Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản về phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á
1. Giới thiệu Nhận lời mời của Ngài Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam, Ngài Na-ô-tô Can, Thủ tướng Nhật Bản đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 30 đến 31-10-2010 ngay sau các Hội nghị cấp cao liên quan được tổ chức tại Hà Nội. Trong thời gian thăm, Thủ tướng Na-ô-tô Can đã hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chào xã giao Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh và Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết.Tại cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Na-ô-tô Can ngày 31-10, hai bên đã hoan nghênh những bước phát triển lớn trong quan hệ giữa hai nước những năm gần đây và bày tỏ ý định phát triển toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á.2. Về tăng cường trao đổi đoàn và đối thoạiHai bên khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì các chuyến thăm cấp cao hằng năm cũng như tăng cường các kênh đối thoại ở tất cả...
Tại cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Na-ô-tô Can ngày 31-10, hai bên đã hoan nghênh những bước phát triển lớn trong quan hệ giữa hai nước những năm gần đây và bày tỏ ý định phát triển toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á.
2. Về tăng cường trao đổi đoàn và đối thoại
Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì các chuyến thăm cấp cao hằng năm cũng như tăng cường các kênh đối thoại ở tất cả các cấp và trên mọi lĩnh vực. Hai bên bày tỏ mong muốn lãnh đạo Việt Nam sẽ sớm sang thăm Nhật Bản vào thời điểm phù hợp cho cả hai bên trong năm 2011.
Hai bên quyết định sẽ tổ chức cuộc họp lần thứ tư của Ủy ban Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong năm 2011. Cuộc họp này nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác song phương với sự tham gia của các Bộ trưởng và các quan chức cao cấp thuộc các cơ quan hữu quan của Chính phủ hai nước. Hai bên cũng quyết định tiến hành cuộc Đối thoại Đối tác Chiến lược Việt Nam – Nhật Bản lần thứ nhất vào tháng 12- 2010 nhằm thảo luận một cách toàn diện về các vấn đề chính trị, ngoại giao, quốc phòng và an ninh. Hai bên cho rằng Đối thoại trên sẽ đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và phồn vinh trong khu vực.
3. Về viện trợ kinh tế của Nhật Bản cho Việt Nam
Phía Việt Nam khẳng định Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ với sự biết ơn chân thành về sự đóng góp của Nhật Bản cho quá trình phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam với tư cách là quốc gia Viện trợ Phát triển Chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, hoan nghênh mức ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam đã đạt 155 tỷ yên trong năm tài khóa 2009, cao nhất từ trước đến nay.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao tiến trình hỗ trợ của Nhật Bản đối với các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên của Việt Nam, như đường cao tốc Bắc-Nam, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, nghiên cứu khả thi hai đoạn đường sắt cao tốc: TP Hồ Chí Minh – Nha Trang và Hà Nội – Vinh. Phía Việt Nam giải thích tầm quan trọng của Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và Dự án nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội – Nội Bài và chú trọng tới sự tham gia của Nhật Bản đối với các dự án này. Thủ tướng Na-ô-tô Can ghi nhận ý kiến của phía Việt Nam, đồng thời khẳng định lại sự ủng hộ mạnh mẽ của Nhật Bản đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam thông qua viện trợ trên các lĩnh vực ưu tiên như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao mức sống và mạng lưới an sinh xã hội, xây dựng thể chế và năng lực đi đôi với việc áp dụng công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm của Nhật Bản. Phía Nhật Bản hoan nghênh quyết tâm đẩy mạnh cải cách kinh tế và các biện pháp phòng, chống tham nhũng của Việt Nam liên quan đến ODA của Nhật Bản. Thủ tướng Na-ô-tô Can bày tỏ ý định cung cấp khoản vay ODA trị giá 79 tỷ yên cho năm dự án, trong đó có Dự án Cảng quốc tế Lạch Huyện, việc duy tu và triển khai thiết bị cầu cảng sẽ do một nhóm các công ty Việt Nam và Nhật Bản đảm nhiệm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao các hỗ trợ nói trên và hoan nghênh việc Chính phủ Nhật Bản đã quyết định xem xét một cách nghiêm túc và nhanh chóng việc hỗ trợ Dự án Sân bay quốc tế Long Thành, Dự án đường cao tốc đoạn Ninh Bình – Bãi Vọt, đường cao tốc Nha Trang-Phan Thiết, và các dự án tuyến đường tàu điện ngầm mới của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Thủ tướng Na-ô-tô Can bày tỏ ý định tiếp tục mở rộng ODA của Nhật Bản để hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân.
