Tuyển sinh ĐH, CĐ 2010: Điểm cao vẫn trượt
Qua các đợt tuyển sinh trước, đã có hiện tượng thí sinh đạt điểm cao nhưng vẫn không trúng tuyển vào một trường ĐH, CĐ nào. Do thí sinh xác định năng lực, ngành dự thi không đúng, sử dụng không hiệu quả việc đăng ký nguyện vọng nên cơ hội trúng tuyển sẽ không cao.
Trong khi đó, nhiều thí sinh lại chọn ngành nghề theo trào lưu, lựa chọn những chuyên ngành “hot” mà quên đi năng lực, đam mê, sở thích của bản thân. Thực tế cho thấy, có rất nhiều ngành nghề điểm chuẩn trúng tuyển rất thấp, khi ra trường dễ xin việc nhưng thí sinh vẫn không nhận ra.
Chọn ngành ít cạnh tranh hay ngành “hot”
Đợt tuyển sinh năm 2009 chứng kiến nhiều ngành học phải “đóng cửa”, chuyển thí sinh qua các ngành học khác hoặc gửi sang trường khác vì không tuyển đủ chỉ tiêu. Trong khi đó, những ngành “hot” lại có tỷ lệ chọi khá cao, chính vì vậy hàng năm thường xảy ra tình trạng có những ngành dù nhu cầu xã hội rất lớn nhưng lại ít thí sinh chọn.
Theo dự báo của các chuyên gia giáo dục thì trong đợt tuyển sinh năm 2010 cũng có thể xảy ra tình trạng tương tự, khi mà qua các đợt tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp, những ngành nghề thu hút sự quan tâm của thí sinh phần lớn thuộc về khối kinh tế như ngân hàng, tài chính, kế toán, quản trị kinh doanh,….
Trong khi những ngành được nhiều doanh nghiệp nỗ lực tìm kiếm, lại có rất ít thí sinh quan tâm. Không những chỉ có các trường ngoài công lập mà ở các trường công lập, trường có thương hiệu cũng lâm vào tình cảnh tương tự.
Cụ thể, ở đợt tuyển sinh năm trước, Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM, các ngành sư phạm ngoại ngữ, cử nhân ngoại ngữ cũng có số hồ sơ đăng ký dự thi thưa thớt, ngành sư phạm Nga – Anh chỉ có 17 hồ sơ đăng ký, cử nhân tiếng Pháp chỉ có 66 hồ sơ, cử nhân tiếng Trung có 82 hồ sơ trong tổng số 120 chỉ tiêu.
Ở các ngành khác như Thư viện – Thông tin, Quản lý Giáo dục, Tâm lý Giáo dục (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, ĐH Sài Gòn), Công tác xã hội, Văn hóa học, Việt Nam học (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, ĐH Văn Hiến) hay ngành Quản lý Văn hóa (ĐH Văn Hóa TP.HCM),…
Những ngành này điểm chuẩn cũng chỉ bằng hoặc cao hơn điểm sàn từ 1 đến 1.5 điểm nhưng các truyền phải tuyển đến NV2, NV3 mới đủ chỉ tiêu. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng các ngành này của xã hội hiện nay là rất lớn.
Ông Phạm Tấn Hạ (Phó Phòng Đào tạo, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM) cho biết: “Các ngành thư viện – thông tin, quản lý giáo dục và tâm lý giáo dục, nhân học… nhu cầu xã hội hiện rất cao và hầu hết sinh viên tốt nghiệp ra trường đều có việc làm nhưng những năm qua trường phải tuyển NV2 mới đủ chỉ tiêu”.
Ngoài các ngành xã hội thì một số ngành về kỹ thuật như cơ khí chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm, cơ khí nông lâm cũng ít thí sinh đăng ký dự thi. Điểm chuẩn các ngành này chỉ bằng điểm sàn nhưng vì tâm lý ngại tiếp xúc máy móc, sợ làm công việc nặng nhọc nên thí sinh ít chú ý đến.
Theo dự báo của Viện Khoa học lao động và xã hội, trong những năm tới, các ngành dịch vụ, môi trường, xây dựng sẽ tiếp tục phát triển và phát triển nhanh. Bên cạnh đó, những ngành lợi thế của Việt Nam như cơ khí lắp ráp, cơ khí sửa chữa, vận hành… cũng sẽ tiếp tục thu hút người lao động.
Thí sinh có tất cả 9 nguyện vọng
Về lý thuyết, mỗi thí sinh có thể dự thi 3 đợt (gồm hai đợt tuyển sinh ĐH và một đợt tuyển sinh CĐ), mỗi đợt có 3 NV, tổng cộng có tất cả 9 NV. Nhưng kinh nghiệm các năm qua cho thấy, nhiều thí sinh xác định năng lực và ngành dự thi không đúng thì cơ hội trúng tuyển sẽ không cao.
Trong khi đó nhiều thí sinh chỉ tập trung một ngành, một khối thi phù hợp nhất, chỉ qua một đợt thi đã có thể trúng tuyển đúng NV vào trường.
Qua các đợt tuyển sinh trước, đã có hiện tượng thí sinh đạt điểm cao nhưng vẫn không trúng tuyển vào một trường đại học, cao đẳng nào. Vì theo nguyên tắc, các trường xét tuyển lấy thí sinh từ điểm cao xuống thấp cho đến lúc đủ chỉ tiêu. Để có cơ hội trúng tuyển theo nguyện vọng 2 cao nhất, thí sinh cần phải cân nhắc mức điểm để lựa chọn trường phù hợp, nếu không sẽ mất oan uổng một nguyện vọng.
Theo TS Nguyễn Kim Quang (Trưởng Phòng Đào tạo, ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM), NV1 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì đây là cơ hội cao nhất để có thể trúng tuyển đúng ngành mong muốn. NV2, NV3 chỉ dành cho các thí sinh không trúng tuyển NV1 mà có tổng điểm thi trên điểm sàn do Bộ GD-ĐT quy định hằng năm và không có môn điểm 0.
Do đó cơ hội chọn được ngành để trúng tuyển phù hợp với NV nghề nghiệp đã thấp đi rất nhiều. Thí sinh cần cân nhắc năng lực, năng khiếu thực sự của mình không nên quá cầu may khi chọn NV1 ở những ngành và khối thi này, đặc biệt các ngành có môn năng khiếu.
Trong khi đó, quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, việc xác định điểm trúng tuyển của các trường có những thay đổi. Cụ thể, các trường xây dựng điểm trúng tuyển chung theo khối thi hoặc theo ngành đào tạo. Điểm trúng tuyển đối với các nguyện vọng được xác định theo quy định, điểm trúng tuyển nguyện vọng sau không thấp hơn nguyện vọng trước, đảm bảo tỉ lệ trúng tuyển hợp lý giữa các nguyện vọng.
Để hạn chế rủi ro khi chọn nguyện vọng, trong thời gian chuẩn bị nộp hồ sơ, thí sinh cần tìm hiểu và nắm bắt thông tin chính xác về ngành học, trường học phù hợp nhất đối với sở thích, năng khiếu, hoàn cảnh và năng lực của mình để chọn được ngành và trường ở mỗi đợt thi cho hiệu quả.
Ý kiến ()