Tuyên Quang, từ Thủ đô Khu Giải phóng đến Thủ đô kháng chiến
Nhân kỷ niệm 60 năm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, từ số báo ra hôm nay, Báo Nhân Dân mở chuyên mục "Kỷ niệm 60 năm Đại hội II của Đảng (11 đến 19-2-1951)" nhằm giới thiệu những tư liệu, bài viết khẳng định tầm vóc lịch sử Đại hội II của Đảng; về Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến và quê hương cách mạng Tuyên Quang trong sự nghiệp đổi mới. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.Thủ đô khu giải phóngNgay từ khi ra đời Đảng đã chỉ rõ, để giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc con đường tất yếu là phải dùng cách mạng bạo lực. Do đó xây dựng căn cứ địa và lực lượng vũ trang là vấn đề chiến lược, nhân tố không thể thiếu để đi đến thắng lợi cuối cùng.Căn cứ địa trước hết được xây dựng bởi lực lượng chính trị gồm cơ sở Đảng, cơ sở quần chúng, giác ngộ, tập hợp đông đảo quần chúng tham gia cách mạng. Từ đó tạo ra địa bàn an toàn làm chỗ đứng chân của lực lượng cách mạng. Khi...
Thủ đô khu giải phóng
Ngay từ khi ra đời Đảng đã chỉ rõ, để giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc con đường tất yếu là phải dùng cách mạng bạo lực. Do đó xây dựng căn cứ địa và lực lượng vũ trang là vấn đề chiến lược, nhân tố không thể thiếu để đi đến thắng lợi cuối cùng.
Căn cứ địa trước hết được xây dựng bởi lực lượng chính trị gồm cơ sở Đảng, cơ sở quần chúng, giác ngộ, tập hợp đông đảo quần chúng tham gia cách mạng. Từ đó tạo ra địa bàn an toàn làm chỗ đứng chân của lực lượng cách mạng. Khi thời cơ chín muồi tiến hành khởi nghĩa từng bộ phận, tiến lên tổng khởi nghĩa.
Nhận rõ vai trò quan trọng của nông dân, nông thôn trong đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng xác định nông dân là quân chủ lực; nông thôn là chỗ dựa, là bàn đạp của cách mạng. Trong đó, nông thôn miền núi, nơi có nhiều thuận lợi là địa bàn xây dựng căn cứ địa.
Tân Trào hội đủ những điều kiện yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để trở thành Thủ đô Khu Giải phóng.
Thực hiện chỉ thị của đồng chí Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp và lãnh đạo Phân khu ủy Nguyễn Huệ đã chọn Tân Trào.
Ngày 21-5-1945, đồng chí Hồ Chí Minh về Tân Trào, từ đây trung tâm cách mạng được chuyển về Tuyên Quang.
Đồng chí Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng lãnh đạo gấp rút chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa. Người giao đồng chí Võ Nguyên Giáp dự thảo nghị quyết thành lập Khu Giải phóng và triệu tập hội nghị cán bộ toàn khu để thống nhất lãnh đạo và triển khai công tác.
Ngày 4-6-1945, Tổng bộ Việt Minh tuyên bố chính thức thành lập Khu Giải phóng, lấy Tân Trào làm thủ đô. Khu Giải phóng đặt dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Chỉ huy lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh đứng đầu, đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Ủy viên Thường trực, đồng thời chỉ huy về quân sự. Thành lập hệ thống Ủy ban từ cấp xã đến khu đặt dưới sự chỉ đạo của Ủy ban lâm thời Khu. Ủy ban Quân sự thống nhất chỉ huy cuộc chiến đấu chống Nhật, tiễu phỉ trừ gian, bảo vệ trật tự an ninh, tiếp tục lãnh đạo quần chúng ở những nơi địch còn kiểm soát đứng lên giành chính quyền, mở rộng Khu Giải phóng.
Tháng 7-1945, thống nhất các lực lượng vũ trang lấy tên là Quân Giải phóng; mở Trường Quân chính kháng Nhật đào tạo cán bộ chỉ huy quân đội và các lớp huấn luyện quân sự cấp tốc để ngay sau đó tỏa về các địa phương trực tiếp chỉ huy khởi nghĩa vũ trang.
Sau khi đạo binh Quan Đông bị Hồng quân Liên Xô đập tan, ngày 15-8, Nhật đầu hàng vô điều kiện. Thời cơ có một không hai đã đến. Trong các ngày 13 đến 15-8, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, hội nghị quyết định phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Hội nghị có tính chất như một Đại hội: Ra nghị quyết về nhiệm vụ cách mạng.
Ngày 13-8-1945, từ trung tâm Tân Trào lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền truyền đi, cả nước đứng lên.
Ngày 16, 17-8-1945, Quốc dân Đại hội họp tại đình Tân Trào gồm đại biểu đến từ khắp mọi miền đất nước, đại biểu các đảng phái chính trị, các đoàn thể nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, nhân sĩ trí thức. Đại hội quyết định toàn dân đứng lên võ trang khởi nghĩa giành chính quyền, bầu ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng do nhà cách mạng Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, trong đó nội dung quan trọng nhất là giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập.
Quốc dân Đại hội là tiền thân của Quốc hội. Ủy ban Dân tộc Giải phóng là tiền thân của Chính phủ. Tân Trào là nơi khai sinh Nhà nước Việt Nam mới – Nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông-Nam Á.
