Tuyên dương học sinh giỏi Quốc gia môn lịch sử
Ngày 4-5, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội), Quỹ Phát triển sử học, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lễ tuyên dương và trao giải thưởng cho các học sinh đạt giải nhất, nhì, ba môn lịch sử trong kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia THPT năm học 2012-2013 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Năm nay, có tổng số 206 học sinh đạt giải môn Lịch sử trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm nay. Trong đó, có năm giải nhất, 34 giải nhì, 78 giải ba và 89 giải khuyến khích.
Năm giải nhất thuộc về học sinh các tỉnh: Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Quảng Bình. Trong đó, Nam Định dẫn đầu với hai học sinh đạt giải nhất, bốn giải nhì và một giải khuyến khích.
Trong kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia THPT năm học 2011-2012, môn lịch sử có sáu giải nhất, 31 giải nhì, 90 giải ba, 84 giải khuyến khích.
Lễ vinh danh là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, có tác dụng cổ vũ, khuyến khích tinh thần đam mê và niềm yêu thích của các em học sinh đối với môn lịch sử.
Phát biểu tại buổi lễ, GS, Viện sĩ, NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử nhấn mạnh: “Trong tình hình chung, giáo dục môn lịch sử trong các trường phổ thong chưa được cải cách và phần lớn học sinh chưa tìm thấy hứng thú trong học lịch sử thì những học sinh tự nguyện thi môn lịch sử và đạt kết quả cao như trên rất đáng được biểu dương”.
GS Phan Huy Lê cũng chia sẻ: “ Trong giáo dục phổ thong, như kinh nghiệm nhiều nước tiên tiến trên thế giới, môn lịch sử phải được coi là một trong những môn cơ bản, bắt buộc. Chức năng của môn lịch sử không phải chỉ trang bị một số kiến thức lịch sử cần thiết, chọn lọc mà cơ bản hơn là bồi dưỡng tinh thần yêu mến lịch sử dân tộc, trân trọng các giá trị lịch sử và văn minh nhân loại, rèn luyện tư duy sử học, giáo dục các truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tức bồi dưỡng năng lực và phẩm chất con người”.
Phát biểu cảm tưởng tại lễ tuyên dương, em Trần Thanh Quang, lớp 12 Sử, THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định, một trong hai học sinh của Nam Định đat giải nhất chia sẻ: “Học lịch sử không chỉ đơn thuần là hiểu về quá khứ mà còn kết nối quá khứ với hiện tại và là nhịp cầu nối tới tương lai. Với chúng em, học lịch sử còn góp phần quan trọng để hình thành đạo đức, nhân cách làm người”.
Ý kiến ()