Thủ tướng Na-ô-tô Can cũng khẳng định tiếp tục hợp tác với Việt Nam trên lĩnh vực hạ tầng mềm như phát triển nhân lực, triển khai hoạt động hợp tác cụ thể để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.
4. Về thương mại và đầu tư
Hai bên khẳng định lại rằng Hiệp định Đối tác Kinh tế giữa CHXHCN Việt Nam và Nhật Bản, cùng với Hiệp định Tự do hóa, Thúc đẩy và Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương lên một tầm cao mới và việc tăng cường hợp tác kinh tế thông qua hỗ trợ quá trình tự do hóa hơn nữa dòng hàng hóa, dịch vụ và đầu tư có lợi cho cả hai nước. Hai bên nhất trí rằng việc củng cố hợp tác kinh tế sẽ mở rộng các cơ hội và lợi ích cho khối doanh nghiệp của cả hai nước, đóng góp cho sự phát triển kinh tế và thúc đẩy phúc lợi của người dân Việt Nam và Nhật Bản. Hai bên khẳng định các Hiệp định nói trên sẽ đóng góp tích cực cho việc đạt được các mục tiêu của hệ thống thương mại đa biên WTO. Hai bên cũng khẳng định cần đẩy nhanh đàm phán về di chuyển thể nhân, phù hợp với Hiệp định Đối tác Kinh tế.
Để đáp lại mong muốn mạnh mẽ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc Chính phủ Nhật Bản công nhận quy chế thị trường đầy đủ của Việt Nam vào thời điểm sớm nhất có thể, hai bên cam kết đẩy nhanh quá trình xem xét vấn đề này và quyết định tổ chức cuộc họp lần thứ hai về quy chế thị trường đầy đủ của Việt Nam vào tháng 12-2010.
Hai bên đánh giá cao Sáng kiến Chung Việt Nam-Nhật Bản nhằm cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam và nhất trí rằng sáng kiến này đã phát huy hiệu quả trong việc tăng cường tính cạnh tranh của Việt Nam và mở rộng đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam. Hai bên cũng nhận thấy sự cần thiết cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư cho doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam và hoan nghênh ý định của các bên liên quan về việc triển khai Giai đoạn Bốn của Sáng kiến Chung.
5. Về năng lượng, phát triển tài nguyên thiên nhiên và biến đổi khí hậu
Từ các quan điểm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường toàn cầu, hai bên công nhận tầm quan trọng của hợp tác trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Hai bên sẽ tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân và đưa quan hệ hợp tác này lên một tầm cao mới bao gồm cả phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình với nhận thức về sự cần thiết bảo đảm không phổ biến hạt nhân, bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân phù hợp với những quy định của các Điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam và Nhật Bản là thành viên. Hai bên hoan nghênh việc kết thúc thành công cuộc đàm phán trên nguyên tắc về nội dung của Hiệp định Việt Nam – Nhật Bản sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình, hy vọng rằng hai nước sẽ ký Hiệp định vào thời gian sớm nhất có thể.
