Tuyên Quang: Cây mía phát triển bền vững nhờ liên kết "4 nhà"
Ảnh minh họa (Nguồn: bannhanong.vn)Với diện tích trên 9.000 ha đang vào mùa thu hoạch, cây mía ở Tuyên Quang là một trong những chủ đề được nhắc đến nhiều nhất của người dân nơi đây.Bởi lẽ, nhờ có liên kết “4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) , cây mía đã dần khẳng định được giá trị và trở thành cây trồng chủ lực tạo ra bước đột phá về sản xuất nông nghiệp ở một tỉnh miền núi.Sơn Dương là huyện có diện tích trồng mía lớn nhất trong tỉnh với diện tích trên 4.000 ha. Đây cũng là địa phương thể hiện rõ rệt nhất hiệu quả của liên kết “4 nhà” trong trồng mía. Cây mía được xem là cây trồng chủ lực giúp xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân trong huyện. Xã Phú Lương có diện tích mía lớn nhất huyện Sơn Dương với gần 390ha, trung bình mội năm thu hoạch khoảng hơn 18 ngàn tấn mía, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 60% lao động trong xã. Nhờ có cây mía, người dân nơi đây không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên...
Với diện tích trên 9.000 ha đang vào mùa thu hoạch, cây mía ở Tuyên Quang là một trong những chủ đề được nhắc đến nhiều nhất của người dân nơi đây.
Bởi lẽ, nhờ có liên kết “4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) , cây mía đã dần khẳng định được giá trị và trở thành cây trồng chủ lực tạo ra bước đột phá về sản xuất nông nghiệp ở một tỉnh miền núi.
Sơn Dương là huyện có diện tích trồng mía lớn nhất trong tỉnh với diện tích trên 4.000 ha. Đây cũng là địa phương thể hiện rõ rệt nhất hiệu quả của liên kết “4 nhà” trong trồng mía. Cây mía được xem là cây trồng chủ lực giúp xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân trong huyện. Xã Phú Lương có diện tích mía lớn nhất huyện Sơn Dương với gần 390ha, trung bình mội năm thu hoạch khoảng hơn 18 ngàn tấn mía, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 60% lao động trong xã. Nhờ có cây mía, người dân nơi đây không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.
Ông Lý Văn Hoa, Chủ tịch UBND xã Phú Lương cho biết: Toàn xã có 1.401 hộ dân thì có 98% số hộ trồng mía. Từ khi có liên kết “4 nhà” người dân trong xã trồng mía cũng yên tâm hơn vì có nhà máy bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ giống, vật tư, công cày đất…đến khi thu hoạch mía người dân mới phải thanh toán cho nhà máy. Cây mía luôn được xác định là cây trồng chủ lực giúp xóa đói giảm nghèo của xã. Nhờ có cây mía, thu nhập bình quân đầu người của người dân trong xã tăng từ 200.000đồng/người/tháng lên hơn 1 triệu đồng/người/tháng. Tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm từ 404 hộ (2011) xuống còn 319 hộ (2012). Cây mía đã mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân trong xã, nên năm tới xã sẽ tiếp tục trồng lại kết hợp trồng mới để duy trì và mở rộng diện tích đất trồng mía trong toàn xã, giữ vững danh hiệu “vùng đất mía” trong huyện.
Không chỉ riêng Sơn Dương, tại nhiều huyện khác của Tuyên Quang, nơi nào trồng mía thì nơi đó đời sống của bà con nhân dân được ổn định, nâng cao. Các vùng nguyên liệu mía được quy hoạch và không ngừng mở rộng. Tại huyện Hàm Yên nhiều xã: Bình Xa, Tân Thành, Thái Hòa…diện tích mía được mở rộng vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Việc trồng các giống mía mới Roc10, Roc22, QĐ21, QĐ15, Viên lâm 6, VĐ55… cho năng suất, chất lượng cao đang báo hiệu một mùa bội thu.
Ông Bùi Hưng Thịnh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương cho biết: Để tạo sự liên kết giữa nhà máy và nông dân, cũng như để người dân an tâm trồng mía, công ty ký cam kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông vùng mía để giảm chi phí vận chuyển cho nông dân. Ngoài ra, công ty còn đầu tư vốn trước cho nông dân bằng hiện vật, như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mía giống, sau đó đấu trừ cho nông dân qua sản phẩm thu hoạch. Đặc biệt, công ty còn có chính sách thưởng tăng năng suất cho các hộ có diện tích mía từ 2 ha đạt năng suất cao đối với đất đồi từ 70 tấn, đất bãi ruộng một vụ từ 90 tấn trở lên. Công ty sẽ trích thưởng 20.000 đồng/tấn và được mời đi thăm quan nghỉ mát tại các điểm du lịch trong cả nước từ 3 đến 4 ngày… Cũng theo ông Thịnh, để cây mía Tuyên Quang tiếp tục phát triển bền vững trong những năm tiếp theo cần phải đẩy mạnh hơn nữa liên kết “4 nhà”, nhất là trong thời điểm hiện nay giá đường trên thị trường có xu hướng giảm, tác động không nhỏ tới giá mía nguyên liệu, gây ảnh hưởng đến Công ty và người trồng mía.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết: Để thực hiện tốt vai trò của mình trong liên kết “4 nhà”, đưa cây mía Tuyên Quang phát triển bền vững, bên cạnh việc thực hiện quản lý nhà nước về giống mía, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho tỉnh về quy hoạch vùng trồng mía nguyên liệu cho Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng các mô hình khuyến nông, khuyến công thực hiện những mô hình mía giống mới, thâm canh mía chất lượng cao, hỗ trợ đưa máy móc vào sản xuất để giảm bớt khó khăn cho người nông dân…Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tuyên Quang sẽ tiếp tục nghiên cứu các giống mía mới năng suất, chất lượng cao để tăng hiệu quả, đồng thời giảm chi phí sản xuất cho người nông dân, giúp người dân có thể gắn bó và hưởng lợi ích lâu dài từ cây mía. Mặc dù giá thu mua mía nguyên liệu của Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương vụ này thấp hơn vụ trước, nhưng mức giá này vẫn đảm bảo đúng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. |
Theo Dangcongsan.vn

Ý kiến ()