LSO-Nếu ai đã từng đến “Làng thanh niên lập nghiệp” đứng chân trên địa bàn 3 xã biên giới: Thanh Long, Thụy Hùng, Trùng Khánh (Văn Lãng) đều có chung cảm nhận, mỗi gia đình trẻ nơi đây đang chung sức ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng vùng biên ngày càng khởi sắc. Đồng chí Vy Văn Thành - Chủ tịch UBND tỉnh thăm hộ gia đình Làng TNLNSáng sớm, từ thành phố Lạng Sơn, chúng tôi đã lên xe đi vùng cao biên giới huyện Văn Lãng. Trải qua đoạn đường khá vất vả vì xuống cấp, khi mặt trời xuyên qua lớp mây mù dày đặc, tỏa nắng khắp vùng biên cũng là lúc cổng “Làng thanh niên lập nghiệp” (LTNLN) đã hiện ra ở trước mặt. Đi sâu vào trong làng, chúng tôi thật sự vui và bất ngờ, bởi nơi đây màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng, từng ngôi nhà xây lợp Proxi măng khang trang, sạch đẹp san sát nằm cạnh nhau đầm ấm và sum vầy. Xung quanh mỗi nếp nhà là màu xanh mát của cây trái, hoa màu, vườn rau… và từ...
LSO-Nếu ai đã từng đến “Làng thanh niên lập nghiệp” đứng chân trên địa bàn 3 xã biên giới: Thanh Long, Thụy Hùng, Trùng Khánh (Văn Lãng) đều có chung cảm nhận, mỗi gia đình trẻ nơi đây đang chung sức ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng vùng biên ngày càng khởi sắc.
Đồng chí Vy Văn Thành – Chủ tịch UBND tỉnh thăm hộ gia đình Làng TNLN
Sáng sớm, từ thành phố Lạng Sơn, chúng tôi đã lên xe đi vùng cao biên giới huyện Văn Lãng. Trải qua đoạn đường khá vất vả vì xuống cấp, khi mặt trời xuyên qua lớp mây mù dày đặc, tỏa nắng khắp vùng biên cũng là lúc cổng “Làng thanh niên lập nghiệp” (LTNLN) đã hiện ra ở trước mặt. Đi sâu vào trong làng, chúng tôi thật sự vui và bất ngờ, bởi nơi đây màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng, từng ngôi nhà xây lợp Proxi măng khang trang, sạch đẹp san sát nằm cạnh nhau đầm ấm và sum vầy. Xung quanh mỗi nếp nhà là màu xanh mát của cây trái, hoa màu, vườn rau… và từ những ngôi nhà đầm ấm ấy, đâu đây vang lên tiếng trẻ học bài. Điều đó nói lên cuộc sống sôi động của những gia đình trẻ trong làng đang trên đà phát triển. Theo như anh Nguyễn Văn Toán, Giám đốc Ban quản lý dự án LTNLN tâm sự thì: Dự án LTNLN được triển khai từ năm 2007, với tổng vốn đầu tư hơn 29 tỷ đồng. Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, mô hình tổng thể nhằm phát triển khu vực biên giới mạnh về chính trị – xã hội, vững vàng về kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
Trong câu chuyện cùng các anh trong Ban quản lý Dự án LTNLN, chúng tôi hiểu: Sau gần 4 năm được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng sự phối kết hợp chặt chẽ giữa Ban quản lý Dự án với Tỉnh đoàn và các cấp, các ngành liên quan đã nhanh chóng triển khai thực hiện, qui hoạch, bố trí nơi dân cư, tiến hành đẩy nhanh công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình thanh niên đăng ký tham gia định cư trong LTNLN. Xúc tiến đẩy nhanh quá trình thi công đồng bộ các công trình, hạng mục như: Làm đường giao thông, mở mới tuyến đường từ Na Hình (Thụy Hùng) đi Nà Tồng (Trùng Khánh) dài gần 5 km theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại B đã cơ bản hoàn thành. Tiến hành xây dựng công trình nước sạch phục vụ sinh hoạt, đào 10 giếng, xây 103 bể nước, hỗ trợ 61 máy bơm…Đồng thời hỗ trợ các gia đình chuyển vào định cư tại LTNLN mỗi hộ 30 triệu đồng làm nhà đảm bảo vững chắc, đẹp và thống nhất mẫu thiết kế, được các cấp, các ngành Trung ương kiểm tra, đánh giá là một trong những đơn vị làm tốt nhất trong số 18 LTNLN của cả nước.
