Tuyên Quang hướng tới mục tiêu hình mẫu về phát triển lâm nghiệp
Dây chuyền sản xuất giấy cao cấp của Công ty cổ phần Giấy và bột giấy An Hòa.
Tỉnh Tuyên Quang có tổng diện tích đất lâm nghiệp 448.579,61 ha, chiếm 76,4% diện tích tự nhiên (rừng đặc dụng: 46.934,41 ha, chiếm 10,5%; rừng phòng hộ 121.627,06 ha, chiếm 27,1%; rừng sản xuất 280.018,14 ha, chiếm 62,4%). Diện tích rừng hiện có là 422.472 ha, trong đó có 189.000 ha rừng trồng. Phát huy lợi thế, tiềm năng về phát triển kinh tế lâm nghiệp của địa phương, những năm qua, tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế lâm nghiệp; đầu tư nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng; tích cực chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất lâm nghiệp; quy hoạch vùng nguyên liệu, phát triển hợp tác, liên kết trồng rừng sản xuất nguyên liệu; luôn duy trì ổn định tỷ lệ che phủ của rừng của tỉnh ở mức 60%; thực hiện cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC và tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế lâm nghiệp… Hiện tại, toàn tỉnh có chín nhà máy chế biến lớn và 382 cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản nhỏ lẻ nhu cầu nguyên liệu khoảng 2.250.000 m3/năm. Do đó, kinh tế lâm nghiệp của tỉnh đã từng bước phát triển, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp năm 2019 đạt hơn 1.123 tỷ đồng, tăng 6,6 % so với năm 2018, bình quân giai đoạn 2013 – 2018 tăng 7,4%/năm. Tuy nhiên, kinh tế lâm nghiệp của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, năng suất rừng trồng trên địa bàn tỉnh vẫn còn thấp (đạt khoảng 80 m 3/ha/chu kỳ 7 năm), giá trị gỗ nguyên liệu chưa cao, việc cung ứng cây giống chất lượng cao chưa chủ động, phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng chưa được đầu tư; việc khai thác phát triển các loại hình du lịch sinh thái,… gắn với bảo tồn, bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có còn hạn chế.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo kết luận số 150/TB-VPCP ngày 21-3-2017 của Văn phòng Chính phủ phấn đấu đưa tỉnh Tuyên Quang “là hình mẫu về phát triển lâm nghiệp của cả nước” tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng Dự án phát triển lâm nghiệp và Đề án nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả rừng trồng tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2016 – 2020, đồng thời xây dựng Đề án phát triển kinh tế lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 – 2030, định hướng đến năm 2035. Từ đó, thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch phân ba loại rừng (rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) gắn với điều chỉnh Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2011 – 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025; phê duyệt quy hoạch vùng cung cấp nguyên liệu cho năm nhà máy chế biến lớn trong tỉnh với diện tích hơn 200.000 ha; quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lâm nghiệp trên địa bàn các huyện, thành phố với sản phẩm chủ lực là gỗ rừng trồng (gỗ lớn và gỗ nguyên liệu) vùng cung cấp gỗ lớn 47.495 ha; vùng cung cấp nguyên liệu chế biến cho các nhà máy 211.631,0 ha. Quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp, nâng độ che phủ rừng năm 2019 đạt 65%. Năng suất rừng trồng sản xuất giai đoạn 2016 – 2020, tổng sản lượng gỗ khai thác ước đạt 4.180 nghìn mét khối, tốc độ tăng giá trị sản xuất giai đoạn đạt 6,5%; cấp chứng chỉ rừng được 30.366 ha, chiếm 13% tổng diện tích rừng sản xuất của tỉnh, tạo việc làm cho hơn 44 nghìn lao động tại địa phương. Xuất khẩu lâm sản, đồ gỗ năm 2018 đạt 8,29 triệu USD. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các thành phần kinh tế, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh được quan tâm chỉ đạo thực hiện đến nay, đã cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp được 185.303,0 ha, với 106.065 giấy CNQSDĐ. Đã có 25.366 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn của Hội đồng quản trị rừng FSC. Cơ bản hoàn thành sắp xếp, đổi mới các công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp thành công ty TNHH hai thành viên lâm nghiệp; cổ phần hóa một công ty TNHH một thành viên. Trong thời gian qua, tỉnh cũng đã thu hút được các nhà đầu tư lớn, đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh, hiện nay có chín nhà máy chế biến lâm sản đã và đang đầu tư, mở rộng, nâng cao công suất chế biến: Nhà máy giấy và bột giấy An Hòa công suất 1.300.000 m 3/năm; Nhà máy chế biến gỗ của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang 680.000 m 3/năm; Nhà máy sản xuất đũa tách của Công ty cổ phần Thương mại – Sản xuất – Xuất khẩu Phúc Lâm huyện Chiêm Hóa 10.000 m 3/năm; Nhà máy sản xuất đũa tre, giấy đế và bột giấy huyện Na Hang 25.000 m 3/năm; Nhà máy chế biến gỗ Chiêm Hóa 200.000 m 3/năm; Nhà máy ván ép nhân tạo MDF 120.000 m 3/năm; Nhà máy sản xuất đồ gỗ xuất khẩu 160.000 m 3/năm; Nhà máy chế biến gỗ của Công ty cổ phần gỗ Đông Dương 20.000 m 3/năm; Nhà máy sản xuất viên gỗ nén 12.000 m 3/năm.
Việc ứng dụng khoa học – công nghệ, nhất là công nghệ cao trong sản xuất lâm nghiệp và chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh ngày càng nhiều. Cơ cấu, tỷ lệ cây giống chất lượng cao được đưa vào sản xuất và trồng rừng ngày càng được nâng lên. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 17 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp đăng ký hoạt động hằng năm sản xuất được 19,3 triệu cây giống keo, lát, bạch đàn, mỡ… Thực hiện thí điểm phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn; thực hiện khảo nghiệm, tuyển chọn giống keo có chu kỳ ngắn, sinh khối lớn, kháng bệnh đáp ứng nhu cầu nguyên liệu gỗ trên địa bàn. Thường xuyên hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại gỗ và sản phẩm gỗ thông qua các hội chợ nông nghiệp và thương mại. Các sản phẩm (giấy, bột giấy, ván dán, ván sàn, đũa,…) của Nhà máy bột giấy và giấy An Hòa Tuyên Quang, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang,… đã xuất khẩu sang những thị trường lớn như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc),…
Tuy nhiên, việc phát huy giá trị đa dạng sinh học, bảo vệ rừng gắn với xây dựng và phát triển mô hình du lịch sinh thái trên diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ còn hạn chế, chưa được quan tâm thực hiện. Việc phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng phòng hộ, sản xuất chưa được quan tâm đầu tư, chưa có mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng hiệu quả. Tỷ lệ cây giống chất lượng cao đưa vào trồng rừng còn thấp, việc quản lý chất lượng cây giống có nơi chưa được quan tâm; áp dụng cơ giới hóa, thâm canh trong trồng rừng còn hạn chế; ứng dụng khoa học – kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất chưa được nhiều, dẫn đến năng suất, chất lượng, hiệu quả rừng trồng sản xuất còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Việc trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng gỗ nguyên liệu giấy sang kinh doanh gỗ lớn kết quả chưa cao, do khó khăn về vốn và tiếp cận vốn vay ưu đãi. Những tồn tại này là do cơ sở đủ năng lực cung ứng giống chất lượng cao cho người trồng rừng còn ít; người dân và doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư cho việc thuê tư vấn nước ngoài tổ chức thẩm định cấp chứng chỉ FSC; chưa có nguồn cung ứng giống cây dược liệu, thị trường tiêu thụ các sản phẩm cây dược liệu còn hạn chế, từ đó việc phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng chưa được quan tâm đầu tư. Chưa có chính sách đủ mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khai thác du lịch sinh thái và trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Công tác chỉ đạo có lúc, có nơi chưa quyết liệt về phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đầu tư cho lâm nghiệp còn thấp; chất lượng kết cấu hạ tầng và dịch vụ phục vụ lâm nghiệp chưa đáp ứng cho phát triển kinh tế lâm nghiệp; nghiên cứu, ứng dụng khoa học – kỹ thuật còn hạn chế.
