Tuyên Quang phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Tỉnh đang tập trung thực hiện các giải pháp phát triển du lịch với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, thu hút 1 triệu lượt khách du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có gần 500 di tích lịch sử, tiêu biểu như lán Nà Nưa (Nà Lừa), Đình Tân Trào, Đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào…
Phát triển ngành du lịch được tỉnh Tuyên Quang chọn là một trong 4 lĩnh vực đột phá từ nay đến năm 2015.
Khu du lịch sinh thái Na Hang được ví như “nàng tiên xanh” giữa đại ngàn và đang là điểm đến lý tưởng của khách du lịch ưa thích khám phá.
Ông Lê Thanh Sơn, Trưởng Ban Quản lý Khu du lịch sinh thái Na Hang cho biết, các tour du lịch sinh thái trên lòng hồ được hình thành từ gần chục năm trở lại đây. Đi du thuyền trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang trong 6 giờ, với chiều dài khoảng 70km, du khách sẽ được đắm mình với thiên nhiên mênh mông sông nước, trùng điệp núi rừng, được nghe những câu chuyện kể về sự tích gắn với từng địa danh.
Trên đường đi vãn cảnh lòng hồ, du khách còn được ghé thăm thác Pắc Ban (thác Mơ) kỳ ảo, khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ-Bản Bung với hàng nghìn loài thực vật, động vật quý hiếm; trong đó, có loài voọc mũi hếch được ghi trong sách đỏ thế giới.
Du khách cũng được ghé thăm thác Khuẩy Súng, Khuẩy Nhi, Khuẩy Me, Tin Tát, thăm hang Phia Vài (nơi phát hiện ra hai di tích mộ táng và một di tích bếp lửa thuộc thời đồ đá trên dưới 10.000 năm) và hang Thẩm Choóng (thuộc bản Không Mây, xã Năng Khả, huyện Na Hang) – nơi cư trú của người nguyên thủy sống ở giai đoạn sơ kỳ đá mới, có niên đại cách ngày nay khoảng 7.000-8.000 năm…
Nhằm phát huy tiềm năng du lịch của khu du lịch sinh thái Na Hang, tỉnh Tuyên Quang đã ký hợp đồng với Viện Quy hoạch Miền Tây (Trung Quốc) lập bản đồ quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết Khu du lịch sinh thái Na Hang.
Phạm vi quy hoạch rộng 15.000ha, trong đó diện tích lòng hồ là 8.000ha; bao gồm các phân khu chức năng như khu đón khách du lịch tại thị trấn; khu lâm viên Phiêng Bung; khu lâm thủy Cọc Vài; khu thể thao, khu ngắm cảnh trên nước; khu thủy trại Đà Vị và các điểm khu làng du lịch văn hóa.
Các hệ thống sân golf, hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, đường cáp treo, trường đua ngựa, khu vui chơi giải trí…
Từ đầu năm đến nay, Tuyên Quang đã thu hút trên 700.000 lượt khách du lịch; nâng tổng doanh thu du lịch từ năm 2011 đến nay đạt trên 2.500 tỷ đồng.
Trong những năm qua, để thúc đẩy phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Tuyên Quang tập trung thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, khu du lịch sinh thái Na Hang; lập hồ sơ công viên địa chất quốc gia Na Hang, Lâm Bình; tổ chức các lễ hội truyền thống như Lễ hội Thành Tuyên, lễ hội Lồng tông…
Tỉnh cũng ký biên bản thỏa thuận và ban hành quy chế hoạt động của cụm hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thủ đô Hà Nội và Châu Vân Sơn (Vân Nam – Trung Quốc), tỉnh Xiêng Khoảng (Lào).
Tuy nhiên, sự liên kết này mới ở mức độ phối hợp bề nổi, chưa có chiều sâu, chưa thu hút được các doanh nghiệp và các tổ chức, cơ quan khác liên kết khai thác sản phẩm du lịch; chưa thu hút được các nhà đầu tư kinh doanh phát triển du lịch.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chia sẻ du lịch Tuyên Quang đang trên đà phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Để khai thác du lịch Tuyên Quang một cách hiệu quả, cần có những bước đi cụ thể.
Trước hết, Tuyên Quang cần xây dựng các sản phẩm du lịch thế mạnh như du lịch lịch sử, du lịch sinh thái; cần có định hướng thị trường du lịch nên tập trung ở đâu, thị trường nào hiệu quả nhất. Điều quan trọng nữa là xây dựng được liên kết với các tỉnh, thành để khai thác các sản phẩm du lịch.
Ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang cho biết những năm tới, tỉnh tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển du lịch, đặc biệt là hạ tầng giao thông; xây dựng sản phẩm du lịch của địa phương, trong đó xác định sản phẩm độc đáo, riêng biệt. Đồng thời, xây dựng, khôi phục các làng văn hóa truyền thống gắn với du lịch cộng đồng như làng văn hóa-du lịch Tân Trào (huyện Sơn Dương), Nà Tông (huyện Lâm Bình), Giếng Tanh (huyện Yên Sơn), làng văn hóa-du lịch Dao Tiền, xã Minh Hương (huyện Hàm Yên)…; ban hành quy định cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển du lịch nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng của các tổ chức cá nhân, có đủ năng lực về tài chính, uy tín trong kinh doanh.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang cũng giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh nghiên cứu học tập kinh nghiệm các tỉnh về thực hiện xã hội hóa phát triển du lịch; kinh nghiệm xây dựng và sử dụng quỹ phát triển du lịch; xây dựng chương trình hành động, xác định hướng phát triển cho du lịch Tuyên Quang trong những năm tới.
Ý kiến ()