Tuổi trẻ Trường Sa chung tay bảo vệ môi trường
– Đóng quân trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, cán bộ, chiến sĩ Hải quân cùng các lực lượng luôn chủ động thu gom, xử lý rác thải, tích cực trồng cây xanh. Các hoạt động không chỉ xây dựng cảnh quan môi trường trên đảo mà còn hướng tới xây dựng môi trường biển xanh.
Đoàn viên thanh niên trên đảo Sinh Tồn thu gom rác, làm sạch bãi biển
Chủ động xử lý rác
Do đặc thù hoạt động ở môi trường biển, đảo, vì vậy lượng rác thải rắn từ những vỏ đồ hộp rất nhiều. Ngoài ra, rác thải từ các nguồn khác bị sóng biển đánh dạt vào đảo, tạo thành những bãi rác trên các bãi cát, bờ kè. Rác thải trên đảo ngày càng nhiều dẫn tới tình trạng ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Tuổi trẻ các đảo đã phát động “Ngày thứ Bảy tình nguyện” nhằm thực hiện chiến dịch “Hãy làm sạch biển”
Thượng tá Trần Văn Trình, Chính trị viên đảo Sinh Tồn cho biết: “Thời gian qua, chỉ huy đảo cùng các lực lượng đã tăng cường việc tuyên truyền phổ biến các biện pháp quản lý, kiểm soát và xử lý các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển, đảo, hướng tới xây dựng môi trường đảo xanh, sạch, đẹp. Chúng tôi phát huy vai trò xung kích, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên trong việc thu gom, xử lý rác thải, đồng thời nhân rộng ra các lực lượng cũng như nhân dân trên đảo”.
Thông qua hệ thống truyền thanh nội bộ, các buổi sinh hoạt, tọa đàm thanh niên, Liên chi đoàn đảo Sinh Tồn đã tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên về tác hại của việc xả rác sai quy định, cách phân loại, xử lý rác thải và công tác bảo vệ môi trường biển… Cùng với việc làm sạch bãi biển, đoàn viên, thanh niên và cán bộ, chiến sĩ cũng đã kết hợp tuyên truyền cho nhân dân, các lực lượng đóng quân trên đảo nâng cao ý thức giữ gìn khu vực biển, đảo xanh, sạch, đẹp.
Thực hiện “Ngày thứ Bảy tình nguyện” các đoàn viên, thanh niên đã tổ chức thu gom rác thải về các địa điểm để phân loại và xử lý. Những loại rác thải vô cơ như: Đồ hộp, sắt, nhựa, không thể tiêu hủy được đập nhỏ, đóng thành bao, tập kết tại một vị trí để sau đó chuyển vào bờ xử lý. Những rác thải hữu cơ được phân loại chôn ủ làm phân cải tạo đất phục vụ cho tăng gia và trồng cây xanh trên đảo.
Chị Trần Thị Thu Hiền, người dân đang sinh sống trên đảo Sinh Tồn kể: “Trước đây nhà em không để ý, cứ đổ rác ra biển vậy thôi. Nay hiểu rồi, nhà em sẽ phân loại rác từ đầu và đổ rác đúng nơi quy định. Em cùng bà con sẽ tích cực dọn rác cùng các chú bộ đội để đảo luôn sạch sẽ”.
Ngư dân đánh bắt xa bờ ở ngư trường Trường Sa vẫn còn thói quen xả rác sinh hoạt trực tiếp xuống biển. Trong các đợt tàu cá của ngư dân vào Âu tàu Sinh Tồn tránh trú gió, bão hoặc nghỉ trăng, chỉ huy đảo lồng ghép các nội dung tuyên truyền với tuyên truyền bảo vệ môi trường biển.
Chính trị viên Trần Văn Trình cho biết thêm: “Chúng tôi tuyên truyền để bà con ngư dân hiểu được tác hại của việc xả thải trực tiếp xuống biển; hướng dẫn ngư dân phân loại rác, trong đó những rác thải rắn, khó phân hủy như: Vỏ lon, vỏ hộp, chai nhựa, túi nilon… thì phải đập bẹp, đóng vào các bao sau đó mang vào đảo gửi hoặc mang vào bờ để xử lý chứ không được vứt xuống biển”.
