Tuyên ngôn độc lập trong tiến trình tổ tiên ta đánh giặc
LSO-Trong tiến trình lịch sử hàng nghìn năm đánh giặc, dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã trở thành một dân tộc anh hùng.
LSO-Trong tiến trình lịch sử hàng nghìn năm đánh giặc, dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã trở thành một dân tộc anh hùng. Kể từ thế kỷ thứ III trước công nguyên cho đến thời đại Hồ Chí Minh ngày nay luôn hình thành các nhân tố đặc biệt trong cộng đồng các dân tộc. Đó là tình đoàn kết, lòng yêu nước nồng nàn gắn liền với lòng quyết tâm giành độc lập, tự do. Nhờ vậy, bất chấp mọi khó khăn thử thách do thiên tai, địch họa, giặc ngoại xâm gây ra, trong cộng đồng các dân tộc đều xuất hiện những vị anh hùng hào kiệt đứng lên lãnh đạo nhân dân đánh đuổi bọn xâm lược thống trị nước ngoài. Từ ngàn xưa, ông cha ta đã thấm nhuần sâu sắc chỉ có độc lập, tự do mới có được tất cả.
Thành phố Lạng Sơn trên đà phát triển – Ảnh: LA NAM |
Giữa thế kỷ XI, Lý Thường Kiệt (1075-1077) lãnh đạo nhân dân ta chủ động đánh đòn phủ đầu vào căn cứ tiến quân của địch; tấn công mạnh mẽ chặn đứng quân Tống trên đất nước ta, phản công tiêu diệt 30 vạn quân, quét sạch quân Tống khỏi bờ cõi. Bài thơ bất hủ của Lý Thường Kiệt thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, ý thức làm chủ mạnh mẽ, quyền làm chủ đất nước và làm chủ vận mệnh của mình với tinh thần tự lực, tự cường, bất khuất của dân tộc ta. Ngày nay vẫn như còn nguyên giá trị thực tiễn sâu sắc: “Nam Quốc sơn hà Nam đế cư/ tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”. Dịch là: “Nước Nam có vua nước Nam ở đó/ Bờ cõi đã được ghi trên sách trời/ cớ sao quân giặc còn dám lại xâm phạm/ chúng bay sẽ bị đánh bại cho mà coi”. Bài thơ này như là bản tuyên ngôn đầu tiên của đất nước ta ra đời thế kỷ thứ XI.
Vào mùa xuân 1418, Lê Lợi – Nguyễn Trãi phất cao cờ khởi nghĩa Lam Sơn dấy lên phong trào đấu tranh vũ trang mới nhằm “tiêu diệt quân Minh để đem lại cái phúc thái bình muôn thuở”. Chiến thắng Chi Lăng – Xương Giang (1427) buộc 10 vạn quân địch đầu hàng. Cuối năm 1427, 86.000 tướng sỹ nhà Minh theo đường thủy rút khỏi nước ta, chấm dứt 20 năm thống trị của nhà Minh. Cuối tháng 12 năm 1427, Lê Lợi công bố bài “Bình Ngô Đại cáo” do Nguyễn Trãi viết để công bố cho toàn dân biết thắng lợi rực rỡ của sự nghiệp giết giặc, cứu nước, mở ra một thời kỳ độc lập, thái bình mới. Bài thơ này như là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của nước ta, ra đời thế kỷ thứ XV (1427). Bài dịch gồm 142 câu thơ. Trong đoạn mở đầu, Nguyễn Trãi viết: “Như nước Đại Việt, đất văn hiến xưa,/ cõi bờ sông núi đã riêng, phong tục Bắc Nam cũng khác,/ Trải, Triệu, Đinh, Lý, Trần dựng nền độc lập, / cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đều chủ một phương…” và Nguyễn Trãi viết đoạn kết: “xã tắc từ nay bền vững, sơn hà bởi đó đẹp tươi./ Một áng kiền khôn, bĩ rồi lại thái (ý nói đất nước qua cơn loạn lạc, rồi trở lại cảnh thái bình)/ Đôi vầng nhật nguyệt, hối mà lại minh. (Hối là tối, minh là sáng)/ để mở nền muôn thuở thái bình, để rửa nỗi nghìn thu hổ thẹn/… Bốn bề phẳng lặng, sạch hết dục nhơ, tuyên bố mệnh duy tân khắp nước,/ mấy lời bá cáo thiên hạ nghe tường”.