Cùng chúng tôi đi trên con đường nội bộ được bê tông hóa sạch, đẹp vào thăm các hộ gia đình trong LTNLN, đồng chí Nguyễn Minh Thơ, Bí thư Tỉnh đoàn hồ hởi tâm sự: Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh và một số ban, ngành liên quan giám sát, đẩy nhanh tiến độ xây dựng phát triển Dự án LTNLN. Tăng cường công tác xã hội hóa trong thực hiện, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương huyện Văn Lãng, tranh thủ nguồn lực ủng hộ, vận động nhiều đợt đoàn viên, thanh niên tình nguyện giúp các hộ gia đình trong LTNLN trồng rừng, trồng cây ăn quả, làm đường giao thông nông thôn, tiến hành tặng quà, khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí…qua đó kịp thời động viên, tạo niềm phấn khởi cho các gia đình yên tâm xây dựng cuộc sống no ấm trên vùng đất mới – nơi vùng biên của Tổ quốc.
Đứng trước căn nhà khang trang, nồng nàn hương thơm hoa trái, anh Phù Văn Trường, bế đứa con kháu khỉnh, khỏe mạnh, chân thành: Trước kia gia đình mình ở trong Khuổi Thâm, cách 10 cây số đi bộ. Bây giờ ra đây lập nghiệp, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, vợ chồng mình yên tâm, phấn khởi tích cực trồng nhiều cây trái, nuôi nhiều con giống, thu nhập của gia đình khá đấy. Nói xong anh cười thật tươi chỉ vào chiếc xe máy, vô tuyến cùng một số vật dụng đắt tiền bảo: mình mua được những đồ dùng là nhờ tiền dôi ra từ chăn nuôi, trồng trọt. Khi chúng tôi vào thăm gia đình anh Hứa Văn Quyền, thóc phơi vàng mặt sân, trong nhà ngổn ngang những bao thóc “đứng, ngồi”, cạnh đó chiếc máy tẽ ngô đang hoạt động, tiếng máy vang lên giòn giã như đón mừng khách đến chơi nhà. Anh Quyền bộc bạch: Trong làng chúng tôi có điện sáng, có cả lớp mẫu giáo dạy tụi trẻ con, cuộc sống ở đây vui nhiều đấy. Các gia đình là lớp người trẻ tuổi về định cư trong làng mới, chúng tôi được giao đất trồng mầu, trồng rừng thì tốt quá rồi, cố gắng bảo ban nhau chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ngày càng tốt hơn. Quan sát những thửa ruộng bậc thang lúa trĩu bông, chắc hạt đang ngả màu vàng óng, xa xa những cánh rừng thông, bạch đàn, keo non vươn mình dưới nắng, gió…Và kìa, trong lớp mẫu giáo mầm non giữa làng, tiếng cô giáo Lý Thị Kiềm ngân vang lời ca dạy bọn trẻ hát bài “chị ong nâu”, bọn trẻ bập bõm hát theo: chị ong nâu nâu/ chị bay đi đâu đi đâu/ con gà mới trống gáy/ông mặt trời thức dậy…báo hiệu nhịp sống mới trên LTNLN – nơi biên giới đang từng ngày, từng giờ vươn mình đi lên.
Dự án LTNLN triển khai thực hiện trong thời gian chưa dài, song bước đầu đã thu được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Quần chúng nhân dân nỗ lực vượt qua khó khăn, đoàn kết đồng thuận, yên tâm ổn định xây dựng cuộc sống lâu dài. Đã có 145 hộ chuyển vào định cư trong vùng dự án (trong đó có 65 hộ chuyển mới), thu nhập bình quân của các hộ mới đến đạt 30 – 50 triệu đồng/hộ/năm, 100% số hộ trong vùng dự án sử dụng điện lưới, có máy xay xát, máy cày phục vụ sản xuất, 95 hộ có ti vi, xe máy. Đặc biệt đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả như: mô hình chăn nuôi lợn của gia đình anh Lương Văn Tuấn, chăn nuôi gà thịt của gia đình anh Lê Văn Lan; chăn nuôi vịt của anh Lê Văn Thân và nhiều mô hình khác theo kỹ thuật mới đạt hiệu quả, năng suất chất lượng cao.
Hiệu quả bước đầu trong LTNLN là tiền đề vững chắc để mỗi gia đình nơi đây vươn lên, từng bước làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng khu vực biên giới ngày càng vững mạnh, đúng như lời đánh giá của đồng chí Vy Văn Thành- Chủ tịch UBND tỉnh: “ Làng TNLN là mô hình điểm thật sự ý nghĩa, mang hiệu quả cao, gắn chặt với dự án di dân tái định cư khu vực biên giới, cùng lúc thực hiện tốt 3 mục tiêu về phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa, củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh.
Mai Văn Hoa
Ý kiến ()