Tuyển sinh đại học 2019: Chuyển hướng đào tạo đáp ứng cách mạng 4.0
Mùa tuyển sinh đại học năm 2019 đánh dấu một sự chuyển hướng đào tạo của các trường đại học khi hàng loạt đơn vị công bố mở thêm ngành mới phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong đó, có nhiều ngành học lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam.
Ngoài ra, các trường cũng có những chuyển dịch trong đào tạo để đáp ứng yêu cầu mới của thị trường.
Hàng loạt ngành học mới
Năm 2019, Đại học Kinh tế quốc dân mở tới 7 chương trình học mới, gồm Phân tích kinh doanh, Khoa học dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh, Đầu tư tài chính, Công nghệ tài chính, Quản trị kinh doanh điều hành thông minh, Quản trị chất lượng và đổi mới, Quản trị khách sạn quốc tế. Tất cả các chương trình mới này đều mang tính chất liên thông quốc tế và được giảng dạy bằng tiếng Anh.
Trường dự kiến tuyển 50 chỉ tiêu cho mỗi ngành. Các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh nên đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức tiếng Anh cơ bản. Khối tuyển sinh ưu tiên các khối có môn tiếng Anh.
Giáo sư Trần Thọ Đạt (Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân) chia sẻ, đây là các ngành học mang tính liên ngành, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong thời đại cách mạng 4.0 và kinh tế số hiện nay. Các ngành mới này được nhà trường xây dựng dựa trên phân tích nhu cầu của thị trường lao động, tham khảo ý kiến của các chuyên gia và các trường đại học đối tác. Trường cũng tổ chức các buổi tọa đàm riêng cho từng ngành, mời đại diện các doanh nghiệp đến để trao đổi, góp ý.
Tại mỗi buổi tọa đàm, ông Đạt đều gửi tới đại diện các doanh nghiệp chi tiết về chương trình đạo tạo, mục tiêu, yêu cầu cần đạt của sinh viên sau khi ra trường và tha thiết đề nghị các doanh nghiệp nhận xét, đánh giá.
“Sản phẩm đào tạo ra phải đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động. Vì vậy, việc tham khảo ý kiến các doanh nghiệp là rất quan trọng để trường hoàn thiện chương trình đào tạo sát với thực tế,” giáo sư Trần Thọ Đạt chia sẻ.
Năm học mới này, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cũng mở thêm ngành học hoàn toàn mới: Robot và trí tuệ nhân tạo. Sinh viên theo học ngành này sẽ được miễn giảm hoàn toàn học phí, đào tạo bằng tiếng Anh 100%. Với ưu đãi lớn, chỉ tuyển cũng rất hạn chế với khoảng 20 sinh viên trong năm đầu tiên và yêu cầu đầu vào khá cao. Trường dự kiến chỉ nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh đạt từ 24 điểm trở lên.
Ngành học này cũng là một ví dụ tiêu biểu trong xu hướng phát triển đào tạo mới theo hướng liên ngành, giúp sinh viên có kỹ năng không chỉ của một ngành mà tích hợp nhiều ngành. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng nhất mà cách mạng 4.0 đòi hỏi ở người lao động.
Theo ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, ngành Robot và trí tuệ nhân tạo có đặc điểm tính liên ngành cao, tích hợp kiến thức nhiều lĩnh vực nên sẽ không thuộc một khoa nào cụ thể của trường.
Ngoài ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh còn dự kiến mở ngành Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật Xây dựng, Vật liệu Dệt may, Kinh doanh Quốc tế.
Trong khi đó, Đại học Huế mở tới 15 ngành học mới như Kỹ thuật phần mềm, Kỹ thuật sinh học, Kỹ thuật môi trường, Quy học vùng và đô thị, Địa kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa …
Chuyển hướng đào tạo
Cũng trong xu thế đón đầu yêu cầu nhân lực của cuộc cách mạng 4.0, nhiều trường không chỉ đưa ra nhiều ngành mới mà chương trình đào tạo truyền thống cũng được chuyển đổi theo hướng mô hình đào tạo chất lượng cao, sử dụng công nghệ số để đáp ứng yêu cầu chuẩn mực và hội nhập quốc tế.
Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các chương trình đào tạo được tăng cường kiến thức về công nghệ thông tin, các vấn đề hội nhập để sinh viên tiếp cận với yêu cầu mới của thị trường lao động. Theo giáo sư Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện, trường còn kết nối với các đơn vị đào tạo trong khu vực và trên thế giới thông qua hệ thống giảng viên được đào tạo ở nước ngoài để mở các chương trình đạo tạo. Ngoài ra, sinh viên cũng được giao lưu, trao đổi học tập ngắn hạn, mở rộng ứng dụng công nghệ…
Ở những ngành học không liên quan trực tiếp tới công nghệ thông tin, việc chuyển dịch trong đào tạo cũng diễn ra rất mạnh mẽ.
Theo phó giáo sư Nguyễn Văn Thiệp, Phó Trưởng ban Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội), ngay cả báo chí và luật học cũng có dịch chuyển để đáp ứng nhu cầu của quốc tế. Việc đưa môn học, những yêu cầu về công nghệ thông tin, những yêu cầu về kết nối như số hóa chúng tôi dần dần đưa vào với mức độ khác nhau. Xu hướng thế giới đi vào liên ngành và xuyên ngành…
“Dù không thể chuyển mình ngay lập tức nhưng chúng tôi sẽ đưa vào dần dần từng chuyên ngành để một thí sinh đỗ vào Đại học quốc gia có điều kiện học, phát huy tốt nhất khả năng của mình để đáp ứng được yêu cầu khá rộng chứ không chỉ đơn thuần là theo nghĩa hẹp của ngành trước đây. Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu tuyển dụng đòi hỏi nhiều kỹ năng hiện nay,” phó giáo sư Nguyễn Văn Thiệp nhấn mạnh./.
Ý kiến ()