Đến thế kỷ XIX, dân tộc ta lại đứng trước một kẻ thù mới. Đó là chủ nghĩa đế quốc phương Tây. Được Tây Ban Nha giúp sức, ngày 01/9/1858, Pháp xâm lược nước ta. Triều đình nhà Nguyễn đầu hàng từng bước, đến 1883, hoàn toàn bán nước cho Pháp. Phát huy lòng yêu nước của cha ông, ngay từ khi pháp đặt chân vào nước ta, nhân dân ta đã anh dũng đánh Pháp. Các cuộc khởi nghĩa liên tục nổ ra: Trương Định, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám…và còn nhiều nhà yêu nước khác ở khắp mọi miền từ đồng bằng đến miền núi chống lại sự thống trị của thực dân Pháp. Vì không có đường lối đúng đắn lãnh đạo, các cuộc khởi nghĩa kiên cường trong 72 năm nói trên đều lần lượt bị thất bại. Nhưng quân thù không thể dập tắt được ngọn lửa yêu nước, tinh thần độc lập dân tộc của nhân dân ta.
Từ ngày có Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930) lãnh đạo cách mạng phát động phong trào giải phóng dân tộc với đỉnh cao là Xô Viết Nghệ – Tĩnh (1930-1931). Lấy việc kết hợp phổ biến của chủ nghĩa Mác – Lênin với thực tiễn cách mạng Việt Nam và học tập kinh nghiệm của các Đảng anh em. Đảng ra đời đã vạch ra đường lối cách mạng đúng đắn là dùng bạo lực cách mạng đánh đổ ách thống trị của Đế quốc, phong kiến, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, đem lại ruộng đất cho dân cày và tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Tuy mới ra đời có 15 năm, song dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ kính yêu và Đảng ta đã sáng suốt chọn thời cơ cách mạng giữa lúc Hồng quân Liên Xô đánh bại bọn phát xít Nhật, đã phát động toàn dân tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công, giành chính quyền trong cả nước. Ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập (do Người trực tiếp viết) trước quốc dân đồng bào và nhân dân toàn thế giới thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – nNhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, đưa nước ta sang kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập, tự do. Để khẳng định ý chí chiến đấu anh dũng, kiên cường của các thế hệ cách mạng của nhân dân ta là để giành lấy độc lập, tự do. Ở đầu Tuyên ngôn độc lập, Người đã mượn ý cả tuyên ngôn của Mỹ (ngày 4/7/1776) và của Pháp (26/8/1789): “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có quyền xâm phạm được; Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” (bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ) và “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi” (bản Tuyên ngôn nhân quyền của cách mạng Pháp). Sau khi phân tích tình hình thế giới và ý chí, nguyện vọng của dân tộc Việt Nam, đến đoạn kết của bản Tuyên ngôn độc lập, Người viết: “…vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Thực hiện bản Tuyên ngôn độc lập của Bác, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã trải qua một quá trình đấu tranh trường kỳ đầy hy sinh gian khổ và thắng lợi oanh liệt trong sự nghiệp giải phóng dân tộc; 96 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1954-1858) và 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1975-1954). Với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, chúng ta đã thực hiện được mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tuyên ngôn độc lập năm xưa và trong di chúc thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu ngày 10 tháng 5 năm 1969.
(Có nghiên cứu, tham khảo Hồ Chí Minh tuyển tập, tập II, NXB ST HN 1980 và tư liệu LSCM Việt Nam)
ĐINH ÍCH TOÀN
Ý kiến ()