Tuyển Olympic thắng Mông Cổ và chuyện bản quyền ASIAD 19
Đội tuyển Tuyển Olympic thắng Mông Cổ 4-2 ở trận ra quân bảng B môn bóng đá nam ASIAD 19. Tuy nhiên, người hâm mộ vẫn đang ngóng chờ bản quyền truyền hình ASIAD 19.
Chiều 19/9, đội tuyển Olympic Việt Nam đã có trận đấu với đối thủ bị đánh giá yếu hơn là Mông Cổ. Ngay phút thứ 3, Olympic Việt Nam đã có bàn thắng mở tỉ số do công của Quốc Việt. Anh cũng là người đã có bàn thắng thứ 2 ở phút thứ 31 với siêu phẩm từ ngoài vòng cấm địa. Văn Khang là người ghi bàn thắng thứ 3 và cầu thủ vào sân thay người – Nguyên Hoàng ghi bàn thứ 4 cho Olympic Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận 2 bàn thua đến ở đầu hiệp 2 và phút bù giờ cuối cùng của trận đấu.
Với kết quả này, tuyển Olympic Việt Nam có nhiều cơ hội giành vé vào vòng 1/8. Bởi lẽ, 2 đội ở bảng C môn bóng đá nam ASIAD 19 là Syria và Afghanistan cùng rút lui nên số đội cạnh tranh suất cho đội xếp thứ 3 có thành tích tốt nhất chỉ còn 5.
Dù Olympic Việt Nam có chiến thắng, nhưng với nhiều khán giả, vấn đề quan tâm là bản quyền truyền hình. Bởi lẽ, đến thời điểm các trận đấu môn bóng đá nam ASIAD 19 diễn ra, Việt Nam là quốc gia vẫn chưa có bản quyền truyền hình.
Theo đó, 15 triệu USD (khoảng 360 tỉ đồng) là mức giá được chào bán tới các đài truyền hình tại Việt Nam nhưng đổi lại chỉ là những cái lắc đầu. Ngay cả khi có tin về sự nhượng bộ của đơn vị nắm giữ bản quyền khi giảm giá còn 7 triệu USD, đó vẫn là sự tăng vọt khó hiểu với các chuyên gia trong lĩnh vực này.
Ở những kỳ ASIAD trước, năm 2010, phí bản quyền chỉ là 50.000 USD, năm 2014 là 200.000 USD và đến 2018, con số được bán tại Việt Nam là 1,5 triệu USD. Tuy nhiên, vào năm 2018 đó, Đài tiếng nói Việt Nam đứng lên mua nhờ sự hỗ trợ của 2 doanh nghiệp, đồng thời, việc kí kết chỉ thực hiện sau khi đội U23 Việt Nam đã đá xong 3 trận vòng bảng.
Như với những câu chuyện gần đây về chuyện bản quyền tại World Cup, ASIAD hay SEA Games, việc các nhà đài ở Việt Nam – trong đó có Đài Truyền hình Việt Nam, không đầu tư vào những thương vụ đắt giá (nếu không có sự chống lưng từ doanh nghiệp bên ngoài) đã tạo nên sự tranh cãi. Vấn đề được đặt lên bàn cân là “phục vụ” hay “kinh doanh”. Nhiều lí lẽ được đưa ra, nhưng nhìn chung, có thể thấy rằng, bất kì nhà đài nào đứng lên mua bản quyền thì cũng sẽ rơi vào tình trạng “lỗ”.
