Tuyên Quang phổ cập giáo dục mầm non đúng độ tuổi
Với việc huy động cả cộng đồng chung tay, góp sức và các biện pháp phù hợp, tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành các tiêu chí và được công nhận phổ cập giáo dục mầm non đúng độ tuổi, về sớm trước kế hoạch hai năm. Những câu chuyện ghi được ở đây về trách nhiệm của cộng đồng với con trẻ khiến chúng tôi không khỏi xúc động.
Những tấm lòng vì con trẻ
Huyện Lâm Bình là nơi khó khăn nhất của tỉnh Tuyên Quang. Ðây là huyện mới được thành lập và toàn bộ các xã đều thuộc diện đặc biệt khó khăn với tỷ lệ nghèo tới 61,26%. Nghèo về tiền của nhưng người dân không ngần ngại khi tham gia đóng góp vào các công tác xã hội, nhất là đối với việc đầu tư cho phát triển giáo dục, mà như cách nói của Bí thư Huyện ủy Nguyễn Mạnh Tuấn thì đó là đầu tư cho tương lai, đó chính là lối thoát nghèo vững chắc nhất. Khi triển khai công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi, huyện Lâm Bình đã tiến hành sắp xếp lại hệ thống trường học mầm non, lớp mẫu giáo, giảm số điểm trường có ít học sinh để tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất. Ðẩy mạnh việc tuyên truyền vận động đưa trẻ mẫu giáo tới trường, nhất là các cháu năm tuổi. Ðến nay, tất cả các lớp học mầm non trên địa bàn đều đã được xây dựng và huy động được 100% số trẻ năm tuổi tới lớp học hai buổi/ngày.
Phúc Yên là xã có số hộ nghèo nhiều nhất huyện và cả của tỉnh với tỷ lệ 76% (năm 2010 là 99,5%). Thôn Khau Cau lại là thôn xa và nghèo nhất của xã nhưng đây lại là thôn hoàn thành sớm nhất việc xây dựng lớp học mầm non của huyện. Trưởng thôn Ðặng Toàn Liền cho biết, Khau Cau được tỉnh hỗ trợ 200 triệu đồng để làm phòng học cho điểm trường mầm non (đây cũng là chủ trương chung của tỉnh hỗ trợ cho các điểm trường phải làm mới). Tuy nhiên, để làm được một phòng học ở đây phải cần tới gấp hai lần số tiền đó. Mang chuyện này ra họp thôn, bà con thống nhất cao là dành số tiền này để mua vật liệu, còn công lao động và những vật liệu khác có ở địa phương thì chia nhau cùng đóng góp. Ngày khởi công xây dựng lớp học trở thành ngày hội của thôn, chẳng gia đình nào vắng mặt. Người góp cây xà, người tấm ván làm cửa, ai có tay nghề mộc thì sàm đục, không thì phụ đánh vữa, kè đá, vận chuyển vật liệu… Sau hơn hai tháng, lớp học đã hoàn thành, cô và trò có chỗ dạy, học tử tế, bà con cũng yên tâm để chăm lo sản xuất. Nhìn lớp học khang trang đủ sân chơi, khu bếp và rộn tiếng trẻ thơ giữa chốn rừng già, đã thấy một phong trào học tập ở đây.
Thượng Giáp là xã nằm ở độ cao gần 1.000 m so với mực nước biển, đây là xã cao nhất của huyện vùng cao Na Hang. Toàn xã hiện có 71% số gia đình thuộc diện nghèo và cận nghèo. Nhưng câu chuyện thầy giáo nghèo Nguyễn Văn Phong hiến đất ruộng để xây lớp học mầm non ở Bản Cưởm vẫn đang được người dân truyền cho nhau như nhắc nhở cùng làm thêm nhiều việc tốt cho con, cháu. Bản Cưởm nghèo lắm, nhà anh Phong cũng nghèo, lại đông con (anh Phong có tới bốn người con) nên điều kiện sinh hoạt của gia đình hết sức khó khăn. Chủ tịch UBND xã Thượng Giáp Trương Chòi Phin cho biết, năm 2012, triển khai chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi trên địa bàn, xã nhiều lần cử cán bộ đi khảo sát, tìm đất để xây dựng điểm trường mầm non ở thôn Bản Cưởm nhưng không được, do quỹ đất dự phòng không có. Do vậy, việc gia đình anh Phong tự nguyện hiến 350 m2 ruộng để xây điểm trường là nghĩa cử cao đẹp đối với sự nghiệp “trồng người”. Ðây cũng là trường hợp đầu tiên của xã hiến đất xây trường học. Theo gương anh Phong, nhiều hộ trong xã cũng đã bớt một phần đất ruộng, vườn của gia đình để xây dựng, mở rộng khuôn viên trường, lớp học.
