Tuyên truyền giải phóng mặt bằng ở thành phố Lạng Sơn: Đa dạng hình thức, nâng cao hiệu quả
Người dân thôn Quảng Liên 1 quan tâm đến đồ án quy hoạch
–Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) các công trình dự án luôn là vấn đề khó, nhạy cảm bởi liên quan đến quyền lợi của người bị thu hồi đất. Vì vậy, để hoàn thành công tác GPMB các dự án, cấp uỷ, chính quyền thành phố xác định nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong Nhân dân là một trong những giải pháp quan trọng.
Năm 2023, thành phố thực hiện công tác bồi thường, GPMB 43 dự án với tổng diện tích thu hồi hơn 230,4 ha của 1.755 gia đình, cá nhân và 37 tổ chức.
Khối lượng dự án lớn, vì vậy, cấp ủy, chính quyền thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp và huy động sự tham gia của nhiều lực lượng, lấy công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục là nhiệm vụ trọng tâm với phương châm “đến từng ngõ – gõ từng nhà”, “vận động từng bước, kiên trì thuyết phục”. Cùng đó, thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương, phát huy dân chủ, quan tâm bảo đảm lợi ích chính đáng của người dân đi đôi với nâng cao ý thức trách nhiệm, tạo sự đồng thuận cao đối với người bị thu hồi đất trong công tác GPMB.
Theo đó, thành phố phát huy vai trò của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong công tác nắm bắt dư luận, tổ chức tuyên truyền vận động bằng nhiều phương pháp như: tuyên truyền miệng, tổ chức gặp gỡ, đối thoại, sử dụng hệ thống phương tiện thông tin đại chúng…
Bà Hoàng Thị Huyền, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Lạng Sơn cho biết: Tuyên truyền GPMB là việc khó, do vậy, để thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, trong năm 2023, Mặt trận Tổ quốc thành phố đã tham mưu Thành uỷ tổ chức hội nghị gặp mặt người có uy tín để trao đổi kinh nghiệm, phát huy vai trò của người có uy tín trong công tác tuyên truyền GPMB trên địa bàn. Cùng đó, Mặt trận Tổ quốc thành phố, các phường, xã và các tổ chức thành viên đã trực tiếp tuyên truyền, vận động 301 hộ dân bị ảnh hưởng các dự án trọng điểm, hướng dẫn xã Hoàng Đồng và Mai Pha lấy ý kiến và thăm dò dư luận về thực hiện dự án cao tốc Cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng đối với 200 hộ, tiếp nhận 11 ý kiến kiến nghị của người dân. Nội dung tuyên truyền truyền tải đầy đủ các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác GPMB, quy trình thủ tục, cơ chế hỗ trợ thu hồi đất, tiến độ, quy mô, mục tiêu đầu tư từng dự án… Mục tiêu công tác tuyên truyền là đưa thông tin về các công trình dự án đến nhân dân một cách kịp thời, công khai minh bạch để tạo đồng thuận trong nhân dân và người bị thu hồi đất.
Cùng với sự vào cuộc của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, thành phố còn phát huy vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, đội ngũ báo cáo viên, các tổ công tác, tổ tuyên truyền, xây dựng các điển hình tiên tiến thực hiện GPMB trong cộng đồng để nêu gương, tạo hiệu ứng lan tỏa, lấy nhân dân vận động nhân dân…
Bà Hoàng Minh Thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ cho biết: Đẩy mạnh tuyên truyền vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân đối với công tác GPMB luôn được Ban Tuyên giáo coi trọng và ban đã tham mưu cho Thành uỷ thực hiện bảo đảm kịp thời, chất lượng. Trong năm 2023, đội ngũ báo cáo viên, các tổ công tác, tổ tuyên truyền đã tổ chức tuyên truyền chuyên đề về GPMB các dự án được 349 cuộc, thu hút 3.014 lượt người tham gia. Người đứng đầu cấp uỷ thành phố và các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành uỷ được phân công theo dõi từng dự án, Ban cưỡng chế GPMB đã trực tiếp tuyên truyền cá biệt được 23 cuộc để vận động, thuyết phục 78 hộ có quyết định cưỡng chế thu hồi đất thực hiện dự án.
Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố tổ chức đo đạc kiểm đếm dự án đường Lý Thái Tổ (thành phố Lạng Sơn)
Thông qua hoạt động vận động, thuyết phục, kết quả trong năm 2023 đã có 61/78 hộ có quyết định cưỡng chế đã chấp hành bàn giao mặt bằng, chiếm 78% và diện tích bàn giao mặt bằng được hơn 11 ha tại 5 dự án. Nhờ đó, kết thúc năm 2023, toàn thành phố đã bàn giao được hơn 25 ha của 258 hộ, tăng gần gấp đôi so với năm 2022 và đã hoàn thành GPMB được 10/43 dự án.
Bà Nguyễn Thị Bích Hồng, trú tại tổ 3, khối 9, phường Đông Kinh bị ảnh hưởng Dự án Cải tạo mở rộng đường Bà Triệu đoạn Lý Thái Tổ – Nguyễn Đình Chiểu chia sẻ: Gia đình có thửa đất 120 m2, trong đó diện tích nhà nước thu hồi để mở rộng đường Bà Triệu là 46 m2 và diện tích đủ điều kiện bồi thường là 39 m2. Ban đầu gia đình chưa chấp hành bàn giao mặt bằng vì gia đình có nhiều người, có 3 con trai thì hai cháu đã lập gia đình, diện tích đất ở còn lại rất chật hẹp, các cháu đều làm nghề tự do nên gia đình kiến nghị nhà nước giao đất tái định cư. Sau khi lãnh đạo thành phố đến vận động, tuyên truyền, xem xét hoàn cảnh gia đình và báo cáo UBND tỉnh đề xuất giải pháp tháo gỡ và được UBND tỉnh đồng ý áp dụng cơ chế hỗ trợ khác bằng giao đất tái định cư, nhận thấy quyền lợi được nhà nước xem xét thấu đáo, giải quyết hợp tình hợp lý, gia đình đã bàn giao mặt bằng để nhà nước thi công công trình theo kế hoạch và không phải cưỡng chế thu hồi đất theo quyết định đã phê duyệt.
Ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn cho biết: Trên cơ sở kinh nghiệm công tác tuyên truyền vận động GPMB các dự án năm 2023, bước sang năm 2024, UBND thành phố sẽ tổ chức rà soát hồ sơ pháp lý đất đai và tập trung chỉ đạo các cơ quan, phòng, ban tiếp tục đổi mới phương pháp tuyên truyền vận động, tăng cường đối thoại trực tiếp với các hộ bị ảnh hưởng để đẩy nhanh tiến độ các dự án nhất là các công trình, dự án trọng điểm. Cụ thể như Dự án mở rộng đường Nguyễn Du; Dự án khách sạn sân golf Hoàng Đồng; Dự án đường Lý Thái Tổ kéo dài và khu dân cư, tái định cư thành phố; Dự án khu liên hợp thể thao thành phố…
Với đóng góp tích cực, hiệu quả của công tác tuyên truyền vận động GPMB các dự án trong năm 2023, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị đẩy mạnh công tác thông tin, vận động, thuyết phục để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Qua đó góp phần xây dựng thành phố Lạng Sơn ngày càng khang trang, văn minh hiện đại.
TRANG NINH
Ý kiến ()