Với mục tiêu quản lý, sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên rừng và phát huy giá trị của từng loại rừng; tăng giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng theo hướng thâm canh gỗ lớn; nâng cao giá trị, sản phẩm gỗ thông qua chế biến tinh, sâu; tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng liên kết gắn sản xuất, chế biến với tiêu thụ, nhằm phát triển bền vững, hiệu quả; phát triển kinh tế hợp tác, doanh nghiệp theo hướng quy mô lớn, sản xuất tập trung, thu hút các nguồn lực đầu tư; ứng dụng khoa học – công nghệ cao cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng, gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.
Tỉnh đã đề ra mục tiêu cho từng giai đoạn cụ thể, phấn đấu đến năm 2035 đưa giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp tăng bình quân hơn 6,5%/năm; chiếm hơn 13,5% trong cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; quản lý, sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp, duy trì độ che phủ rừng đạt hơn 60%; hơn 87% diện tích rừng trồng được trồng bằng giống cây lâm nghiệp chất lượng cao. Đưa năng suất rừng trồng kinh doanh gỗ lớn đạt 170 m 3/ha/chu kỳ hơn 10 năm. Cấp chứng chỉ quản lý rừng cho hơn 75% diện tích rừng trồng sản xuất hiện có toàn tỉnh. Mỗi năm trồng rừng tập trung 15.000 ha (trong đó có hơn 8.000 ha trồng rừng kinh doanh gỗ lớn); khai thác gỗ rừng trồng đạt hơn 2.500.000 m 3/năm. Phát triển du lịch sinh thái, du lịch cảnh quan, gắn với bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh – quốc phòng và trật tự an toàn xã hội trở thành mô hình mẫu và phát triển rộng rãi. Công nghiệp chế biến gỗ và thương mại lâm sản: Các doanh nghiệp chế biến gỗ nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm; áp dụng quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch tâm linh để khai thác có hiệu quả những lợi thế về tự nhiên vốn có, gắn phát triển du lịch, phát triển kinh tế – xã hội với bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng. Phát triển mạnh các mô hình kinh tế dưới tán rừng phòng hộ, đưa một số loài cây dược liệu có giá trị vào trồng dưới tán rừng tự nhiên, rừng trồng khép tán để nâng cao hiệu quả sử dụng rừng và tăng thu nhập cho người làm nghề rừng; xây dựng một số mô hình du lịch sinh thái gắn với bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường.
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Tuyên Quang tập trung tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền và phối hợp các tổ chức chính trị – xã hội thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách về bảo vệ và phát triển rừng; thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển du lịch sinh thái và trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Khuyến khích các thành phần kinh tế có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản lý tham gia phát triển lâm nghiệp theo chuỗi với nhiều hình thức tổ chức sản xuất đạt hiệu quả cao, trong đó: chú trọng phát triển hình thức sản xuất lâm nghiệp hộ gia đình, trang trại, cộng đồng dân cư nông thôn và trọng tâm là hợp tác xã, gắn với kế hoạch thực hiện phát triển các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng; có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến lâm sản, dự án sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp chất lượng cao; các dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng hóa công nghệ cao. Chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho phát triển lâm nghiệp; khai thác triệt để tiềm năng lao động tại chỗ trên địa bàn tại các địa phương tham gia vào phát triển kinh tế lâm nghiệp. Từ đó, tăng thu nhập trên mỗi diện tích rừng.
Đề án phát triển kinh tế lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 – 2030, định hướng đến năm 2035 được thực hiện sẽ khai thác có hiệu quả diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để phát triển du lịch sinh thái; trồng cây dược liệu dưới tán rừng để tăng năng suất và giá trị rừng trồng; tập trung phát triển mạnh kinh tế lâm nghiệp, trọng tâm là ứng dụng khoa học – kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất lâm nghiệp đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh đứng đầu cả nước về phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, đồng thời là trung tâm chế biến gỗ lớn và là hình mẫu về phát triển lâm nghiệp của cả nước.
Ý kiến ()