hàng nội địa chất lượng tốt, giá cả hợp lý.
ANH DŨNG
Ý kiến ()