Thứ 6, 22/11/2024 17:24 [(GMT +7)]
Tuyển sinh Đại học 2010: Lệ phí tăng, hồ sơ giảm
Thứ 4, 14/04/2010 | 15:34:00 [(GMT +7)] A A
Việc tăng lệ phí đăng kí dự thi (ĐKDT) và thu đồng thời lệ phí thi khi nộp hồ sơ sẽ hạn chế phần nào số hồ sơ ảo. Giải pháp này đã được nhiều Hội đồng thi các trường kiến nghị với Bộ GD&ĐT và được áp dụng từ kỳ thi tuyển sinh năm nay. Ngay sau khi kết thúc hạn nộp hồ sơ ĐKDT theo tuyến sở GD&ĐT cho thấy, lượng hồ sơ nộp vào đang ít hơn năm ngoái. Như vậy, đây là tín hiệu tốt chứng tỏ lượng hồ sơ “ảo” sẽ giảm hơn mọi năm.
Giám thị gọi thí sinh vào phòng thi. |
Lệ phí cao = hồ sơ giảm
Điểm mới của kỳ tuyển sinh năm nay, để tránh tình trạng thí sinh (TS) ảo, cả lệ phí đăng ký dự thi và lệ phí dự thi được thu gộp 1 lần, với 80.000 đồng/bộ/trường. Đặc biệt, với những TS đăng ký dự thi vào các trường năng khiếu thì mỗi bộ HS các em phải nộp tới 250.000/bộ. Có nhiều thí sinh cho biết, em đã mua 10 bộ hồ sơ nhưng do quy định thu gộp lệ phí nên các em quyết định chỉ chọn nộp hồ sơ vào trường mà em dự định thi cho đỡ phí tiền nộp lệ phí.
Do chủ trương đóng lệ phí đúng đắn của Bộ GD&ĐT nên tỷ lệ TS “ảo” năm nay sẽ không đáng kể vì những TS đã nộp hồ sơ vào trường nào nghĩa là muốn vào trường đó thực sự, không phải chạy theo phong trào như trước đây. Điều này sẽ giúp các trường thuê địa điểm, thuê phòng… sát thực với số TS dự thi hơn trước. Trong khi mặt bằng giá cả cao như hiện nay, giảm hồ sơ “ảo” sẽ giúp các trường đỡ lỗ.
Theo ông Phan Văn Quế, Phó viện trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội, nếu một học sinh có điều kiện, khoảng 800.000đ/10 bộ hồ sơ là chuyện bình thường thì với một học sinh nghèo và học sinh nông thôn, đấy là cả vấn đề quan trọng. Ngoài ra, các em cũng đã biết chọn đúng ngành, đúng trường phù hợp khả năng nên không nộp hồ sơ vô tội vạ. Các em đã ý thức được có nhiều con đường học, không nhất thiết phải vào ĐH nên phần lớn các em chỉ nộp vài bộ hồ sơ vào trường ĐH cần thiết.
Việc giảm hồ sơ ĐKDT năm nay thể hiện rõ ngay sau khi kết thúc đợt 1 nhận hồ sơ theo tuyến sở GD&ĐT vào ngày 10/4. Ở Hà Nội, nhiều điểm thu nhận hồ sơ ĐKDT chỉ nhận được số lượng hồ sơ đăng kí bằng khoảng 2/3 năm ngoái. Tạiphòng GD&ĐT Phú Xuyên đã nhận được khoảng 400 bộ, bằng 2/3 số bộ hồ sơ của năm 2009. Trong ngày 10/4, Phòng GD&ĐT Hoàn Kiếm chỉ nhận được gần 20 bộ. Tính trung bình cả đợt, Phòng nhận được khoảng 400 bộ, ít hơn so với năm ngoái 100 bộ. Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh có tổng hồ sơ cả đợt là 800, ít hơn năm ngoái gần 400 bộ…Điểm thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi của Sở GD&ĐT TPHCM đã nhận hơn 2.000 hồ sơ. Ông Phạm Hữu Tài, cán bộ thu nhận hồ sơ tại đây, cho biết năm nay hồ sơ giảm hơn năm 2009. Đ ến hết ngày 10/4, Văn phòng tuyển sinh cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP Hồ Chí Minh đã nhận được hơn 10.000 bộ hồ sơ, ít hơn so với mọi năm.Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên phụ trách tuyển sinh, thông tin không nhiều trường hợp nộp 3-4 hồ sơ và thí sinh đăng ký nhiều nhất vào các trường ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, ĐH Công nghiệp TPHCM, CĐ Kinh tế Đối ngoại…
Trường phải tự bù lỗ vì ảo
Ông Nguyễn Ngọc Hợi – Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh cho biết, thực tế những năm qua, việc thu lệ phí không đủ cho các trường chi cho công tác tuyển sinh. Hầu hết các trường đều phải tự bỏ tiền ra bù vào chi phí quá lớn này, hàng năm đến hàng trăm triệu đồng.
PGS Nguyễn Văn Nhã, Trưởng Ban Đào tạo, ĐH Quốc gia cho hay, mặc dù trường đã phát hiện và loại khá nhiều số đăng ký trùng tên song lượng hồ sơ ảo cũng lên tới 30%, cá biệt có phòng thi dự kiến 30 thí sinh nhưng chỉ có 7 thí sinh có mặt.
Thực tế những năm qua cho thấy, lượng hồ sơ ĐKDT ảo chiếm ít nhất 30%. Và theo ước tính, mỗi kỳ thi ĐH, CĐ, các trường đã phải bù lỗ số tiền lên tới khoảng 18 tỷ đồng cho việc thuê địa điểm, thậm chí chấp nhận cả những địa điểm xa rất phức tạp cho khâu tổ chức thi; huy động số lượng lớn giám thị; in đủ số lượng đề thi theo số hồ sơ ĐKDT…
Ông Phan Văn Quế nhận định, đến ngày sát nút thu nhận, hồ sơ ĐKDT sẽ còn tăng lên. Tuy nhiên, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại Thương, Hà Nội bà Nguyễn Thị Quy nhận định, riêng với một số trường có số lượng tuyển sinh ổn định, tình trạng “ảo” không nhiều lắm vì học sinh đã biết lượng sức ngay từ đầu.
Thông thường trong các kỳ tuyển sinh hàng năm, vẫn có sự chênh lệch lớn giữa lượng TS ĐKDT và số TS trực tiếp đến dự thi do nhiều nguyên nhân như trượt tốt nghiệp THPT và do thí sinh nộp hồ sơ vào nhiều trường nhiều ngành rồi bỏ không đến dự thi.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()