Tuyên Quang: Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Tuyên Quang là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, truyền thống văn hóa, có tiềm năng du lịch đa dạng phong phú, hấp dẫn, đáp ứng được nhiều loại hình du lịch: Du lịch lịch sử, du lịch lịch sử văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh… Mảnh đất của 22 dân tộc anh em cùng sinh sống với những nét văn hóa độc đáo, những giá trị tâm linh bền vững đã và đang tạo ra những tiềm năng lớn để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Kết quả bước đầu
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Nghị quyết số 03, ngày 12-6-2006 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2006 – 2010, các ngành dịch vụ, du lịch đã tập trung khai thác nguồn tài nguyên, phát huy lợi thế của tỉnh, bám sát mục tiêu Nghị quyết để phát triển đúng định hướng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Từ xuất phát điểm thấp, du lịch Tuyên Quang đã đặt được nền tảng quan trọng cho bước phát triển mới, có chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng. Là ngành kinh tế tổng hợp, liên ngành, liên vùng và xã hội hoá cao, du lịch có vai trò thúc đẩy các ngành kinh tế – xã hội phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tạo thêm môi trường đầu tư cho các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh. Hàng năm, lượng khách du lịch đến Tuyên Quang tăng bình quân trên 10%. Năm 2010, đón 530.000 lượt khách, trong đó 9.900 lượt khách quốc tế, thu nhập xã hội từ du lịch đạt 500 tỷ đồng; lao động trong các cơ sở dịch vụ du lịch khoảng 6.000 người (có trên 2.000 lao động trực tiếp). Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh được triển khai đồng bộ, 3 khu, 7 điểm du lịch đã được quy hoạch tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai dự án đầu tư vào lĩnh vực này.
Năm 2007, UBND tỉnh ban hành Quy định chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư đã tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư vào du lịch của tỉnh. Đến nay, số vốn đầu tư từ các nguồn lực lên tới hàng nghìn tỷ đồng, trong đó Chính phủ hỗ trợ gần 60 tỷ đồng từ nguồn Chương trình hành động quốc gia về du lịch cho các khu du lịch trọng điểm; các bộ, ngành trung ương đầu tư xây dựng nhiều điểm di tích trong vùng ATK – Tân Trào, Kim Bình, khu căn cứ cách mạng, hỗ trợ xây dựng các công trình đường nông thôn, nhà văn hoá cộng đồng. Đã có trên 20 dự án đề nghị đầu tư vào các khu du lịch; các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng được 129 cơ sở lưu trú có chất lượng (có 5 khách sạn 2 sao, 24 khách sạn 1 sao); nhiều nhà hàng, khu ẩm thực và dịch vụ du lịch khác (lữ hành du lịch, dịch vụ vận chuyển khách, tắm nước khoáng nóng…) cũng được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng lượng khách đến ngày càng tăng. Du lịch phát triển còn kéo theo một số dịch vụ khác phát triển như viễn thông, vận tải v.v…
Các khu, điểm du lịch, các tua, tuyến du lịch của tỉnh đã hình thành rõ nét. Các khu du lịch Tân Trào, Mỹ Lâm, Nà Hang, các điểm thác Bản Ba, thác Hợp Hoà, Động Tiên, các đền chùa ngày càng hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Tuyến du lịch kết nối các khu du lịch với các tỉnh, thành cả nước; nhiều đơn vị lữ hành nội địa và quốc tế uy tín như Hanoitourium, Saigontouritm, Vietnamtour… đã chú ý khai thác thị trường Tuyên Quang. Sự đa dạng trong sinh hoạt và văn hoá của các dân tộc với những lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm và các sự kiện văn hoá, du lịch được các địa phương và tỉnh tổ chức như: Lễ hội Lồng tông, Cầu mùa, lễ hội Chùa Hang, đình Giếng Tanh, đền Hạ, đình Thọ Vực, Động Tiên, các Hội đua thuyền sông Lô, Lễ hội đường phố (rằm trung thu), Tuần văn hoá – du lịch… là những sản phẩm du lịch rất tươi mới, đậm bản sắc Tuyên Quang đang hấp dẫn khách nội địa, quốc tế. Cùng với tiềm năng du lịch, tỉnh liên tục quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức, đặc biệt tổ chức liên kết du lịch “Qua những miền di sản” 4 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, tiến tới liên kết du lịch các tỉnh miền núi phía Bắc, đã được du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Cần có sự đột phá
