Tuyên Quang đưa sản phẩm gỗ rừng trồng ra thị trường thế giới
Phân xưởng sản xuất gỗ bán thành phẩm của Công ty CP Woodsland Tuyên Quang.
Trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế
Sau ba năm thực hiện, đến nay trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã có hơn 20 nghìn héc-ta rừng trồng được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững của Hội đồng Quản lý rừng thế giới (FSC). Có chứng chỉ của FSC, giá bán gỗ nguyên liệu cao hơn từ 15 đến 20%. Giá trị của rừng được nâng cao, đời sống người làm rừng khấm khá hơn, không chỉ giúp thoát nghèo bền vững, mà còn mở ra hướng làm giàu; khẳng định hướng đi đúng trong phát triển lâm nghiệp thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Xã Tiến Bộ (huyện Yên Sơn) có 668 hộ dân tham gia trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC với tổng diện tích hơn 1.500 ha. Đây là một trong những xã đi đầu về trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC trên địa bàn tỉnh. Điều đáng nói, người dân không thụ động chờ vào sự hỗ trợ của ngành chuyên môn, chính quyền địa phương để được cấp chứng chỉ rừng. Các hộ nông dân đã lập thành nhóm chủ động làm hồ sơ, thuê chuyên gia FSC đánh giá và đề nghị được cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây là điều mà xưa nay người trồng rừng ở địa phương nói riêng và tỉnh Tuyên Quang nói chung chưa từng làm.
Cùng các anh Nịnh Văn Lìn, trưởng một nhóm chứng chỉ rừng FSC của xã và anh Trần Văn Nhung thành viên của nhóm đi thăm rừng, chúng tôi thấy những quy chuẩn ngặt nghèo của FSC đã được nông dân ở đây thực hiện khá tốt. Suốt quá trình trồng rừng, người dân không sử dụng hóa chất; rừng được bảo vệ nghiêm ngặt, không có tình trạng săn bắt động vật hoang dã ở rừng FSC. Ngay cả khi khai thác rừng xong, công đoạn xử lý thực bì cũng được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn như: Không dùng máy cày san ủi khiến đất bị nghèo dinh dưỡng; cỏ dại được phát dọn, tuyệt đối không đốt để bảo vệ thiên địch có lợi; không sử dụng hóa chất trong quá trình chăm sóc; rừng đến tuổi thì mỗi năm không khai thác quá 50% diện tích để không làm mất độ che phủ, tránh nguy cơ hạn hán, mưa lũ bào mòn đất màu; không tự ý mở đường vận chuyển và hoàn trả lại hiện trạng đất ban đầu trước khi đóng cửa rừng… Đây chỉ là một số trong 10 nguyên tắc và 56 chỉ tiêu của FSC đánh giá về rừng sản xuất. Để người dân thực hiện được những nguyên tắc, chỉ tiêu đó không phải chỉ một sớm, một chiều mà là cả quá trình, xuất phát từ điều căn bản nhất là người dân đã ý thức được giá trị của rừng với cuộc sống của chính họ.
Vất vả để có chứng chỉ FSC, nhưng đổi lại rừng của người dân đã có nguồn gốc rõ ràng và con đường đi của gỗ rừng trồng không còn gập ghềnh như trước. Anh Lìn cho biết, lượng gỗ của người dân khai thác được bán thô cho Công ty cổ phần Woodsland và Công ty cổ phần Giấy và bột giấy An Hòa. Hiện nay, nhóm hộ trồng rừng này đang tính đến việc mở xưởng chế biến gỗ theo tiêu chuẩn CoC (tiêu chuẩn chế biến gỗ thô của thế giới). Khi xưởng chế biến gỗ được thành lập, toàn bộ sản lượng gỗ khai thác của người dân sẽ được gia công trước khi xuất bán cho các công ty, qua đó làm tăng giá trị sản phẩm và lợi nhuận sẽ được phân chia bảo đảm cho cả trưởng nhóm và các thành viên.
Công Đa là xã thuộc Chương trình 135 của huyện Yên Sơn. Hiện, xã có 124 hộ dân trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC với tổng diện tích hơn 448 ha thuộc địa bàn 11 thôn. Rừng được cấp chứng chỉ đã và đang giúp 124 hộ dân các dân tộc xã Công Đa vươn lên thoát nghèo bền vững với thu nhập hàng trăm triệu đồng trên mỗi héc-ta rừng. Gia đình ông Bùi Quang Chung, thôn Khuân Bén, xã Công Đa có 7 ha rừng trồng keo được cấp chứng chỉ FSC. Trước đây, do trồng tự phát, tự chăm sóc cho nên chất lượng cây keo không đều, hay bị sâu bệnh. Khi thu hoạch, giá bán cũng không ổn định, thường xuyên bị thương lái ép giá. Sau khi trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, rừng được quản lý bền vững hơn, đất đai được bảo vệ, hạn chế xói mòn, môi trường được cải thiện. Vừa rồi, gia đình ông khai thác hai lô rừng đầu tiên, với tổng diện tích 3,8 ha, trừ chi phí, ông thu lãi hơn 120 triệu đồng/ha. Ông Chung cho biết, ngoài việc được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng chăm sóc, mỗi mét khối gỗ khai thác ông còn được hỗ trợ 100 nghìn đồng, hơn nữa sản phẩm được bao tiêu toàn bộ, nghiệm thu xe gỗ nào là được thanh toán tiền ngay, không bị nợ.
