Tuyên Quang: Cuộc vận động lớn gắn liền nhiệm vụ chính trị ở địa bàn dân cư
Bốn năm qua, Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã thật sự tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân tỉnh Tuyên Quang.Đặc biệt, triển khai bước làm theo tấm gương của Bác, trên địa bàn, nhất là ở các khu dân cư, đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, thật sự là tấm gương sáng trong cộng đồng.Nguồn động lực mớiChúng tôi đến phường Ỷ La (thành phố Tuyên Quang), nơi phong trào 'bát gạo tình nghĩa' được duy trì suốt bốn năm qua. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường tiếp chúng tôi trong phòng làm việc - trong khu trụ sở cấp bốn, mái ngói cũ kỹ. Những năm qua, sự cố gắng của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong phường đã bước đầu mang lại kết quả thể hiện qua những thành tựu kinh tế - xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 10%; xã hội ổn định, tệ nạn được bài trừ, trẻ em được đến trường, toàn dân được chăm sóc đầy đủ về y tế... Nhiều chi bộ...
Bốn năm qua, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã thật sự tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân tỉnh Tuyên Quang.
Đặc biệt, triển khai bước làm theo tấm gương của Bác, trên địa bàn, nhất là ở các khu dân cư, đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, thật sự là tấm gương sáng trong cộng đồng.
Nguồn động lực mới
Chúng tôi đến phường Ỷ La (thành phố Tuyên Quang), nơi phong trào 'bát gạo tình nghĩa' được duy trì suốt bốn năm qua. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường tiếp chúng tôi trong phòng làm việc – trong khu trụ sở cấp bốn, mái ngói cũ kỹ. Những năm qua, sự cố gắng của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong phường đã bước đầu mang lại kết quả thể hiện qua những thành tựu kinh tế – xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 10%; xã hội ổn định, tệ nạn được bài trừ, trẻ em được đến trường, toàn dân được chăm sóc đầy đủ về y tế… Nhiều chi bộ tiêu biểu thực hiện Cuộc vận động như chi bộ tổ dân phố số 7, tổ dân phố 12 gắn với hàng loạt phong trào 'dân vận khéo' 'ngày vì người nghèo' 'cựu chiến binh giúp nhau làm kinh tế' 'bát gạo tình nghĩa'… Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng nhớ lại, phong trào 'bát gạo tình nghĩa' được khởi xướng từ các đồng chí trong Hội Cựu chiến binh, sau đó lan sang Hội Phụ nữ, Hội Cựu giáo chức và đến giờ trở thành ý thức tự giác của mọi người dân trong phường. Đóng góp của mọi người tuy không nhiều, mỗi hộ chỉ khoảng 2 kg gạo một năm, nhưng ý nghĩa thì thật lớn lao. Với gần 1.300 hộ dân, mỗi năm phường Ỷ La góp được hơn một tấn gạo. Ngoài việc trợ cấp cho hộ nghèo 5 kg/người/tháng, số gạo còn dư được quy đổi thành tiền để góp phần giúp người nghèo phát triển kinh tế, các cháu hoàn cảnh khó khăn hiếu học được đến trường. Điều đặc biệt là các tổ dân phố trong phường thành lập Ban công tác mặt trận để tự quản lý và duy trì hoạt động của quỹ này, chính quyền phường chỉ thông qua trên các văn bản báo cáo. Những 'bát gạo tình nghĩa' ở phường Ỷ La đã nêu cao đạo lý 'lá lành đùm lá rách' của dân tộc như lời Bác dạy.
Na Hang là huyện nghèo của tỉnh Tuyên Quang, địa bàn rộng, nhiều đồi núi, giao thông khó khăn lại bị chia cắt bởi vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang. Cuộc vận động lớn đã mang đến cho vùng cao này sức sống mới, sức bật mới cho toàn Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc nơi đây. Đến với Huyện đoàn Na Hang, mới thấy Cuộc vận động 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh' có ý nghĩa như thế nào trong đời sống của thanh niên nơi đây. Triển khai Cuộc vận động, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã nêu bật nhiệm vụ thu hút thanh niên vào tổ chức Đoàn, các chi đoàn phải chú trọng các hoạt động cụ thể, thiết thực, gắn với cuộc sống, nhiệm vụ công tác. Bốn năm qua, tổ chức Đoàn thanh niên Na Hang đã tổ chức hàng nghìn công lao động giúp nhân dân dựng nhà, sản xuất, làm đường giao thông, thủy lợi. Đoàn thanh niên cũng có nhiều sáng kiến góp phần phát triển kinh tế, cải tạo môi trường sống, nâng cao năng suất lao động, nhiều thầy, cô giáo tự nguyện dạy thêm, dạy kèm các em học sinh học lực yếu… Nhiều đoàn viên, thanh niên tiêu biểu như các đồng chí:
Bí thư Huyện đoàn Nguyễn Văn Hiền; Bí thư Đoàn xã Đà Vị Hà Văn Dũng, đoàn viên Trường THPT Yên Hoa Phạm Thị Thu Hiền,… là những điển hình tiên tiến trong Cuộc vận động. Họ đã học theo Bác từ những việc nhỏ nhất trong khả năng của mình.
