Tuyên án vụ án xảy ra tại dự án Ethanol Phú Thọ
Chiều 15-3, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên án các bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ (Ethanol Phú Thọ). Bị cáo Ðinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bị tuyên phạt 11 năm tù về tội “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tổng hợp với bản án trước đó, hình phạt chung áp dụng đối với bị cáo Ðinh La Thăng là 30 năm tù. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) bị tuyên án 10 năm tù về tội “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và 8 năm tù về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tổng hợp với các bản án trước đó, hình phạt chung đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh là tù chung thân. Trong số 10 bị cáo còn lại trong vụ án, có chín bị cáo chịu mức án từ 24 tháng đến 17 năm tù (một số bị cáo tổng hợp với bản án trước đó), một bị cáo chịu mức án 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Tại buổi tuyên án, Hội đồng xét xử nhận định, các bị cáo trong vụ án đã vi phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng Nhà máy Ethanol Phú Thọ, khiến dự án bị dừng thi công giữa chừng dù chưa có bất cứ hạng mục nào hoàn thành, gây thiệt hại hơn 543 tỷ đồng cho Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB). Trong đó, bị cáo Ðinh La Thăng với vai trò người đứng đầu PVN, Trưởng Ban Chỉ đạo dự án nhiên liệu sinh học, mặc dù biết PVC không đủ năng lực, kinh nghiệm, thậm chí tình hình tài chính đang thua lỗ nhưng vẫn dùng ảnh hưởng của mình chỉ định thầu cho công ty này. Bị cáo còn chủ trì các cuộc họp, chỉ đạo, gây sức ép để các bị cáo khác hoàn tất hồ sơ chỉ định thầu cho liên danh của PVC. Về phía mình, Trịnh Xuân Thanh với vai trò đứng đầu PVC biết rõ liên danh của công ty mình không đủ năng lực nhưng vẫn tiếp nhận sự chỉ đạo của bị cáo Thăng dẫn tới những sai phạm nghiêm trọng. Các bị cáo còn lại trong vụ án giữ vai trò đồng phạm, giúp sức.
Hội đồng xét xử cũng xác định, điểm mấu chốt trong vụ án này ở chỗ, ban đầu dự án được tổ chức đấu thầu rộng rãi, nhưng trên cơ sở chỉ đạo của bị cáo Thăng và một số bị cáo, dự án cuối cùng lại được chỉ định thầu cho liên danh của PVC. Ðáng chú ý, hồ sơ yêu cầu được lập không đúng quy định pháp luật dẫn tới không lựa chọn được nhà thầu đủ năng lực.
Ý kiến ()