Phía Việt Nam đánh giá cao sự trợ giúp liên tục của Nhật Bản đối với Việt Nam trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Phía Việt Nam khẳng định rằng trên cơ sở nghiên cứu đề nghị của phía Nhật Bản, Chính phủ Việt Nam đã quyết định chọn Nhật Bản là đối tác hợp tác xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân tại địa điểm nhà máy điện hạt nhân thứ hai thuộc tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam. Thủ tướng Na-ô-tô Can hoan nghênh quyết định trên và khẳng định Nhật Bản sẽ đáp ứng các điều kiện mà Việt Nam đưa ra, như: hỗ trợ việc nghiên cứu khả thi của dự án, cho vay vốn ưu đãi lãi suất thấp cho dự án, sử dụng công nghệ tiên tiến nhất và an toàn ở mức cao nhất, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực, hợp tác xử lý chất thải và cung cấp nhiên liệu ổn định trong toàn bộ thời gian của dự án. Hai bên nhất trí chỉ thị cho các bộ, ngành và tổ chức có liên quan của hai nước tiếp tục trao đổi để có thể sớm ký kết các văn kiện liên quan về dự án nêu trên.
Phía Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác của Nhật Bản trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, than, dầu và khí tự nhiên, dự trữ dầu, điện, bảo tồn và tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng sạch và ICT. Hai bên khẳng định hai nước sẽ thúc đẩy hợp tác để phát triển ngành công nghiệp đất hiếm ở Việt Nam, dưới hình thức phối hợp khảo sát địa chất, phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ thân thiện với môi trường nhằm phát triển nguồn tài nguyên bền vững và chương trình nghiên cứu và phát triển chung trên cơ sở giữa hai Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo quyết định lựa chọn Nhật Bản là đối tác trong việc điều tra, thăm dò, khai thác và chế biến đất hiếm tại Việt Nam. Thủ tướng Na-ô-tô Can hoan nghênh quyết định này và hy vọng việc phát triển đất hiếm của hai nước sẽ tiến triển tốt đẹp thông qua các biện pháp như việc hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ phía Nhật Bản.
Hai bên khẳng định lại sự hợp tác hiện nay giữa hai nước trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, như hợp tác liên quan tới rừng, xây dựng các công trình hạ tầng ứng phó với nước biển dâng… Hai bên khẳng định quyết tâm thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực này. Hai bên khẳng định các công nghệ tiên tiến liên quan tới bảo tồn năng lượng, phát triển năng lượng sạch và bảo vệ môi trường trong lĩnh vực công nghiệp và các lĩnh vực khác là điều quan trọng chủ yếu trong việc tạo ra tính tương hợp giữa môi trường và nền kinh tế cũng như trong việc giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu đồng thời đạt được sự tăng trưởng bền vững. Hai bên nhất trí giao các bộ, ngành liên quan của hai nước trao đổi ý kiến để thực hiện các mục tiêu trên, bao gồm khả năng thành lập một cơ chế tín dụng bù trừ song phương.
Hai bên thừa nhận tính cấp thiết của việc giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu và khẳng định lại rằng hai nước sẽ hợp tác trong các cuộc đàm phán quốc tế nhằm thiết lập một khuôn khổ quốc tế có hiệu quả và công bằng với sự tham gia của tất cả các nền kinh tế lớn.
6. Về hợp tác khoa học và kỹ thuật
Hai bên nhắc lại và hoan nghênh kết quả đạt được của cuộc họp Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam – Nhật Bản về Khoa học và Kỹ thuật được tổ chức tại Hà Nội ngày 19-6-2009.
Phía Việt Nam hoan nghênh các nỗ lực của Nhật Bản nhằm thúc đẩy hợp tác song phương về vũ trụ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Nhật Bản xem xét khả năng thiết lập một trường Đại học chất lượng cao tại Việt Nam, và bày tỏ tin tưởng rằng đây sẽ là nội dung hợp tác thiết thực và có ý nghĩa đặc biệt đối với quan hệ Việt Nam – Nhật Bản về lâu dài. Phía Nhật Bản bày tỏ ý định sẽ xem xét đề nghị trên của phía Việt Nam.
7. Về hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước
Hai bên khẳng định lại tầm quan trọng của việc thúc đẩy giao lưu nhân dân, đặc biệt là giao lưu giữa thanh niên và tin tưởng rằng các hoạt động giao lưu văn hóa sẽ làm sâu sắc hơn sự hiểu biểt lẫn nhau giữa nhân dân của cả hai nước. Thủ tướng Na-ô-tô Can khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục nhận sinh viên Việt Nam hoặc mời thanh niên Việt Nam đến Nhật Bản theo các chương trình khác nhau, bao gồm Chương trình Mạng lưới Trao đổi Sinh viên và Thanh niên Nhật Bản – Đông Á (JENESYS) và dựa trên các chương trình ODA.
