Tuyển dụng, hợp đồng với giáo viên - những vấn đề đặt ra
Cán bộ giáo viên Trường Tiểu học Tri Phương, Tràng Định thảo luận công tác trước năm học mới |
Theo số liệu của ngành GD&ĐT, bước vào năm học 2014-2015, toàn ngành có 19.189 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cấp học. Trong đó, số cán bộ giáo viên (CBGV), nhân viên công tác trực tiếp tại các nhà trường là 18.926 người. So với yêu cầu, toàn ngành vẫn còn thiếu tới 1.042 giáo viên, trong đó, cấp học mầm non (MN) thiếu 581 người, cấp tiểu học thiếu 188 người, cấp THCS thiếu 159 người, cấp THPT và giáo dục thường xuyên thiếu 114 người. Trong sự thiếu thốn đó, có những địa phương thiếu ít như thành phố Lạng Sơn, Hữu Lũng, có những địa phương thiếu nhiều như Văn Quan (315 giáo viên, nhân viên), Bắc Sơn gần 200 người, Lộc Bình gần 300 người… Ngoài ra, toàn ngành còn thiếu hàng trăm nhân viên trường học, nhất là đội ngũ phục vụ như y tế, nấu ăn…
Để chủ động sắp xếp và ổn định đội ngũ, trong tháng 8/2014, ngành GD&ĐT, các địa phương đã tiến hành công tác tuyển dụng. Trong tháng 8, Sở GD&ĐT đã tiến hành thông báo thi tuyển, tổ chức thi tuyển một cách nghiêm túc, công khai và minh bạch; kết quả đã tuyển dụng đủ 108 giáo viên, nhân viên theo nhu cầu. Các địa phương cũng đã xúc tiến tuyển dụng giáo viên, nhân viên theo kế hoạch, nhất là giáo viên MN như Lộc Bình tuyển dụng 84 giáo viên, Bắc Sơn tuyển dụng 66 giáo viên. Huyện Văn Quan tuy rất thiếu giáo viên và nhân viên, song định mức biên chế cho năm 2014 rất thấp, nên phòng GD&ĐT đã tham mưu cho UBND huyện không tiến hành tuyển dụng trong năm nay, mà chỉ tiến hành ký hợp đồng với giáo viên, nhân viên. Cùng với đó, các địa phương đã tiến hành điều chuyển, phân công giáo viên tới các nhà trường để tiến hành nhận lớp và giảng dạy ngay trong tuần đầu thực học.
Đồng chí Ngô Hiền, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Lạng Sơn cho biết: năm nay cấp học MN bị “đội lên” về số lớp, ngành GD thành phố thiếu đến trên 50 giáo viên; các cấp học khác cũng còn nhiều bất hợp lý về cơ cấu đội ngũ. Trong khi chờ đợi UBND thành phố duyệt phương án tuyển dụng, ngành đã chủ động tham mưu điều chuyển 62 giáo viên giữa các trường trên địa bàn, trong đó có 13 giáo viên MN, 28 giáo viên tiểu học và 21 giáo viên THCS, các giáo viên này đã nhận lớp và ổn định công tác. Nhìn chung, công tác tuyển dụng, phân công, thuyên chuyển đội ngũ cán bộ, giáo viên năm nay được các địa phương thực hiện nhanh hơn, đảm bảo tính công khai và minh bạch, thực hiện công bằng ngay trong đội ngũ CBGV để họ yên tâm công tác. Tuy vậy, nhu cầu về đội ngũ của ngành GD&ĐT theo Thông tư Liên tịch số 35 giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ còn rất lớn, nhưng biên chế dược duyệt rất có hạn và việc hợp đồng giáo viên, nhân viên cũng còn nhiều bất cập.
Giáo viên hợp đồng cũng là việc “cực chẳng đã”, song ngay việc chi trả chế độ cho họ cũng có sự khác biệt lớn giữa các huyện, thành phố gây nên tâm lý so sánh thu nhập ở cùng vị trí việc làm giữa trường, từng địa phương trong tỉnh, chế độ hợp đồng đối với giáo viên MN là ví dụ điển hình. Tại các nhà trường ở Bắc Sơn, tuy quy trình hợp đồng được thực hiện nghiêm túc (các nhà trường có nhu cầu đề nghị lên phòng GD&ĐT, phòng GD&ĐT lập tờ trình để UBND huyện phê duyệt và các giáo viên ký hợp đồng trực tiếp với Trưởng phòng GD&ĐT); tuy nhiên các nhà trường cũng chỉ có khoản 20% chi thường xuyên trả lương cho giáo viên hợp đồng. Vì vậy, nảy sinh tình trạng trường nào đông biên chế, ít hợp đồng thì lương hợp đồng cao, trường nào ít biên chế, nhiều hợp đồng thì lương giáo viên hợp đồng thấp. Việc lấy 20% chi thường xuyên trả cho giáo viên hợp đồng còn gây nên sự bất hợp lý vì các trường có đông giáo viên hợp đồng sẽ “cạn nguồn” chi thường xuyên, các công việc của nhà trường bị hạn chế rất nhiều. Cô Đỗ Thanh Loan, Phó phòng GD&ĐT huyện Bắc Sơn cho rằng, sự bất bình đẳng giữa các trường trong cùng một địa phương gây tâm lý không yên tâm công tác cho đội ngũ giáo viên hợp đồng và cũng khác hẳn với giáo viên MN hợp đồng ở huyện Văn Quan khi ở đó giáo viên được trả lương cộng với 60% phụ cấp đứng lớp.
Đã nhận thấy sự bất hợp lý trong việc ký và chi trả lương hợp đồng cho giáo viên, tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi (ngày 24/3/2014), đồng chí Tô Hùng Khoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành như Nội vụ, Tài chính, Giáo dục tiến hành kiểm tra và có phương án thống nhất trong toàn tỉnh về ký và trả lương hợp đồng cho giáo viên MN theo Thông tư Liên tịch số 09/2013, ngày 11/3/2013 giữa Bộ GD&ĐT-Bộ Nội vụ-Bộ Tài chính. Song cho đến nay vẫn chưa được thực hiện. Tại buổi kiểm tra công tác chuẩn bị cho năm học mới (ngày 21/8/2014), đồng chí Vy Văn Thành, Chủ tịch UBND tỉnh một lần nữa nghiêm khắc nhắc nhở lãnh đạo Sở Nội vụ cần phải khẩn trương trong công tác này.
Phải nói rằng “nguồn” giáo viên, nhân viên trường học ở tỉnh ta rất dồi dào. Trong đợt tuyển dụng vừa qua, Sở GD&ĐT chỉ tuyển 108 chỉ tiêu, mà có trên 900 hồ sơ ứng tuyển đã nói lên điều đó. Đây chính là cơ hội để tiến hành rà soát, sàng lọc, nâng cao chất lượng đội ngũ. Tuy vậy, sự thống nhất trong toàn tỉnh về hợp đồng giáo viên, nhân viên; sự “ứng xử” của ngành GD&ĐT đối với những giáo viên đã dạy hợp đồng nhiều năm, song vẫn không trúng tuyển lại là những vấn đề “nhạy cảm” của ngành GD&ĐT trước xã hội.
Ý kiến ()