Tuyên truyền đối ngoại qua báo chí và các website: Cần tăng cường ấn phẩm, phiên bản tiếng nước ngoài
LSO - Trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng, thông tin đối ngoại (TTĐN) càng có ý nghĩa quan trọng. Là tỉnh biên giới địa đầu, Lạng Sơn luôn xác định rõ vai trò đặc biệt quan trọng của công tác TTĐN và đã huy động sự vào cuộc tích cực của các lực lượng, trong đó có nhóm cơ quan phát hành các ấn phẩm báo chí, website. Tuy nhiên hiện nay, việc tuyên tuyền đối ngoại qua các phương tiện này tại tỉnh mới được tăng cường ở những ấn phẩm tiếng Việt. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh mới có duy nhất một chương trình thời sự tiếng Trung của Đài Phát thanh và Truyền hình Lạng Sơn mua bản quyền phát sóng với thời lượng ngày thường 15 phút; ngày thứ bảy, chủ nhật 20 phút. Như vậy, mới đáp ứng được một phần rất nhỏ yêu cầu của công tác TTĐN.
Phóng viên Báo Lạng Sơn sáng tạo tác phẩm báo chí phục vụ công tác tuyên truyền đối ngoại
Tuyên truyền đối ngoại của Lạng Sơn nhằm mục đích cuối cùng là để nhân dân thế giới hiểu biết đúng về Lạng Sơn nói riêng, Việt Nam nói chung, nâng cao uy tín và vị thế của tỉnh, của đất nước trên trường quốc tế. Đồng thời giúp chính người Lạng Sơn, người dân cả nước hiểu biết tình hình thế giới, nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay. Nói như vậy thì đối tượng TTĐN của Lạng Sơn rất đông đảo và rộng khắp. Tuy nhiên, trong bài này, chúng tôi chỉ đề cập đến nhóm đối tượng của TTĐN là người nước ngoài.
Với 231,740 km đường biên giới với Trung Quốc, Lạng Sơn có 2 cửa khẩu quốc tế và các cửa khẩu quốc gia. Hằng năm, lượng khách quốc tế, trong đó có du khách người Trung Quốc xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu này rất lớn. Theo thống kê của lực lượng biên phòng, riêng Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, trong 10 tháng của năm 2014, đã làm thủ tục xuất, nhập cảnh cho 400.000 lượt người, trong đó chủ yếu là du khách quốc tế đến từ trên 80 quốc gia trên thế giới. Cùng với đó, hằng ngày, nhân dân 2 bên biên giới Việt – Trung qua lại thăm thân, làm ăn, kinh doanh buôn bán cũng khá đông. Tính riêng các công ty do doanh nhân Trung Quốc đầu tư vốn hoặc làm chủ đã lên đến con số hàng chục công ty và số công nhân, lao động là người Trung Quốc cũng hàng trăm người. Tất cả những đối tượng nêu trên đều là đối tượng của công tác TTĐN.
Các đối tượng này, một mặt chính bản thân họ cần thông tin để có những hiểu biết nhất định về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, con người Lạng Sơn nói riêng, Việt Nam nói chung nhằm thuận tiện cho việc học tập, lao động và sinh sống. Mặt khác, chính chúng ta cũng cần thông tin cho họ để họ có những hiểu biết đúng về chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước ta; chủ trương, chính sách của tỉnh về phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và chủ quyền biên giới quốc gia, để họ cùng tham gia với ta xây dựng mối quan hệ láng giềng, khu vực và thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Để làm được điều này, tỉnh ta không thể thiếu những ấn phẩm báo chí, website của các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền có phiên bản tiếng nước ngoài, nhất là tiếng Trung, tiếng Anh.
Ông Nông Phương Đông, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Lạng Sơn có 2 cơ quan báo chí chuyên nghiệp là Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lạng Sơn với các ấn phẩm báo in, phát thanh, truyền hình và 2 trang thông tin điện tử tổng hợp. Cùng đó, tỉnh còn có Tạp chí Văn nghệ xứ Lạng, Cổng thông tin điện tử của tỉnh và khoảng 40 website của các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố. Các phương tiện truyền thông này đã phát huy rất tốt chức năng tuyên truyền nói chung, tuyên truyền TTĐN nói riêng. Tuy nhiên, việc tuyên truyền mới dừng lại ở những ấn phẩm tiếng Việt. Do vậy, để tăng hiệu quả tuyên truyền đối ngoại thì rất cần tăng cường những ấn phẩm báo chí, phiên bản các trang tin, website bằng tiếng nước ngoài do chính ta sản xuất, đặc biệt là phiên bản tiếng Trung, tiếng Anh. Ví như Đài Phát thanh và Truyền hình có thêm phiên bản phát thanh bằng tiếng Trung, phiên bản trang tin điện tử bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh; Báo Lạng Sơn, Sở Ngoại vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư có phiên bản trang tin điện tử bằng hai thứ tiếng Trung, Anh… Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu công tác TTĐN trong giai đoạn hiện nay.
Ông Vũ Đức Hạ, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kim loại màu Bắc Bộ chia sẻ: Công ty có hàng chục công nhân, lao động là người Trung Quốc, họ sinh sống tại tỉnh Lạng Sơn nên cũng rất cần những thông tin về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của tỉnh. Trong số này, có người biết tiếng Việt có người chưa, trong khi ấn phẩm truyền thông bằng tiếng Trung tại địa bàn do các cơ quan truyền thông trong tỉnh sản xuất lại rất ít nên họ cũng gặp khó khăn nhất định khi tìm đọc, nghe và xem. Với cương vị lãnh đạo Công ty, chúng tôi rất mong thời gian tới, tỉnh mình có nhiều hơn các ấn phẩm truyền thông bằng tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Trung để không chỉ những người Trung Quốc sinh sống tại Lạng Sơn tìm đọc, nghe, xem mà ngay cả cư dân biên giới của Trung Quốc cũng có thể xem, nghe các chương trình truyền hình, phát thanh, đọc báo in, báo mạng do các cơ quan truyền thông trong tỉnh sản xuất. Qua đó họ có hiểu biết đầy đủ hơn về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta; hiểu thêm về mảnh đất, con người xứ Lạng và những chủ trương của tỉnh để họ cùng góp sức với tỉnh xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
Từ những lý do như vậy, có thể thấy việc tăng cường ấn phẩm, hay phiên bản ấn phẩm bằng tiếng nước ngoài nói chung, tiếng Trung, tiếng Anh nói riêng là rất cấp thiết. Khi làm được điều này sẽ góp phần tích cực giúp ta có những thuận lợi nhất định trong phát triển kinh tế – xã hội, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài và đảm bảo chủ quyền an ninh biên giới.
Bài, ảnh: Diệu Hằng
Ý kiến ()