Hai bên đánh giá cao tiến triển đạt được trong khuôn khổ Ủy ban Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản về bảo tồn Di sản văn hóa Thăng Long và hợp tác thông qua việc sử dụng các Quỹ Tín thác Nhật Bản UNESCO; hoan nghênh việc thúc đẩy hợp tác văn hóa giữa hai nước nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và kỷ niệm 1.300 năm cố đô Hê-i-dô-ki-ô. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo cho phía Nhật Bản rằng Chính phủ Việt Nam đã quyết định sẽ tổ chức hằng năm Lễ hội Du lịch – Văn hóa Việt Nam tại Nhật Bản.
8. Về hợp tác khu vực và quốc tế
Hai bên hài lòng nhận thấy quan hệ và hợp tác giữa Nhật Bản và các nước khu vực sông Mê Công trong mấy năm qua đã đạt được tiến triển đáng kể trong nhiều lĩnh vực như chính trị và kinh tế, đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực.
Hai bên hoan nghênh kết quả Hội nghị Cấp cao Mê Công-Nhật Bản lần thứ hai tổ chức vào ngày 29-10-2010, ghi nhận kết quả đáng kể trong việc triển khai 'Kế hoạch Hành động 63 Mê Công-Nhật Bản' và những sáng kiến khác do các nước khu vực sông Mê Công đề xuất. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao Sáng kiến 'Một Thập kỷ hướng tới Mê Công xanh' và 'Chương trình Hành động Sáng kiến Hợp tác Kinh tế Công nghiệp Mê Công – Nhật Bản', bày tỏ hy vọng những sáng kiến này sẽ được thực hiện có hiệu quả.
Hai bên chia sẻ nhận thức về tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác giải quyết các thách thức khu vực và quốc tế. Thủ tướng Na-ô-tô Can ca ngợi vai trò xây dựng của Việt Nam với tư cách Chủ tịch ASEAN 2010. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao vai trò của Nhật Bản với tư cách Chủ tịch APEC 2010 và khẳng định rằng Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản để bảo đảm thành công của Hội nghị các Nhà lãnh đạo Kinh tế APEC lần thứ 18 vào tháng 11- 2010.
Hai bên nhấn mạnh lại tầm quan trọng của việc hợp tác chặt chẽ nhằm thúc đẩy hơn nữa những khuôn khổ khu vực hiện có như ASEAN-Nhật, ASEAN 3 và Hội nghị Cấp cao Đông Á; tái khẳng định quyết tâm thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực cùng quan tâm; khuyến khích các nỗ lực hội nhập khu vực tại Đông Á, trong đó bao gồm các nghiên cứu về Quan hệ Đối tác Kinh tế Toàn diện ở Đông Á (CEPEA) và sự đóng góp hiệu quả của Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN – Đông Á (ERIA).
Hai bên khẳng định quyết tâm thúc đẩy hợp tác nhằm sớm cải tổ Hội đồng Bảo an LHQ, trong đó bao gồm việc mở rộng thành viên thường trực và không thường trực, để tăng tính đại diện, tính chính đáng, hiệu quả và khả năng đáp ứng thực tế của tổ chức này đối với cộng đồng quốc tế trong thế kỷ 21. Phía Việt Nam khẳng định lại việc Việt Nam ủng hộ Nhật Bản trở thành Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.
Hai bên khẳng định lại sự ủng hộ đối với việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng trên Bán đảo Triều Tiên, phù hợp với Tuyên bố chung tháng 9- 2005 của đàm phán sáu bên và các Nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an LHQ. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các mối quan tâm của cộng đồng quốc tế về vấn đề nhân đạo.
Hai bên bày tỏ sự hài lòng đối với kết quả chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên của Thủ tướng Na-ô-tô Can và cho rằng chuyến thăm đã mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2010
Theo Nhandan
Ý kiến ()