Ðến xã Bình Xa, huyện Hàm Yên, câu chuyện chung sức chăm lo cho con trẻ không chỉ dừng ở việc đóng góp công sức tiền của của nhân dân, doanh nghiệp để xây dựng trường lớp mà còn chăm lo tới từng bữa ăn cho các cháu. Ở đây, cứ mỗi buổi trưa, các mẹ, các chị lại thay phiên nhau nấu cơm đưa đến các điểm trường để con, cháu mình có bữa ăn nóng sốt, bảo đảm dinh dưỡng. Nay đã trở thành phong trào Gánh cơm nuôi trẻ, vừa tiết kiệm chi tiêu nhưng hơn nữa mang đầy tình thương và trách nhiệm.
Xã hội hóa giáo dục, khơi nguồn lực trong dân
Chỉ thị số 10-CT/TW của Bộ Chính trị về Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi đã tạo thêm sự khích lệ, thúc đẩy cấp ủy, chính quyền tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác này. Thực hiện Chỉ thị, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành nghị quyết chuyên đề và xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Trong đó, đề ra nhiệm vụ duy trì, củng cố và phát triển hệ thống cơ sở giáo dục mầm non, bảo đảm tất cả các xã, phường, thị trấn đều có ít nhất một trường mầm non, huy động hơn 99% số trẻ năm tuổi học mẫu giáo. Tuy nhiên, là tỉnh nghèo, thu ngân sách ít đây là điểm khó không chỉ của riêng Tuyên Quang mà của cả các tỉnh miền núi. Chính vì vậy, trong nghị quyết, cũng như kế hoạch tổ chức thực hiện tỉnh đã tập trung chỉ đạo tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục để thu hút, khơi nguồn lực nhân dân góp sức, chung lòng cho thế hệ tương lai.
Tỉnh đã tập trung thực hiện lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm đồ dùng học tập, đồ chơi, thiết bị tối thiểu cho các lớp học mầm non. Tính đến tháng 5-2013, có 91 hộ gia đình trên địa bàn tự nguyện hiến gần 32.000 m2 đất để xây trường lớp và các công trình phụ trợ. Nhiều huyện thực hiện tốt việc này như là huyện Yên Sơn, Hàm Yên, Na Hang… Hội Phụ nữ cơ sở tình nguyện đảm nhiệm duy trì được 302 mô hình Gánh cơm nuôi trẻ, bảo đảm bữa ăn trưa và bữa phụ buổi chiều cho 6.282 cháu; tổ chức Ðoàn Thanh niên trong tỉnh đã tham gia 7.484 ngày công lao động và quyên góp ủng hộ hơn hai tỷ đồng để tu sửa, xây dựng trường lớp học, mua sắm đồ dùng học tập, tặng quần áo cho trẻ khó khăn. Các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhân dân cũng đã ủng hộ 36 tỷ đồng cho công tác phổ cập giáo dục mầm non năm tuổi…
Từ những nỗ lực đó, Tuyên Quang đã xây mới 351 phòng học, sửa chữa 169 phòng học, mua sắm trang cấp 743 bộ đồ dùng, đồ chơi thiết bị tối thiểu cho các lớp mầm non theo phương thức: tỉnh trang cấp 69 danh mục, nhà trường, giáo viên tự làm 47 danh mục, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ tám danh mục, nên tất cả các lớp học đều có đủ bộ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị tối thiểu theo quy định. Ở các trường thuộc thành phố, thị trấn còn được trang bị bộ đồ chơi, phần mềm trò chơi ứng dụng công nghệ thông tin để học sinh làm quen với máy vi tính.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Trần Thị Thủy cho biết, đến tháng 5-2013, toàn tỉnh đã có 147 trường mầm non với 825 lớp ở 141 xã, phường, thị trấn; trẻ năm tuổi đều được huy động tới trường và học hai buổi mỗi ngày. Tất cả các xã, phường, thị trấn của tỉnh đều đã đạt các tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi.
Ý kiến ()