Trồng, chăm sóc cây xanh đã trở thành niềm vui hằng ngày của đoàn viên thanh niên trên đảo Song Tử Tây
Tích cực trồng cây xanh
Trên huyện đảo Trường Sa thổ nhưỡng chủ yếu là cát, san hô, điều kiện thời tiết thì vô cùng khắc nghiệt. Vì vậy, để có một cây xanh tươi tốt, tỏa bóng mát trên đảo đòi hỏi kỹ thuật, công sức và cả sự tâm huyết. Chỉ huy các đảo xây dựng kế hoạch dài hạn với mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu cụ thể, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của từng đảo.
Tại các đảo nổi, tổ chức đoàn thanh niên xây dựng những vườn ươm cây giống để trồng tại đảo và chuyển giao để trồng tại các đảo khác. Mỗi cán bộ, chiến sĩ hết nghĩa vụ trở về đất liền đều chủ động chiết, trồng tặng đảo từ 1 đến 2 cây xanh và chăm sóc cây phát triển tốt. Đoàn cơ sở Lữ đoàn khuyến khích, động viên cán bộ, chiến sĩ khi ra đảo công tác mang theo hạt giống các loại hoa và cây cảnh để ươm.
Thượng tá Nguyễn Văn Khương, Chính trị viên phó, Bí thư Liên chi đoàn đảo Song Tử Tây cho biết: “Sau những giờ học tập, công tác, việc trồng, chăm sóc cây xanh trên đảo đã trở thành niềm vui của cán bộ, đoàn viên thanh niên trên đảo. Chăm sóc cây xanh, cải tạo tự nhiên, khắc phục điều kiện khí hậu khắc nghiệt còn giúp cho các bạn trẻ vơi bớt nhớ nhà, thêm yêu mến, gắn bó với đảo”.
Khắc phục điều kiện khắc nghiệt, các đảo tổ chức quy hoạch khu vực đất trồng cây phù hợp khuôn viên của đơn vị. Vào mùa mưa, tranh thủ đất còn mềm, tổ chức cho đoàn viên, thanh niên đào hố sẵn, sau đó ủ phân xanh và phủ độn, làm tơi xốp đất bằng các loại cỏ rác, khi cây giống ra rễ, thời tiết phù hợp đơn vị sẽ tổ chức trồng. Khi cây mới trồng, đoàn viên thanh niên tổ chức che chắn gió, sóng không để hơi muối mặn xâm nhập vào cây. Nguồn nước để tưới cây được cán bộ, chiến sĩ tận dụng từ nước mưa và nước ngọt đã qua sử dụng.
Giờ đây, trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa không chỉ được phủ một màu xanh mướt của những tán cây bàng vuông, phong ba, dừa… mà còn rực rỡ sắc thắm của các loại hoa, như hoa lan, hoa giấy, hoa sứ… Giữa muôn trùng biển khơi, từ đảo nổi đến các đảo chìm, nơi đâu cũng hiện hữu màu xanh tươi tốt của cây cối xen lẫn những công trình mái ngói đỏ tươi.
Cây xanh ở Trường Sa không những tạo cảnh quan đẹp, điều hòa khí hậu, ngọt hóa đất đai, tạo bóng mát mà còn có tác dụng che chắn gió bão, góp phần trực tiếp vào phòng thủ chiến đấu của quân, dân trên đảo. Trao đổi về hoạt động trồng cây trên các đảo, Đại tá Phạm Văn Thọ, Chính ủy Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân chia sẻ: “Hiện nay, chúng tôi đã và đang thực hiện Chương trình “Xanh hóa Trường Sa”. Đây là một chương trình lớn và thiết thực trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời mang giá trị nhân văn và ý nghĩa sâu sắc. Chúng tôi rất mong muốn sự chung tay, góp sức của các cơ quan, ban, ngành cũng như toàn xã hội để cùng xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền Trường Sa thân yêu”.
Ý kiến ()