Sự nỗ lực của các cấp, ngành, sự hưởng ứng của các thành phần kinh tế đã và đang đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Song, du lịch Tuyên Quang vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Ông Vũ Văn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, nhận thức của người dân về du lịch chưa đầy đủ, việc thu hút và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư vào du lịch còn hạn chế; cơ sở vật chất – kỹ thuật du lịch quy mô nhỏ, manh mún, lao động trong ngành du lịch thiếu về số lượng, yếu về nghiệp vụ; hoạt động quảng bá điểm đến còn hạn chế, sản phẩm du lịch, hàng lưu niệm, đặc sản còn đơn giản, nghèo nàn, chưa xây dựng được thương hiệu, chưa biết tiếp thị với du khách. Người dân ở khu du lịch chưa biết làm du lịch để tăng thu nhập, các khu du lịch trọng điểm vắng bóng những nhà đầu tư có năng lực tài chính, uy tín, kinh nghiệm kinh doanh du lịch, thiếu những điểm vui chơi giải trí cao cấp, những dịch vụ chất lượng cao… Từ những hạn chế đó, Tuyên Quang chưa thu hút được nhiều đoàn khách lớn, khách quốc tế, khách có chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, chưa là điểm đến không thể thiếu trong tua, tuyến du lịch. Hạ tầng cơ sở vật chất – kỹ thuật ở các khu du lịch còn thiếu, giao thông trong tỉnh và nội bộ các khu, điểm còn hạn chế, hệ thống dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu tham quan, giải trí của du khách. Theo ông Vũ Văn, chúng ta chưa tạo được điểm nhấn, sự đột phá trong phát triển du lịch, đó là hình thành một khu du lịch là điểm đến, lưu trú của du khách, để từ đó du khách tỏa đi các khu, điểm du lịch trong tỉnh. Đây cũng là vấn đề đặt ra đối với các cấp và ngành du lịch Tuyên Quang.
Cùng với tạo điểm nhấn thì du lịch Tuyên Quang cần tập trung vào giải quyết ba vấn đề trọng tâm: Một là, thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất – kỹ thuật du lịch. Hai là, quan tâm phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, tạo nhiều loại sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với thương hiệu du lịch của tỉnh. Ba là, liên kết các loại hình du lịch (du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái…), đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, vận động nhân dân hưởng ứng hoạt động du lịch; tích cực bảo vệ môi trường sinh thái, di tích văn hoá – lịch sử, danh lam thắng cảnh; xây dựng nếp sống văn minh, bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Sử dụng hiệu quả, hợp lý nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ trong Chương trình hành động quốc gia về du lịch; tranh thủ các nguồn vốn của các bộ, ngành Trung ương, nguồn ngân sách của tỉnh, nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh, đặc biệt ưu tiên các dự án lớn, có tính khả thi, đầu tư có trọng điểm cho các khu du lịch lớn. Xây dựng cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư riêng cho du lịch, tạo cơ chế thông thoáng, hấp dẫn, an toàn, lâu dài, nhanh được hưởng lợi cho các nhà đầu tư, nhất là các dự án đầu tư vào các khu du lịch trọng điểm, có khả năng thu hút khách du lịch cao, như Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, Khu du lịch sinh thái Nà Hang.
Để phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các cấp ủy Đảng và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang nỗ lực từng ngày giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa, tinh thần; bảo vệ tài nguyên, sinh thái; xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, giao thông… phấn đấu để du lịch thực sự là một trong những khâu đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, góp phần đưa tỉnh Tuyên Quang nhanh chóng ra khỏi tình trạng kém phát triển.
Ý kiến ()