Tuyên Quang sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường quốc doanh
Tỉnh Tuyên Quang sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh đã hoàn thành sắp xếp đổi mới các nông, lâm trường quốc doanh thuộc tỉnh quản lý.
* Quảng Ngãi phát triển mạng lưới y tế cơ sở
Tỉnh Tuyên Quang sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh đã hoàn thành sắp xếp đổi mới các nông, lâm trường quốc doanh thuộc tỉnh quản lý.
Tỉnh đã xây dựng đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giao cho Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp của tỉnh và các cơ quan chức năng xây dựng đề án sắp xếp, đổi mới của từng lâm trường. Tỉnh đã chuyển năm lâm trường: Chiêm Hóa, Yên Sơn, Sơn Dương, Tuyên Bình, Nguyễn Văn Trỗi thành công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp; chuyển Lâm trường Na Hang thành Ban quản lý rừng phòng hộ Na Hang; và thực hiện cổ phần hóa ba công ty chè: Mỹ Lâm, Sông Lô, Tân Trào. Hiện các nông, lâm trường quốc doanh sau sắp xếp, đổi mới đang quản lý diện tích đất gần 77 nghìn ha; trong đó, diện tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 53.700 ha. Các nông, lâm trường sau khi sắp xếp, đổi mới đã chủ động tổ chức bộ máy, hạch toán sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động; đồng thời phát huy tốt việc huy động nguồn vốn của cán bộ trong nông, lâm trường và trong dân. Nhiều đơn vị làm ăn thua lỗ nay đã có lãi và khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Ðể tiếp tục phát huy hiệu quả của các nông, lâm trường quốc doanh sau đổi mới, sắp xếp, tỉnh Tuyên Quang đang chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương đẩy nhanh việc lập hồ sơ, đo đạc địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nông, lâm trường; bàn giao lại diện tích của các nông, lâm trường không có nhu cầu sử dụng cho địa phương quản lý và cắm mốc ranh giới cho thuê đất ngoài thực địa; khuyến khích các công ty tăng cường đổi mới công nghệ, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa.
Tỉnh ủy Quảng Ngãi sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 06-CT/T.Ư của Ban Bí thư về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở đã xây dựng được 18 cơ sở y tế tuyến huyện. Mạng lưới y tế xã không ngừng được mở rộng, nâng cấp. Từ chỗ chưa có xã đạt chuẩn tiêu chí quốc gia về y tế, đến nay tỉnh đã có 104 xã trong số 184 xã đạt chuẩn (chiếm tỷ lệ 56,5%). Ngành y tế quan tâm tăng cường cán bộ cho mạng lưới y tế cơ sở. Từ năm 2002 đến nay nhiều y, bác sĩ được bổ sung về tuyến huyện, xã bảo đảm công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Nguồn nhân lực y tế đã tăng lên 3.687 người (trong đó có 573 bác sĩ, 40 dược sĩ đại học). Tuyến dưới có 152 trong số 181 xã có bác sĩ, đạt tỷ lệ 83,5%. Sáu huyện miền núi có 54/67 xã có bác sĩ. 100% số xã, phường, thị trấn có bác sĩ khám, chữa bệnh và bảo đảm số lượng y sĩ sản nhi và nữ hộ sinh. Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 06, Quảng Ngãi đã đạt tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng và uống vitamin A tăng lên 97%. Tỷ lệ trẻ em dưới một tuổi tử vong giảm còn 0,13%, trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn 17,6%, tỷ lệ phụ nữ mang thai được khám đủ ba lần trở lên tăng lên 95%. Số lượt khám, chữa bệnh tuyến huyện và xã tăng từ 951 nghìn 836 lượt người lên 2 triệu 217 nghìn 263 lượt người năm 2012. Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành y tế vẫn còn những hạn chế nhất định. Hiện cơ sở vật chất sáu huyện miền núi trong tỉnh còn yếu kém. Nhiều trạm y tế xã, phường, thị trấn xuống cấp, chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Một trong những vấn đề bức xúc là tình trạng các trạm y tế không có lò đốt chất thải đúng quy định. Tất cả các chất thải y tế đều đốt theo phương pháp thủ công hoặc đem chôn, không bảo đảm vệ sinh môi trường.
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()