Gắn quy hoạch với chế biến
Để phát huy lợi thế tiềm năng về kinh tế lâm nghiệp (KTLN), trong những năm gần đây, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ như: Đầu tư nâng cấp, xây dựng kết cấu hạ tầng; tích cực chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất lâm nghiệp; quy hoạch vùng nguyên liệu cho các nhà máy để phát triển hợp tác, liên kết trồng rừng sản xuất nguyên liệu; luôn duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh ở mức hơn 64%; thực hiện cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC và tập trung huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển KTLN… Do đó, KTLN của tỉnh đã phát triển tương đối khá, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp năm 2018 đạt hơn 1.064 tỷ đồng, tăng 6,8% so với năm 2017, bình quân giai đoạn 2013-2018 tăng 7,4%/năm.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2018, toàn tỉnh trồng được 35.417 ha rừng. Trong đó, rừng sản xuất: 33.674 ha, bình quân 11.806 ha/năm; khai thác gỗ rừng trồng được 2.432.356 m3 gỗ, bình quân khai thác được 810.785 m3 gỗ/năm; khai thác tre, nứa được 86.215 tấn. Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lâm nghiệp cho các thành phần kinh tế, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đến nay, đã cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp được 185.303 ha, với 106.065 GCNQSDĐ, trong đó: giao rừng được 10.112,06 ha trong số 10.544,16 ha, đạt 95,90% so với kế hoạch giao và cấp GCNQSDĐ đối với diện tích đủ điều kiện giao 8.050,57 ha trong số 8.222,44 ha, đạt tỷ lệ 97,91% so với kế hoạch. Do vậy, người dân và các thành phần kinh tế đã yên tâm sản xuất. Chính sách khoán bảo vệ rừng được tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ. Trong giai đoạn 2016-2018, toàn tỉnh tổ chức giao khoán bảo vệ rừng theo chính sách tại Nghị định số 75/2015/NĐ-CP và Quyết định 38/2016/QĐ-TTg: Diện tích giao khoán ổn định 66.406,28 ha, kinh phí hỗ trợ 96,284 tỷ đồng; hỗ trợ bảo vệ rừng, diện tích: 10.081,8 ha, kinh phí 13,05 tỷ đồng. Tỉnh cũng sắp xếp, đổi mới các Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Sơn Dương, Chiêm Hóa, Tuyên Bình, Yên Sơn thuộc tỉnh quản lý thành Công ty TNHH hai thành viên lâm nghiệp; cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Nguyễn Văn Trỗi.
Đồng thời, Tuyên Quang tập trung thu hút được các nhà đầu tư lớn đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, có chín nhà máy chế biến lâm sản đã hoạt động và đang đầu tư, mở rộng, nâng cao công suất chế biến, như: Nhà máy giấy và bột giấy An Hòa công suất 1.300 mét khối mỗi năm; nhà máy chế biến gỗ của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang 680 nghìn mét khối mỗi năm; nhà máy sản xuất đũa tách của Công ty cổ phần Thương mại – Sản xuất – Xuất khẩu Phúc Lâm huyện Chiêm Hóa 10.000 mét khối mỗi năm; nhà máy sản xuất đũa tre, giấy đế và bột giấy huyện Na Hang 25 nghìn mét khối mỗi năm…
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giấy An Hòa Nguyễn Văn Anh cho biết, sản phẩm chủ yếu của công ty là bột giấy, giấy in, giấy viết và giấy phô-tô-cóp-py. Hiện nay, đơn vị có hai dây chuyền sản xuất bột giấy và giấy. Mỗi dây chuyền này đều có công suất là 140 nghìn tấn/năm. Sản phẩm chủ lực là giấy và bột giấy được tiêu thụ trong nước và 30% số sản phẩm được xuất khẩu đi các nước, như Ấn Độ, Mỹ, Xin-ga-po, Trung Quốc, các nước Đông – Nam Á và châu Âu, tạo việc làm cho hơn 800 lao động với mức thu nhập gần 7 triệu đồng/người/tháng và hàng chục nghìn lao động tham gia trồng rừng. Năm 2018, doanh thu của công ty đạt 3.000 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 170 tỷ đồng. Công ty đang đầu tư khởi công xây dựng thêm nhà máy sản xuất bột giấy công suất 150 nghìn tấn/năm, tạo thêm việc làm cho 300 lao động.
Đây cũng là một bước tiến trong sản xuất lâm nghiệp, xóa bỏ tình trạng trồng rừng theo kiểu nhận đất xí phần, người dân đã chuyển sang phát triển rừng bền vững, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu; góp phần bảo vệ môi trường, đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.
Theo Nhandan
Ý kiến ()