Đánh giá về Cuộc vận động trên địa bàn, Bí thư Huyện ủy Yên Sơn Triệu Thị Lún khẳng định: 'Chuyển biến rõ nhất trong thực hiện Cuộc vận động lớn ở Yên Sơn là đã tạo được những chuyển biến tích cực trong nhận thức và thực hiện nhiệm vụ chính trị của đại đa số cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân'. Cuộc vận động đã góp phần không nhỏ hoàn thành vượt mức kế hoạch các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh trên địa bàn. Tốc độ phát triển kinh tế của huyện năm sau cao hơn năm trước, đến nay thu nhập bình quân đầu người đạt 10,8 triệu đồng/năm, bằng 144% mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 20 đề ra. Hệ thống giáo dục được phát triển toàn diện, 100% số xã, thị trấn đều duy trì chuẩn phổ cập bậc học THCS và chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Công tác lao động việc làm được quan tâm, chú trọng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 30,29% năm 2005 đến nay xuống còn 12,8%. Công tác xây dựng đảng, chính quyền và hệ thống chính trị tiếp tục được đổi mới và nâng cao chất lượng. Từ năm 2007, mỗi năm có hơn 62% chi bộ, đảng bộ cơ sở đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh, không có chi bộ, đảng bộ yếu kém; hằng năm, 100% số chính quyền cơ sở đạt vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Những điển hình và bài học kinh nghiệm
Sau bốn năm thực hiện, Cuộc vận động lớn ở Tuyên Quang đã thật sự tạo được sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bằng chứng là đã có gần 600 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp biểu dương khen thưởng, tỷ lệ điển hình tiên tiến năm sau cao hơn năm trước, thành phần đa dạng và điển hình trên nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Tiêu biểu như Đảng bộ Công an tỉnh thực hiện 'Mỗi chiến sĩ hằng ngày phải có ít nhất một việc làm vì bình yên cuộc sống' Đảng bộ phường Minh Xuân, Phan Thiết (thành phố Tuyên Quang), xã Thổ Bình (Chiêm Hóa), xã Tam Đa (Sơn Dương) thực hiện tốt quy chế dân chủ, tiết kiệm chống lãng phí, nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, cải cách thủ tục hành chính… hay như Tổ quản lý kho quỹ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển đã trả lại hàng trăm món tiền thừa của khách hàng trị giá gần một tỷ đồng. Cuộc vận động đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và công tác xây dựng Đảng trên địa bàn. Quan trọng là Cuộc vận động đã từng bước ăn sâu vào ý thức, ảnh hưởng đến từng việc làm hằng ngày của mỗi người. Những năm qua, thực hiện Cuộc vận động, Tuyên Quang đã nêu bật vai trò, trách nhiệm và ý thức của người đứng đầu trong mỗi cấp ủy, chính quyền các cấp để làm tốt chức năng 'làm gương' cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Hữu Hoan nêu rõ bốn kinh nghiệm trong thực hiện Cuộc vận động là: Tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong toàn Đảng bộ, nêu cao vai trò, trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu; Kết hợp chặt chẽ việc học tập tấm gương của Bác với nghiên cứu, quán triệt hướng dẫn, tạo mọi điều kiện để toàn dân tham gia, chú ý lồng ghép với các phong trào, nhiệm vụ của địa phương, của từng đơn vị; Làm tốt công tác tuyên truyền, kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến; Các thành viên Ban chỉ đạo Cuộc vận động các cấp cần thường xuyên làm tốt nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cấp ủy, chính quyền các cấp trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, để Cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu, đi vào ý thức của mỗi người, thời gian tới ngoài việc tiếp tục triển khai các nội dung như hướng dẫn của Trung ương, Tuyên Quang cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền; gắn trách nhiệm thực hiện Cuộc vận động đối với cấp ủy, đảng viên và lựa chọn, nhân rộng các điển hình tiên tiến.
Theo Nhandan
Ý kiến ()