Tuyên truyền hạn chế sử dụng
LSO-Để tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó tự phân hủy, thời gian qua, các cấp, ngành tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền tới người dân. Qua đó, từng bước làm thay đổi từ nhận thức đến hành động để hạn chế sử dụng túi ni lông khó tự phân hủy, thay thế bằng sản phẩm túi thân thiện với môi trường.
Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tuyên truyền tác hại của túi ni nông khó tự phân hủy tại thị trấn Văn Quan |
Ngày 23/11/2017, tại thị trấn Văn Quan, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với UBND huyện Văn Quan tổ chức tuyên truyền hạn chế sử dụng túi ni lông khó tự phân hủy, hướng tới sử dụng bao bì thân thiện với môi trường. Tại đây, báo cáo viên của Hội LHPN tỉnh đã tuyên truyền về tác hại của túi ni lông khó tự phân hủy đối với môi trường thiên nhiên, sức khỏe và đời sống của con người. Ngay sau hội nghị, các đại biểu, hội viên tham dự hội nghị đã đến các điểm chợ, điểm tập trung đông dân cư trên địa bàn thị trấn phát trên 2 nghìn tờ rơi và 8 kg túi ni lông tự phân hủy thân thiện với môi trường.
Không chỉ tuyên truyền tại thị trấn Văn Quan, trong năm 2017, Hội LHPN tỉnh tổ chức được 10 hội nghị tuyên truyền về tác hại và hạn chế sử dụng túi ni lông khó tự phân hủy tại 10 xã, thị trấn trên địa bàn các huyện: Văn Quan, Hữu Lũng, thu hút gần 1.000 người tham dự; cấp phát trên 20.000 tờ rơi tuyên truyền và 50 kg túi ni lông tự phân hủy.
Bà Hoàng Thị Hà, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo, Hội LHPN tỉnh cho biết: Thông qua truyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm cho hội viên phụ nữ và người dân, cộng đồng trong việc hạn chế sử dụng túi ni lông khó tự phân hủy để bảo vệ môi trường. Qua đó góp phần thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào “Phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới”; cuộc vận động xây dựng gia đình theo tiêu chí “5 không, 3 sạch, 3 an toàn”.
Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong việc hạn chế sử dụng túi ni lông khó tự phân hủy, UBND các huyện, thành phố chủ động nhiều biện pháp, hình thức tuyên truyền. Ông Lê Anh Tùng, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chi Lăng cho biết: Thời gian qua, các phòng, ban chuyên môn của huyện phối hợp UBND các xã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền lưu động, trên loa truyền thanh, hội nghị tuyên truyền tại xã. Qua đó từng bước nâng cao nhận thức người dân.
Ông Nguyễn Đình Duyệt, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Để công tác bảo vệ môi trường đi vào chiều sâu, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả, hầu hết các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, huyện, thành phố đều có những hoạt động tích cực hưởng ứng các phong trào bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi ni lông khó tự phân hủy. Điển hình là việc tổ chức các chiến dịch truyền thông hưởng ứng: Ngày đa dạng sinh học (22/5); Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường; chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn; tổ chức tuyên truyền, tập huấn về hạn chế sử dụng túi ni lông khó tự phân hủy. Qua đó từng bước nâng cao nhận thức, hạn chế sử dụng túi ni lông khó tự phân hủy trong cộng đồng dân cư, góp phần bảo vệ môi trường.
Theo các nhà khoa học, trong một số loại túi ni lông khó tự phân hủy có lẫn lưu huỳnh, dầu hỏa nguyên chất, khi bị đốt cháy, gặp hơi nước sẽ tạo thành axit sunfuric dưới dạng các cơn mưa axit, rất có hại cho phổi người và động vật. Tệ hơn, túi ni lông làm bằng nhựa PVC (Polyvinylclorua) có chứa Clo, khi cháy tạo ra chất Điôxin và Axit clohiđric vô cùng độc hại, có thể gây các bệnh ung thư ở người. Mặt khác, túi ni lông khó tự phân hủy khi ở môi trường tự nhiên phải mất từ 500 năm đến 1000 năm mới tự phân hủy. Túi ni lông lẫn vào đất làm cản trở quá trình sinh trưởng của các loài thực vật bị nó bao quanh, cản trở sự phát triển của cây cỏ, dẫn đến hiện tượng xói mòn ở các vùng đồi núi… |
ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()