Tuyên Quang cần phát huy thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững
Tỉnh Tuyên Quang cần phải phát huy thế mạnh và kết quả đã đạt được, khắc phục tồn tại, chủ động, sáng tạo để phát triển nhanh và bền vững thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang.
Theo đánh giá, qua 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV nhiệm kỳ 2010 – 2015, kinh tế tỉnh Tuyên Quang tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 14% năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Năm 2014 thu ngân sách đạt khá, giá trị công nghiệp tăng 32%, xuất khẩu đạt 61,4 triệu USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/người.
Tuy nhiên, Tuyên Quang vẫn là tỉnh nghèo, điều kiện phát triển kinh tế còn khó khăn. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, tỉnh Tuyên Quang cần phải tiếp tục đổi mới nhận thức và tư duy trong mọi lĩnh vực, nhất là đổi mới tư duy về chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế phát huy tiềm năng lợi thế địa phương, huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là trong giao thông, thủy lợi.
Đồng thời, tỉnh Tuyên Quang phải xác định một số sản phẩm chủ lực trên cơ sở các lợi thế so sánh để tập trung phát triển số lượng và chất lượng gắn với ứng dụng công nghệ, kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa; đẩy mạnh liên kết kinh tế với các địa phương trong vùng, nhất là liên kết hạ tầng giao thông liên kết du lịch dịch vụ.
Cùng với đó là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh để huy động nguồn lực cho phát triển. Chú trọng xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là trong tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu, khuyến khích đổi mới công nghệ, tạo ra sản phảm có giá trị gia tăng cao.
Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn; đẩy mạnh giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội; phát triển du lịch dịch vụ gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, các di tích lịch sử, cách mạng và bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh chính trị, an ninh tôn giáo và trật tự an toàn xã hội, củng cố hệ thống chính trị cơ sở…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()