Nếu có được gì thì cũng chỉ được “tiếng” vì đã nỗ lực phục vụ. Nhưng ngay cả vậy, “tiếng” cũng có khi phải chia sẻ với các doanh nghiệp hỗ trợ (không phải là nếu có nữa mà gần như chắc chắn). Nguyên nhân được đưa ra là, dù ASIAD là đấu trường có trình độ chuyên môn cao nhưng mối quan tâm của người hâm mộ lại khó có thể bằng… SEA Games. Mà phần lớn người theo dõi lại chỉ quan tâm đến môn bóng đá nam chứ không phải các môn thể thao khác. Trả lời báo chí, bình luận viên Quang Tùng cho biết, thông lệ, khi một đơn vị truyền hình sở hữu bản quyền một sự kiện, giải đấu, họ có nhiều phương thức để bù đắp chi phí bỏ ra như mời các nhãn hàng tài trợ, “booking” quảng cáo, hợp tác với các mạng lưới viễn thông, đặc biệt là những đơn vị có ứng dụng để khai thác sự kiện, chương trình trên các hạ tầng số,… Anh nhấn mạnh: “Nhưng ở thời điểm này, đây là khó khăn cho các nhà đài ở Việt Nam. Nếu họ bỏ tiền ra, gần như sẽ cầm chắc phần thua bởi rất khó để thu hồi vốn trong thời gian này, đặc biệt là tại một kì ASIAD”.
Có một thực tế, ASIAD là đấu trường có trình độ chuyên môn cao nhưng lại nhận được ít sự quan tâm của người hâm mộ bằng SEA Games. Bởi lẽ, những vận động viên các môn thể thao thành tích cao ở SEA Games dễ có thành tích hơn. Bên cạnh đó, hai đội tuyển bóng đá nam, nữ cũng có cơ hội giành huy chương hơn. Ngay như tuyển Olympic Việt Nam có giành vé đi tiếp ở ASIAD 19, nhưng cơ hội tiến sâu hơn nữa như từng có ở ASIAD 18 là khó. Chính vì vậy, các nhà đài cũng không dám mạo hiểm đầu tư để thua lỗ. Tuyển Olympic Việt Nam sẽ đối đầu với Iran trong khuôn khổ lượt trận thứ 2 tại vòng bảng môn bóng đá nam ASIAD 19. Khán giả vẫn sẽ chờ…
HLV Hoàng Anh Tuấn chưa hài lòng với cầu thủ
Sau chiến thắng của tuyển Olympic Việt Nam trước Mông Cổ, huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn nói: “Tôi có hai điều cần nhấn mạnh. Một là tôi hài lòng về tỉ số. Hai là tôi rất giận dữ về những sai lầm ngớ ngẩn dẫn đến thẻ vàng. Tôi không vui chút nào cả.
Khi Olympic Việt Nam dẫn với tỉ số cách biệt như vậy, một số cầu thủ đã lơi lỏng dẫn đến phải nhận bàn thua. Tôi đã nhắc nhở cầu thủ rất nhiều trước khi chuẩn bị cho giải đấu, chứ không chỉ riêng trận đấu này.
Tôi luôn yêu cầu họ phải hết sức tập trung, sai sót xảy ra ở thời điểm như thế sẽ không tốt chút nào, có thể khiến trận đấu thay đổi rất đáng tiếc. Có những trận đấu có thể gây ảnh hưởng đến cả một giải đấu, điều đó rất đáng suy nghĩ”.
“Suốt cả trận đấu này, nếu nói ai đã làm tôi hài lòng thì rất khó. Có một số cầu thủ chơi tốt, nhưng một số khác thì chưa. Trong suy nghĩ, tôi chỉ thấy khó chịu khi cầu thủ phải nhận thẻ vàng ngớ ngẩn. Tôi chỉ hài lòng về mặt tỉ số. Còn nếu cầu thủ cứ chơi thế này, có lẽ Olympic Việt Nam sẽ về nhà sớm. Đó là lý do tôi vẫn rất giận”, huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn nói.
Ông Tuấn nhấn mạnh: “ASIAD 19 là giải đấu lớn, mang đến cơ hội lớn cho các cầu thủ. Như các bạn đã biết, độ tuổi trung bình của Olympic Việt Nam là thấp nhất giải, chỉ là 20,3. Do vậy, việc thi đấu ở sân chơi này rất quan trọng với các cầu thủ, mọi thứ sẽ không dễ dàng. Tôi rất phấn khích và muốn cầu thủ cảm nhận rõ giải đấu lớn này, cơ hội lớn này để trưởng thành hơn”.
Nguồn:https://cand.com.vn/the-thao/tuyen-olympic-thang-mong-co-va-chuyen-ban-quyen-asiad-19-i707656/
Ý kiến ()