Tuyên dương 256 nhà giáo, học sinh tiêu biểu năm học 2015-2016
Lễ tuyên dương nhằm mục đích tôn vinh, ghi nhận sự đóng góp thông qua những sản phẩm cụ thể của các nhà giáo và học sinh tiêu biểu có nhiều sáng kiến, đổi mới trong dạy, học và quản lý giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Trong số 126 nhà giáo về dự lễ tuyên dương có 10 giáo viên bậc học Mầm non, 28 giáo viên bậc học Tiểu học, 26 giáo viên bậc học THCS, 44 giáo viên bậc học THPT, 4 giáo viên hệ Giáo dục thường xuyên và 5 chuyên viên tại phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT. 126 giáo viên đại diện cho hơn 1 triệu giáo viên là những tấm gương điển hình về sự tận tâm, tận lực, đi đầu trong đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp dạy học, có nhiều cải tiến, sáng kiến, nâng cao chất lượng giáo dục.
126 học sinh đại diện cho hơn 15 triệu học sinh trong cả nước. Trong số này, 9 em học sinh Tiểu học, 22 em học sinh THCS, 95 em học sinh THPT. Học sinh nhỏ tuổi nhất được vinh danh là em Võ Hương Giang, học sinh lớp 2E, Trường Tiểu học Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, đạt giải Nhất thi Tiếng hát dân ca học sinh tiểu học toàn quốc.
Đến dự Lễ tuyên dương, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định: “Buổi lễ tuyên dương hôm nay rất có ý nghĩa, nhằm khích lệ động viên, tôn vinh các nhà giáo, cán bộ quản lý học sinh có nhiều thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, giảng dạy, quản lý giáo dục và trong học tập. Những tấm gương nhà giáo và học sinh được tôn vinh mãi sẽ được tuyên truyền và nhân rộng, lan tỏa trong toàn hệ thống giáo dục trong thời gian tới”.
Phó Chủ tịch nước cũng biểu dương những đổi mới của Bộ GD&ĐT trong thời gian qua. Các phong trào thi đua dạy tốt, học tốt ở các cấp học đã xuất hiện nhiều tấm gương học sinh tiêu biểu và xuất sắc; ngành đã xây dựng đội ngũ giáo viên bảo đảm về số lượng, chất lượng và luôn tận tụy tâm huyết với nghề. Đặc biệt biểu dương các em học sinh hoàn cảnh khó khăn, có ý trí quyết tâm cao vượt lên hoàn cảnh đạt thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện. Các em là tấm gương sáng trong học tập tu dưỡng, là niềm tự hào của các thầy cô giáo, gia đình, dòng họ và toàn xã hội.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch nước cho rằng, ngành giáo dục vẫn còn nhiều hạn chế bất cập, vùng sâu, vùng xa vẫn còn tụt hậu về giáo dục, so với sự phát triển của cuộc cách mạng tri thức khoa học và công nghệ trong thời kỳ toàn cầu hóa.
Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh “Để phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” giai đoạn 2016-2020 có hiệu quả, Bộ GD&ĐT cần phát huy những kết quả đạt được, coi trọng và chuyển biến hơn về đổi mới và phương pháp giảng dạy để nâng cao tinh thần tự học và khơi dậy tư duy sáng tạo của học sinh trong học tập và học hành kể cả khả năng ngoại ngữ. Đặc biệt chú trọng đào tạo đạo đức nhân cách cho học sinh.
“Thực sự coi trọng chất lượng và đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, thực hiện chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu hội nhập của đất nước; có chính sách trọng dụng và khuyến khích đội ngũ giáo viên có năng lực, tâm huyết, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Đây là mấu chốt để khơi dậy tinh thần thi đua sáng tạo đổi mới trong dạy và học, tạo nên môi trường sư phạm văn hóa, nhân văn và tiến bộ. Bộ GD&ĐT cần đổi mới công tác thi đua khen thưởng trong ngành theo hướng thực chất”, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã phát động phong trào thi đua với chủ đề “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học giai đoạn 2016-2020” nhằm tạo môi trường và động lực để cán bộ, giáo viên và học sinh phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Động viên đội ngũ cán bộ, nhà giáo, nhân viên, học sinh năng động, sáng tạo nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2016-2017 và những năm tiếp theo.
“Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học phải được thể hiện bằng các sản phẩm, minh chứng cụ thể, thiết thực, hiệu quả cao nhất, được đồng nghiệp, bạn bè, xã hội tôn vinh, học tập, làm theo”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng mong các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên cả nước hãy bắt đầu ngay từ việc xây dựng môi trường giáo dục mở, xanh, sạch, đẹp, thân thiện, an toàn; đổi mới căn bản phương pháp dạy, học, thi, kiểm tra, đánh giá; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; hội nhập quốc tế; ứng dụng có hiệu quả thành tựu về công nghệ thông tin trong dạy, học, quản lý giáo dục; tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, khởi nghiệp; cùng nhau xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời; xây dựng lòng tự tôn, tự hào dân tộc, kết hợp hài hòa truyền thống văn hóa dân tộc với tinh hoa văn hóa của nhân loại…
Bộ trưởng cũng đề nghị các cơ quan quản lý giáo dục các cấp là nơi kiến tạo, hỗ trợ, phục vụ để mỗi thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên có môi trường thuận lợi nhất phát huy tối đa khả năng, phẩm chất và năng lực cá nhân, tự nguyện tham gia thi đua đổi mới, sáng tạo; là nơi đánh giá, thẩm định các minh chứng, sản phẩm đổi mới sáng tạo để biểu dương, khen thưởng kịp thời, tuyên truyền và nhân rộng các điển hình tiến tiến có nhiều đổi mới, sáng tạo trong phạm vi toàn ngành và cả nước.
Ý kiến ()