Thủ đô Khu Giải phóng đóng vai trò hết sức to lớn vào thành công của cách mạng Tháng Tám, là trung tâm chỉ đạo tổng khởi nghĩa và giành chính quyền trên phạm vi toàn quốc.
Thủ đô Kháng chiến
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo về cuộc kháng chiến. Trong buổi gặp mặt cán bộ trước khi rời Tân Trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lời của Lê-nin: Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền càng khó hơn. Một số cán bộ được cử ở lại Tân Trào tiếp tục củng cố Khu Giải phóng.
Trước hành động xâm lược ngày càng trắng trợn của thực dân Pháp, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh một mặt chủ trương kiên trì đàm phán, kể cả nhân nhượng để đi đến hòa bình; một mặt chỉ thị khẩn trương xây dựng An toàn khu.
Tháng 10-1946, vừa ở Pháp trở về, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng lên Tuyên Quang chuẩn bị địa điểm xây dựng căn cứ địa. Tháng 11-1946, Trung ương quyết định thành lập Đội công tác đặc biệt do đồng chí Trần Đăng Ninh chỉ đạo. Trong thành phần của đội có đại diện các ngành quân sự, an ninh, chính quyền, đoàn thể lo việc nghiên cứu, di chuyển và chọn địa điểm cho các cơ quan.
Giữa tháng 12, sau một thời gian khảo sát thực địa, đội công tác đã chọn những địa điểm thuộc ba huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa làm nơi xây dựng An toàn khu của Trung ương, gọi tắt là ATK.
Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng suốt đề ra đường lối kháng chiến trường kỳ, kháng chiến toàn dân toàn diện, tiến hành phương thức chiến tranh nhân dân, đánh giặc trên mọi mặt trận.
Để trường kỳ kháng chiến phải xây dựng những khu căn cứ vững chắc, bảo tồn và phát triển lực lượng. Nhiều căn cứ được xây dựng khắp Trung, Nam, Bắc nhưng ATK là căn cứ đặc biệt. Vì đó là bản doanh của Bộ chỉ huy tối cao. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề ra những quyết sách cụ thể trong từng giai đoạn kháng chiến. Một trong những quyết sách hết sức kịp thời là chủ động 'thiên đô', chuyển cơ quan đầu não và bộ máy nhà nước, cùng toàn bộ tiềm lực kinh tế quốc phòng và các đơn vị chủ lực lên An toàn khu. Cuộc tổng di chuyển trước hết đã bảo toàn cơ quan đầu não và chủ lực để từ đó lãnh đạo và tiến hành cuộc kháng chiến trên phạm vi toàn quốc.
Trung ương Đảng và Bác đã nghiên cứu thấy Tuyên Quang đủ điều kiện để trở thành Thủ đô kháng chiến.
Mục đích thiết lập Thủ đô kháng chiến là bảo đảm lãnh đạo tiến hành kháng chiến thuận lợi. Thủ đô kháng chiến không quy định ranh giới hành chính một cách rõ ràng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đề ra nguyên tắc chọn địa điểm làm việc trong mấy vần thơ:
Trên có núi, dưới có sông/Có đất ta trồng, có bãi ta vui/Tiện đường sang bộ Tổng/Thuận lối tới Trung ương/Gần dân không gần đường.
Để bảo đảm an toàn, nguyên tắc bí mật luôn được đề cao, trong Thủ đô kháng chiến, tất cả các cơ quan, đơn vị đều không đặt trụ sở ở một địa điểm cố định.
Bộ Chính trị, Hội đồng Quốc phòng, Hội đồng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, các ban Đảng, Ủy ban Thường trực Quốc hội, Trung ương Mặt trận, Trung ương các đoàn thể, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, 16 bộ, cơ quan ngang bộ, các đơn vị sản xuất, nghiên cứu, sự nghiệp quốc phòng – an ninh, kinh tế tài chính, y tế, giáo dục, báo chí, văn học-nghệ thuật tất thảy đều chuyển qua nhiều địa điểm, có cơ quan tới sáu lần. Mỗi cơ quan, đơn vị ở từng địa điểm thời gian dài ngắn tùy thuộc vào tình hình cụ thể, nhiều cơ quan suốt thời gian kháng chiến chỉ đóng ở Tuyên Quang.
Tân Trào, Kiên Đài, Kim Bình, Kim Quan là bốn nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cơ quan Đảng, Thường trực Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận làm việc tại cùng một địa điểm.
Mọi đường lối, chủ trương, chính sách về kinh tế tài chính, quốc phòng, an ninh, nội chính, ngoại giao, giáo dục, y tế, văn hóa xây dựng hậu phương vững mạnh, hầu hết các chiến dịch được hoạch định từ Thủ đô kháng chiến.
Đảng bộ, quân, dân Tuyên Quang ý thức sâu sắc về trách nhiệm và vinh dự của mình đã đề cao bảo mật phòng gian, giúp đỡ các cơ quan, đồng bào tản cư, triệt để tiêu thổ kháng chiến, đóng góp tối đa, nhân tài, vật lực, phối hợp với bộ đội chủ lực chiến đấu góp phần đập tan các cuộc tấn công của địch bảo vệ an toàn Thủ đô kháng chiến.
Tuyên Quang hoàn thành xuất sắc vị trí Thủ đô kháng chiến trong cuộc kháng chiến anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược.
Theo Nhandan
Ý kiến ()